Ukraine gia nhập các nước đưa tiền ảo vào luật quốc gia

Trần Nhật Linh
Các nhà lập pháp Ukraine vừa thông qua một đạo luật mới về tiền ảo, chính thức gia nhập danh sách các nước có động thái hợp pháp hóa Bitcoin.

Quốc hội Ukraine vừa đầy đã bỏ phiếu và gần như nhất trí hoàn toàn để thông qua một đạo luật hợp pháp hóa và đề ra các quy định đối với tiền ảo. Luật này được khởi động vào năm 2020 và đang được chuyển đến bàn của Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Cho đến nay, tiền ảo ở Ukraine vẫn đang đang trong "vùng xám" về pháp lý, chưa có quy định rõ ràng. Người dân Ukraine được phép mua bán và trao đổi tiền ảo, nhưng các công ty và sàn giao dịch tiền ảo thường bị cơ quan thực thi pháp luật giám sát chặt chẽ.

Luật mới của Ukraine sẽ đưa ra các biện pháp bảo vệ nhất định nhằm chống lại các hành vi gian lận của những người sở hữu Bitcoin và các loại tiền ảo khác. Và lần đầu tiên các nhà lập pháp Ukraine đã bắt tay vào việc xác định thuật ngữ cốt lõi trong thế giới tiền ảo.

Nếu đạo luật được Tổng thống Ukraine ký phê chuẩn, tài sản ảo, ví điện tử, và mã hóa cá nhân là những thuật ngữ sẽ được đưa vào luật pháp Ukraine.

Tuy nhiên, Ukraine chưa công nhận Bitcoin là đồng tiền pháp định như El Salvador. Luật tiền ảo của Ukraine chưa tạo điều kiện cho việc sử dụng Bitcoin như một hình thức thanh toán, cũng như không đặt tiền ảo này ngang hàng với đồng tiền quốc gia Hryvnia.

Theo Kyiv Post, đến năm 2022, Ukraine mới có kế hoạch mở cửa thị trường tiền ảo cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Các quan chức hàng đầu của chính quyền Ukraine cũng đã giới thiệu về thị trường tiền ảo tiềm năng đến các nhà đầu tư và quỹ đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon.

Bitcoin

Ông Jeremy Rubin, Giám đốc điều hành Phòng nghiên cứu và phát triển Bitcoin Judica cho rằng: "Tình trạng pháp lý đối với Bitcoin được cải thiện ở Ukraine là một biểu hiện đáng khen ngợi mà chúng ta tiến tới một thế giới tôn trọng quyền cá nhân trên toàn cầu".

Bằng động thái trên, Ukraine gia nhập danh sách các nước đưa tiền ảo vào luật quốc gia. Hai tuần trước, Cuba đã thông qua một đạo luật công nhận và điều chỉnh đối với tiền ảo với lý do "lợi ích kinh tế xã hội".

Tháng trước, Mỹ đã đề xuất các quy tắc đối với "nhà môi giới" tiền ảo trong dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD. Còn tại Đức, luật mới cho phép các quỹ trước đây bị cấm đầu tư vào tiền ảo, được phân bổ 20% nguồn lực vào các loại tiền ảo như Bitcoin.

Bên cạnh đó, Panama có vẻ sẽ là quốc gia Trung Mỹ tiếp theo đưa ra các quy định đối với tiền ảo khi quốc gia này đang khởi động một dự án luật tiền ảo riêng.

Trước đó, El Salvador đã trở thành quốc gia đầu tiên công nhận Bitcoin là đồng tiền pháp định và chính thức lưu hành cùng đồng đô la Mỹ. Tổng thống El Salvador, ông Nayib Bukele về cơ bản đã gắn số phận chính trị của mình với kết quả cuộc thử nghiệm Bitcoin này trên toàn quốc.

Nhật Linh

Nhật Linh