Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, hiện nay hoạt động kinh doanh thương mại điện tử chủ yếu tập trung ở TP.HCM và Nà Nội, 2 địa phương này chiếm đến 70% thị trường. Điều này khiến cán cân thương mại điện tử không đồng đều.
“Các doanh nghiệp khi muốn lan tỏa hoạt động ra các địa phương khác họ phải nhìn thấy được traffic, KPI và những tiềm năng khác để có thể kinh doanh, tìm kiếm lợi nhuận. Nhưng các thị trường khác TP.HCM và Hà Nội chưa cho họ thấy được tiềm năng”, ông Dũng nói.
Việc cán cân điện tử không đồng đều ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ chuyển đổi số nền kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nhận rõ điều đó, trong nhiều năm qua, Hiệp hội đã làm nhiều chương trình để hỗ trợ doanh nghiệp, cân bằng cán cân thương mại điện tử.
Bắt đầu từ năm 2019, Hiệp hội bắt đầu tổ chức chương trình “phát triển thương mại điện tử bền vững” để lan tỏa đến các doanh nghiệp trên cả nước. Mỗi năm, Hiệp hội có mặt tại 30 tỉnh thành để kết nối, thúc đẩy thương mại điện tử.
“Ở nhiều nơi, chúng tôi thấy hoạt động thương mại điện tử gần như không có. Những sản phẩm mang tính chất đặc thù của địa phương lại do các đầu nậu, nhà buôn đưa về TP.HCM và Hà Nội để bán.
Từ đó chúng tôi xác định phải làm cho địa phương và doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển sản phẩm đặc thù. Doanh nghiệp địa phương họ hiểu, quyết tâm làm thì mới dựng lên được các chương trình để thúc đẩy thương mại điện tử”, ông Dũng cho biết.
Sau 2 năm, tình hình phát triển thương mại điện tử ở các địa phương đã có nhiều bước tiến. Một số tỉnh là trở thành địa phương điển hình như Bến Tre, Long An, Đồng Tháp,…
“Chúng tôi quyết tâm 2025 sẽ cân bằng cán cân thương mại điện tử, TP.HCM chiếm 50% và các tỉnh khác 50%”, ông Dũng kỳ vọng.
Hiện tại, Hiệp hội đã liên kết với một số tổ chức như Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam đào tạo, nâng cao nhận thức một cách đơn giản nhất tới từng thành viên, làm nòng cốt trong quá trình chuyển đổi số mô hình kinh doanh.
Nhật Linh