Tín dụng đen bủa vây người lao động trong dịch Covid-19

Trần Nhật Linh
Tín dụng đen trở nên phổ biến trong nhiều năm qua, đặc biệt khi dịch Covid-19 hoành hành, loại hình cho vay nặng lãi này càng có cơ hội phát triển.

Tín dụng đen "tấn công" người nghèo

Thời gian qua, nhiều người đã nghe đến cụm từ tín dụng đen. Đây thực chất là một hình thức cho vay nặng lãi từ các cá nhân, tổ chức tín dụng với mức lãi suất vượt quá quy định của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất cho vay của tín dụng đen thường rất cao, từ 100% - 300%, thậm chí lên đến 700%/năm.

Các tổ chức tín dụng này thường hoạt động không đăng ký với cơ quan chức năng mà hoạt động với người vay dưới dạng giao dịch dân sự. Các bên tự thỏa thuận với nhau, không được chứng thực bởi pháp luật, không có tài sản bảo đảm. Nếu người vay không có khả năng trả nợ hoặc chậm trả lãi, các đối tượng cho vay sẽ dùng nhiều thủ đoạn ép bên vay và người thân phải trả. Đây là một trong những nguyên nhân phát sinh nhiều hành vi vi phạm pháp luật như: Cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái phép, cố ý gây thương tích,…

Với những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, khó khăn về tài chính bủa vây khắp nơi. Đây chính là thời điểm “vàng” mà các đối tượng cho vay tìm cơ hội phát triển loại hình tín dụng này. Đối tượng mà các tổ chức tín dụng đen nhắm tới thường là người dân ở nông thôn với hiểu biết thông tin hạn chế, các hộ nghèo, cận nghèo, thanh niên mới lớn ham chơi. Tại các khu công nghiệp, tín dụng đen thường tìm tới khu công nhân đang mắc kẹt bởi Covid-19.

Để tiếp cận “con mồi”, ngoài các đối tượng môi giới, những người đứng đầu tổ chức tín dụng đen thường cho dán tờ rơi, rao vặt từ bờ tường, cột điện, với nhiều lời mời chào hấp dẫn. Những quảng cáo đại ý “vay tín chấp thủ tục đơn giản”, “vay nhanh không cần chứng minh tài sản”, “chỉ cần alo là có tiền”, “giải ngân trong ngày”,… đều mang dáng dấp tín dụng đen. Chỉ cần có người tin những lời dụ dỗ ngon ngọt này mà mắc bẫy, các đối tượng sẽ tìm cách dẫn dắt để “con mồi” chấp nhận vay khoản tiền với giá cắt cổ.

tin-dung-den
Những tờ rơi quảng cáo tín dụng đen được dán khắp nơi.

Thủ tục vay khá đơn giản, không cần tài sản thế chấp, nhận tiền mặt nhanh chóng… Tín dụng đen đã thu hút nhiều người có nhu cầu vay tiền tham gia.

Các hình thức tín dụng đen

Có nhiều hình thức tín dụng đen đang phổ biến trên thị trường. Tuy nhiên có 2 hình thức được nhiều người biết đến nhất chính là vay qua app và tư vấn tài chính.

Với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ 4.0, các ứng dụng app vay tiền của những đối tượng cho vay nặng lãi đang nổi lên với lượng tiếp cận cao và rất dễ sử dụng. Chỉ cần người dùng tải các ứng dụng này là có thể vay tiền một cách nhanh chóng mà không cần tới tận nơi cho vay, thủ tục cũng chỉ qua vài thao tác điện thoại.

Người sử dụng chỉ cần tạo một tài khoản trong ứng dụng, làm theo các thông tin hướng dẫn của hệ thống. Cùng với đó là chụp 2 mặt của chứng minh nhân dân và cung cấp số điện thoại của người thân, tổ chức cho vay sẽ nhanh chóng giải ngân qua tài khoản ngân hàng. Chính thủ tục dễ dàng khiến người vay không chú ý nhiều lãi suất vay, đến lúc phát hiện ra thì đã trót nhận tiền của các đối tượng và không thể trả lại.

Trong khi đó, dịch vụ tư vấn tài chính là hình thức rất phổ biến của các quỹ tín dụng đen hiện nay. Nếu người vay đang cần tiền nhanh chóng thì chỉ cần cầm theo chứng minh thư, sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ của những món đồ có giá trị là có thể vay ngay được tiền. Tuy nhiên khi vay theo hình thức này, người đi vay cần phải thế chấp một món đồ giá trị nào đó để vay tiền. Khi đồng ý vay thì chỉ nhận lại được ít hơn số tiền mong đợi do đã bị cắt trừ lãi trong 1 tháng và phí dịch vụ.

tin-dung-den-ttxvn
Thời gian qua Nhà nước thường xuyên tuyên truyền để người dân hiểu rõ về tín dụng đen. Ảnh: TTXVN

Đối với cả 2 hình thức này, sau một thời gian, nếu người không thể trả theo đúng thỏa thuận sẽ có thể bị rất nhiều số điện thoại lạ gọi tới thúc ép, đe dọa để bắt phải trả lại toàn bộ cả gốc lẫn lãi. Nếu người vay không nghe máy, các đối tượng này tiếp tục gọi đến số điện thoại người thân được cung cấp hoặc đăng ảnh chứng minh của người vay nên mạng xã hội. Thậm chí, một số đối tượng cho vay bằng cách nào đó đã lấy được cả hình ảnh bạn bè, gia đình người vay rồi ghép ảnh đăng lên khắp nơi trên mạng xã hội để thúc ép trả tiền.

Hậu quả khôn lường từ tín dụng đen

Từ làng quê đến thành thị, bằng cách này hay cách khác, tín dụng đen đang dần len lỏi vào đời sống xã hội. Nhiều người thay vì lao động kiếm tiền lại lao vào các trò chơi, tệ nạn dẫn đến vay nặng lãi, vay tiền online, sau đó không đủ khả năng trả nợ đẫn đến nhiều vụ đòi nợ thuê, gây ra án mạng…

Thực tế cho thấy, hầu hết những người vay tín dụng đen đều phải hứng chịu hậu quả khôn lường, không những làm xáo trộn cuộc sống của bản thân mà còn liên lụy, ảnh hưởng tới người thân, gia đình. 

Theo thống kê chưa đầy đủ vào năm 2019, cả nước đã hình thành tới 210 băng nhóm với khoảng 1.600 đối tượng cho vay lãi suất cao - tín dụng đen... Hậu quả là lãi suất lên đến 365%/năm.

Từ 2015 đến 2019, cả nước ghi nhận hơn 7.600 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, trong đó có 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp giật, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 165 vụ hủy hoại tài sản… Bên cạnh đó phải kể đến hậu quả từ việc gây bất an đến cuộc sống cộng đồng; bao nhiêu gia đình tan nát do tự tử, ly hôn, bỏ xứ đi trốn nợ đòi, thanh thiếu niên phải bỏ học vì nợ nần...

tin-dung-den-1
Lợi dụng sự phát triển của công nghệ, các app tín dụng đen dưới hình thức cho vay tiêu dùng nhanh chóng ra đời.

Có thể nói, với sự lọc lõi của mình, các đối tượng cho vay nặng lãi luôn xuất hiện đúng lúc để giải quyết nhu cầu của những người cần tiền. Trong một số trường hợp, khi biết nạn nhân đang nợ tiền người khác, các đối tượng này xuất hiện cùng chủ nợ và gợi ý nạn nhân vay tiền tín dụng đen để giải quyết món nợ hiện tại. Người đi vay đã phải chấp thuận phương án này để có tiền trả nợ. Vậy là món nợ của chủ cũ được chuyển sang chủ mới với tỉ lệ lãi suất cao ngất ngưởng.

Tín dụng đen hoành hành khắp nơi và ngày càng tinh vi, thế nhưng, việc xử lý những hành vi vi phạm của các đối tượng này gặp nhiều khó khăn vì chúng có nhiều thủ đoạn lách luật. Khi vụ việc xảy ra, việc phân định trách nhiệm hình sự hay dân sự cũng khiến cơ quan chức năng khó xử lý.

Nhật Linh

Nhật Linh