Điều gì cản trở doanh nghiệp tham gia chương trình khoa học và công nghệ?

Võ Thị Liên
TS. Nguyễn Phú Bình – Phó Giám đốc Văn phòng các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia cho biết chỉ có khoảng 25 - 30% đơn vị phía Nam tham gia chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia, nguyên nhân do các thủ tục hành chính.

Tại Hội thảo "Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Nam - Thực trạng và giải pháp" do Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN tổ chức vừa qua, ông Bình cho biết thời gian đến các chương trình KH&CN quốc gia sẽ được tái cấu trúc, giảm thiểu các thủ tục hành chính.

screenshot-2022-11-29-234355-1669872635.png
TS. Nguyễn Phú Bình – Phó Giám đốc Văn phòng các chương trình khoa học và công nghệ quốc gia cho biết chỉ có khoảng 25 - 30% đơn vị phía Nam tham gia chương trình khoa học và công nghệ quốc gia.

"Các đơn vị thường mong muốn đưa kết quả nghiên cứu ra thị trường một cách nhanh chóng, thế nhưng các thủ tục trình cho đến khi phê duyệt mất khoảng thời gian từ 7 - 8 tháng. Điều này đã làm lỡ quá trình triển khai ý tưởng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các đơn vị thường chủ động triển khai sớm các nghiên cứu mà không tham gia chương trình để nắm bắt kịp thời các cơ hội sản xuất và kinh doanh", ông Bình lý giải nguyên nhân các đơn vị phía Nam tham gia chương trình còn hạn chế.

Khi triển khai các chương trình KH&CN quốc gia, ông Bình cho biết Bộ KH&CN luôn có những hoạt động về nghiên cứu, đòi hỏi phải có tính mới, sáng tạo.

Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kết nối và hỗ trợ tài chính. Ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, tập trung cho hoạt động hoàn thiện và ứng dụng công nghệ. Phần lớn kinh phí do doanh nghiệp đối ứng thực hiện, do đó, doanh nghiệp đóng vai trò là tổ chức chủ trì. Hơn nữa, đầu ra các sản phẩm phải được thương mại hóa.

Trong giai đoạn 2010 - 2020, dự án sau khi tham gia chương trình có mức tăng trưởng trung bình khoảng 20%. Hiện cả nước có khoảng 40 chương trình khoa học công nghệ quốc gia, trong đó chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, chương trình quốc gia phát triển sản phẩm công nghệ cao, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia thu hút 4.000 tỷ đồng từ đối ứng doanh nghiệp và được Nhà nước hỗ trợ 1.000 tỷ đồng.

Theo ông Bình, chương trình KH&CN quốc gia từ năm 2010 đến nay đã thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra nền tảng công nghệ cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Điển hình, mức tăng trưởng doanh thu trung bình hằng năm của các doanh nghiệp đạt 18,8 - 50%. Kết quả kinh doanh sản phẩm của doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ này ước đạt gần 3.424 tỷ đồng trong 5 năm tới (chiếm 33,6% doanh thu của doanh nghiệp). Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ đã tạo ra hơn 3.000 việc làm cho người lao động.

Đơn cử, một số nhiệm vụ tại khu vực phía Nam như dự án sản xuất dầu dừa VCO do Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre) chủ trì đã chế tạo VCO đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. Nhờ ưu điểm của công nghệ, tinh dầu dừa đạt độ tinh khiết và không bị biến chất nên giá bán gấp 4 lần dầu dừa đang sản xuất theo công nghệ hiện nay (VCO-125.00 đồng/lít so với 30.000 đồng/lít). Bên cạnh đó, doanh nghiệp có năng lực tiêu thụ và tận dụng khoảng 6 triệu lít nước dừa từ khoảng 12 triệu quả dừa. Hơn nữa, doanh nghiệp này còn thu mua và tiêu thụ sản xuất gần ¼ số lượng dừa quả của các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, dự án "Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình chế biến muối tinh và muối tinh I-ốt chất lượng cao ở tỉnh Bạc Liêu" do Công ty CP muối Bạc Liêu chủ trì thực hiện từ năm 2018 – 2020. Công ty đã tiếp nhận 7 quy trình công nghệ hiện đại về chế biến muối tinh và muối tinh I-ốt chất lượng cao công suất 4,3 tấn/giờ (23.640 tấn/năm). Sau 6 tháng vận hành chính thức, sản lượng bán ra của doanh nghiệp tăng 8,47%, doanh thu tăng 9,18%, lợi nhuận tăng 100,5%. Dự án của doanh nghiệp này cũng đã góp phần ổn định sản xuất cho khoảng 365 diêm dân sản xuất muối tại đồng muối tỉnh Bạc Liêu.