Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho tới nay, tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 (mũi 1) của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trung bình là 40 - 50%. Trong khi đó, hiện đã có tới trên 50% nhà máy chế biến cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và nhà máy chế biến thủy sản ở miền Đông TP.HCM đóng cửa.
Các doanh nghiệp được VASEP khảo sát đều đang lo ngại nguy cơ đổ vỡ toàn chuỗi sản xuất từ nuôi trồng - khai thác - chế biến - kinh doanh - xuất nhập khẩu, nếu Chính phủ và các địa phương không có các biện pháp khôi phục khẩn cấp.
Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, xuất khẩu thủy sản tháng 8/2021 giảm mạnh ở các mặt hàng hải sản (cá ngừ); cá tra và tôm giảm đến 29,7% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng năm 2021 kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 5,6 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ.
Về tình hình sản xuất của các doanh nghiệp thủy sản, ông Luân thông tin thêm, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã có 120 trong tổng số 449 nhà máy chế biến thủy sản dừng hoạt động; những nhà máy còn lại thì công suất chỉ đạt khoảng 30 - 40%. Chi phí sản xuất của nhà máy tăng, nguy cơ chậm và bị phạt đơn hàng là rất lớn.
Nuôi trồng thủy sản cũng đang rất nan giải, do dịch bệnh nên khó kêu gọi thương lái, nhà máy thu mua thủy sản, thiếu lái xe, phương tiện vận chuyển thu mua tôm nguyên liệu... khiến giá tôm nguyên liệu giảm mạnh.
Việc cung ứng vật tư đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản) không đáp ứng kịp thời, phát sinh tăng chi phí do trung chuyển và test covid.
Tại Bến Tre, nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra đã ngừng chế biến từ đầu tháng 8/2021 do việc đi lại, vận chuyển, nuôi trồng gặp khó khăn, công nhân lo ngại bị nhiễm bệnh nên cũng xin nghỉ. Tỷ lệ doanh nghiệp chế biến được chích vắc xin hiện dưới 15%. Để cầm cự sản xuất, một số doanh nghiệp cố gắng chế biến nghêu, nhưng do giá thấp nên cũng đang xem xét ngưng hoạt động. Trong bối cảnh đó, không ít khách hàng đòi hủy hợp đồng và tìm khách hàng thay thế với lý do chậm tiến độ giao hàng.
Còn tại Đà Nẵng, sau khi thành phố thông báo giãn cách thì toàn bộ doanh nghiệp chế biến thủy sản cũng đóng cửa. Một số doanh nghiệp dự kiến thực hiện “3 tại chỗ” để sản xuất cầm cự nhưng thiếu công nhân chế biến sâu trầm trọng. Doanh nghiệp xuất khẩu tôm của địa phương này xác định mở cửa hoạt động thì chỉ thu mua nguyên liệu để làm hàng đơn giản. Tuy nhiên, giá tôm loại này của Việt Nam không thể cạnh tranh được với tôm Ấn Độ và Ecuador trên nhiều thị trường.
Ngoài ra, tại các địa phương ven biển như: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, doanh nghiệp đã giảm tối đa công suất chế biến, hoạt động cầm chừng. Cả người dân và doanh nghiệp đều gặp rất nhiều khó khăn do một số cảng cá bị phong tỏa khi có ca nhiễm Covid-19, tỷ lệ công nhân và người lao động được tiêm vắc xin rất thấp, chi phí cho hoạt động “3 tại chỗ” quá cao.
Theo VASEP, nhiều doanh nghiệp đã cân nhắc tới phương án sẽ ngưng hoạt động hoàn toàn nếu trước 15/9 tình hình dịch Covid-19 ở các địa phương chưa được ngăn chặn, các biện pháp giãn cách xã hội còn tiếp tục kéo dài.
Đinh Điệp