Ưu tiên vắc xin Covid-19 cho các địa phương nhiều khu công nghiệp

Trần Nhật Linh
Thủ tướng kêu gọi các địa phương trên cả nước chia sẻ, ưu tiên vắc xin Covid-19 cho TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp.

Tại hội nghị của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ yêu cầu thay đổi chính sách ưu tiên về vắc xin Covid-19.

Theo đó, Thủ tướng kêu gọi các địa phương trên cả nước chia sẻ, ưu tiên vắc xin Covid-19 cho TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương... Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế, các cơ quan chuyên môn tính toán cụ thể mức độ ưu tiên phù hợp với tình hình và khả năng cung ứng.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, cần quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chiến lược vắc xin Covid-19, đặc biệt là đẩy mạnh ngoại giao vắc xin, hợp tác công tư để mua được nhiều nhất, nhanh nhất có thể. Tổ chức tiêm kịp thời, hiệu quả, an toàn, không để lãng phí vắc xin và thời gian. Rút gọn các thủ tục về hành chính để tập trung thúc đẩy nhanh chóng, mạnh mẽ, kịp thời việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và công nhận vắc xin Covid-19 trong nước để có thể làm chủ trong vấn đề này. Khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, nhập khẩu, sản xuất thuốc phục vụ phòng chống dịch. Tăng cường chuyển giao công nghệ, sản xuất máy thở.

thu-tuong-pham-minh-chinh1

Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện các công nghệ và hướng dẫn ứng dụng công nghệ để góp phần phòng chống dịch. Thủ tướng tiếp tục yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông theo nguyên tắc công khai, minh bạch, nhân đạo, khoa học, kịp thời, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu.

"Chúng ta chống dịch trong điều kiện của một đất nước đang phát triển với những đặc thù riêng, do đó phải cân đối nguồn lực, có các giải pháp phù hợp, huy động cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp chung tay, chung sức, chung lòng. Phải tổng hòa các biện pháp về chống dịch, an sinh xã hội, huy động nguồn lực cả về tinh thần và vật chất", Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận.

Theo các chuyên gia, chiến lược vắc xin Covid-19 được coi là một khoản đầu tư vào nguồn nhân lực của quốc gia. Vắc xin Covid-19 cũng có thể làm giảm chi tiêu của Chính phủ cho việc điều trị và kiểm soát dịch bệnh. Nếu không có vắc xin, các chủng mới sẽ lan nhanh hơn, khả năng miễn dịch sẽ có thể mất rất lâu, nền kinh tế từ đó cũng khó phục hồi.

Tại buổi tọa đàm "Cơ hội và rủi ro ở vùng đỉnh lịch sử" do Forbes Việt Nam tổ chức vừa qua, Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư SGI Lê Chí Phúc chỉ rõ, tác động của chiến lược tiêm chủng vắc xin Covid-19 quy mô rộng đến nền kinh tế sẽ có độ trễ nhất định. Theo ông Phúc, nhờ có chiến lược tiêm chủng vắc xin quy mô rộng, hàng loạt nền kinh tế lớn trên toàn cầu đã mở cửa trở lại và tăng trưởng mạnh. "Tuy có độ trễ, nhưng chắc chắn Việt Nam sẽ có các diễn biến phục hồi tương tự, nhất là trong giai đoạn năm 2022", ông Phúc nói.

TS. Daniel Borer - Giáo sư đại học RMIT Việt Nam cũng đồng quan điểm trên, cho rằng ảnh hưởng của chiến lược vắc xin lên nền kinh tế sẽ đi kèm với độ trễ nhất định. Ông Daniel khẳng định, mặc dù kết quả kinh tế trong 6 tháng tới có thể kém tích cực, nhưng đây là giai đoạn then chốt, quyết định đến tình hình phục hồi của đất nước. "Liệu chúng ta có thể duy trì và giữ cho nền kinh tế an toàn trong 6 tháng tới hay không, tất cả đều phụ thuộc vào vaccine", vị giáo sư RMIT nhận định.

Nhật Linh

Nhật Linh