Triệu hồi hơn 5.600 xe Hyundai Santa Fe tại thị trường Việt Nam do lỗi phanh ABS

Admin
(SHTT) - Hyundai Thành Công vừa thông báo triệu hồi 5.675 chiếc Hyundai Santa Fe đời 2017 và 2018 do lỗi liên quan tới hệ thống chống bó cứng phanh (ABS).

Cụ thể, theo chương trình triệu hồi của hãng Hyundai số “HRE22-92-P470-DM”, mục đích triệu hồi là để thay thế cầu chì hệ thống phanh ABS trên xe Hyunai Santa Fe sản xuất, lắp ráp thuộc đời (2017 - 2018).

Nguyên nhân là do bảng mạch của bộ điều khiển thủy lực hệ thống chống bó cứng phanh ABS (HECU) có thể bị đoản mạch, dẫn đến cháy bộ điều khiển và tiềm ẩn nguy cơ cháy xe.

Ngoài ra, lỗi này còn khiến hệ thống ABS làm việc không hiệu quả khi đạp phanh, dẫn tới xe cần khoảng cách nhiều hơn để dừng hẳn (hành trình phanh kéo dài) và người lái khó kiểm soát xe trong các tình huống phanh khẩn cấp.

hyundai1

 

HECU (Hydraulic Electronic Control Unit) là bộ điều khiển thủy lực của hệ thống chống bó cứng phanh ABS. HECU có tác dụng thực hiện chức năng tự chẩn đoán. Hỗ trợ người lái trong các tình huống khẩn cấp nhờ việc điều chỉnh và tích tụ áp suất chủ động trong hệ thống phanh, bằng cách điều khiển mô tơ bơm và các van solenoid sẽ điều chỉnh được áp suất lên từng bánh xe riêng biệt tránh tình trạng phanh bị bó cứng dẫn đến trượt lết, từ đó tăng khả năng ổn định chuyển động của xe.

Tổng số 5.675 xe bị triệu hồi được Công ty Cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam sản xuất, lắp ráp tại Khu công nghiệp Gián Khẩu, xã Gia Trấn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Số lượng xe bị triệu hồi lần này có thời gian sản xuất từ ngày 28/4/2017 đến ngay 27/10/2018.

Thời gian bắt đầu triệu hồi từ ngày 1/9/2023 và dự kết thúc vào ngày 1/9/2050. Mỗi xe sẽ mất khoảng 0,2h để kiếm tra và khắc phục. Công ty Cổ phần sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam và các đại lý được ủy quyền sẽ kiểm tra, khắc phục miễn phí lỗi của những xe bị ảnh hưởng.

Tính đến thời điểm hiện tại, dù chưa ghi nhận bất kỳ trường hợp tai nạn nào liên quan đến lỗi này, tuy nhiên để tuân thủ các quy định hiện hành và đảm bảo quyền lợi của khách hàng cũng như an toàn cho phương tiện, TC Motor quyết định thực hiện triệu hồi để thay thế cầu chì ABS.

Trước đó, trong tháng 8/2023, Hyundai cũng phát đi thông báo triệu hồi đối với gần 38.000 ô tô Elantra hybrid do lo ngại về hiện tượng tăng tốc ngoài ý muốn có thể làm tăng nguy cơ gặp tai nạn cho người sử dụng phương tiện. Những chiếc xe bị ảnh hưởng được sản xuất từ năm 2021 - 2023.

Theo báo cáo từ Hyundai, do lỗi phần mềm, tình trạng xe từ từ tăng tốc ngoài ý muốn có thể xảy ra sau khi nhả bàn đạp phanh trong lúc xe đang chuyển sang chế độ vận hành thuần điện (EV Mode).

Về mặt kỹ thuật, Hyundai cho biết người dùng có thể tiếp tục lái xe khi gặp trục trặc này vì hệ thống phanh chính và hệ thống ghi đè phanh vẫn hoạt động tốt. Dù vậy, thương hiệu ô tô Hàn Quốc vẫn quyết định đưa ra lệnh triệu hồi đối với mẫu xe này.

Hyundai cho biết hãng nhận được báo về về việc Elantra gặp tình trạng tăng tốc ngoài ý muốn lần đầu tiên là vào tháng 08/2022. Vào thời điểm đó, nhà sản xuất ô tô đã mở một cuộc điều tra sơ bộ và bắt đầu giám sát Hyundai Elantra tại thị trường Mỹ và Canada.

Đến tháng 05/2023, Hyundai đã phát hiện 24 báo cáo chưa được xác nhận về các trường hợp tương tự. Sau đó, hãng đã mua lại một chiếc Elantra bị ảnh hưởng và bắt đầu nghiên cứu nó.

Đến tháng 06/2023, Văn phòng An toàn Bắc Mỹ của Hyundai (NASO) đã cho chiếc xe trên chạy khoảng 2.000 dặm (hơn 3.000 km) nhưng vẫn không thể tái hiện được tình trạng tăng tốc đột ngột.

Sau đó, thông qua một thử nghiệm riêng, Tập đoàn ô tô Hyundai Hàn Quốc (HMC) đã thành công xác nhận được nguyên nhân gây lỗi. Cụ thể, cách chuyển giao hoạt động giữa động cơ xăng và mô-tơ điện đã gây ra hiện tượng tăng tốc đột ngột.

Minh Anh