Từ xung đột Ukraine - Nga: Bitcoin chống chịu được mọi biến cố!?

Trần Nhật Linh
Theo các nhà phân tích, xung đột Ukraine – Nga đang chứng minh giá trị đích thực của Bitcoin có thể chống chịu được các biến cố kinh tế, chính trị,...

Trong nhiều năm nay, các tín đồ Bitcoin đã luôn xem đồng tiền mã hóa như một loại vàng kỹ thuật số. Nghĩa là giá trị cũng như tính ẩn danh của nó có thể giúp chống chịu được các biến cố kinh tế như lạm phát phi mã, các biến cố chính trị như chiến tranh hoặc các biện pháp trừng phạt, kiểm soát tài sản.

Điều đó đã được thể hiện rõ trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Theo một báo cáo, cuộc xung đột ở Ukraine đang giúp xác định Bitcoin là kho lưu trữ giá trị không có chủ quyền. Mặc dù thị trường tiền điện tử giảm, nhưng vẫn giao dịch hàng ngày, tương đương với sàn chứng khoán London Stock Exchange.

Nó (Bitcoin - PV) đã trở thành một công cụ có tính thanh khoản, được giao dịch toàn cầu và có vẻ đặc biệt hấp dẫn đối với những cá nhân đang ở trong các khu vực xung đột hoặc trong vũng lầy kinh tế”, nhà phân tích James Butterfill của CoinShares nhận xét.

Hiện tại, Ukraine và đặc biệt là Nga đang bị các ngân hàng từ chối cung cấp dịch vụ do xung đột đang diễn ra và các lệnh trừng phạt, làm tăng thêm rủi ro chuyển tiền mặt vốn đã rất cao. Từ đó, tiền điện tử được kỳ vọng là một giải pháp thay thế rất khả thi.

Theo dữ liệu của CoinShares, giao dịch tiền điện tử ở Ukraine tăng 107% kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu. Trong khi đó, con số này tăng đến 231% ở Nga với sự sụp đổ của đồng rúp và hệ thống ngân hàng của nước này ngày càng bị cô lập.

Tổng khối lượng giao dịch hằng ngày của Nga và Ukraine tăng đến 80 triệu đô la. Báo cáo nêu chi tiết rằng điều này chủ yếu xảy ra đối với các cặp tiền điện tử USDT và BUSD, là các stablecoin chốt bằng đô la Mỹ thường được sử dụng phổ biến. Ngoài ra, Bitcoin và Ethereum cũng được chú ý.

Bitcoin-giua-cuoc-chien-Ukraine-Nga

Theo báo cáo, những người tị nạn Ukraine đã và đang sử dụng các đồng tiền ảo do tính ổn định của chúng so với tiền tệ trong nước và tính di động, điều mà báo cáo lưu ý cho phép họ vượt qua các biên giới mà không gặp phải nguy cơ bị tịch thu hoặc trộm cắp.

Ngoài Nga và Ukraine, báo cáo cũng thừa nhận hành vi tương tự ở Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Mexico. Đây la các quốc gia thường chìm ngập trong bất ổn chính trị nghiêm trọng.

Được biết, kể từ khi chiến dịch cứu trợ Ukraine diễn ra, khoảng 100 triệu đô la tiền điện tử đã được quyên góp. Ngoài nhiều loại tiền kỹ thuật số khác nhau, chính phủ Ukraine cũng đã nhận được NFT.

Thứ trưởng Bộ Chuyển đổi số Alex Bornyakov của Ukraine vào thứ 6 tuần trước đã đưa ra danh sách các vật phẩm được mua kể từ ngày 1/3 bằng các khoản quyên góp tiền điện tử. Số tiền chi ít nhất 15 triệu đô la. Ngoài ra, một số nhà cung cấp vũ khí đã chấp nhận thanh toán trực tiếp bằng tiền điện tử.

Cách Ukraine tận dụng tiền điện tử trong cuộc xung đột với Nga đã thu hút sự quan tâm đáng kể từ cộng đồng mới nổi.

Vai trò của thợ đào Bitcoin đang bị thu hẹp

Theo trang tin Finbold, lượng Bitcoin của tất cả thợ đào tiền mã hóa trên toàn thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010, đạt tổng cộng 1,95 triệu Bitcoin.

Vai trò của những thợ đào tiền mã hóa đang ngày càng bị thu hẹp, số lượng Bitcoin mà họ nắm giữ đã đạt mức thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, hashrate (đơn vị đo lường khả năng giải thuật toán của các thiết bị đào tiền mã hóa) của Bitcoin lại đang ở mức cao kỷ lục", nền tảng nghiên cứu thị trường tiền mã hóa IntoTheBlock chia sẻ trong một bài đăng trên Twitter hôm 11/3.

Theo Finbold, những lý do chính khiến thợ đào Bitcoin gặp khó khăn bao gồm cuộc đàn áp khai thác của Trung Quốc, tình trạng thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu, môi trường ngày một cạnh tranh hơn và các vấn đề về biến đổi khí hậu. Những khó khăn trên đã buộc các công ty và thợ đào phải bán một phần tài sản của họ chỉ để đảm bảo sự ổn định cho hoạt động khai thác.

Tân Nguyên (t/h)

Tân Nguyên