Trước những lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây, đặc biệt là việc một số ngân hàng của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, nhiều chuyên gia nhận định Nga có thể chuyển sang sử dụng tiền điện tử để trốn tránh các lệnh trừng phạt.
Cụ thể, nhà phân tích Jaret Seiberg của Cowen Washington Research Group cho biết hôm thứ 6: “Chúng tôi tin rằng Washington đang lo lắng rằng Nga sẽ sử dụng tiền điện tử để trốn tránh các lệnh trừng phạt. Và nếu điều đó xảy ra thì chúng tôi tin rằng sự ủng hộ chính trị ở Mỹ đối với tiền điện tử sẽ giảm và rủi ro pháp lý sẽ tăng lên”.
Theo Seiberg, vì hầu hết thương mại toàn cầu vẫn được tính bằng đồng đô la, nên sẽ là thách thức đối với Nga khi muốn sử dụng tiền điện tử để "né" SWIFT. “Thanh toán bằng Bitcoin yêu cầu chuyển đổi sang đô la, cung cấp một cách để theo dõi hoạt động… Điều đó cũng có lợi cho tiền điện tử”, Seiberg nói.
Tuy nhiên, việc chuyển ồ ạt sang tiền điện tử là việc khó thành công, sau khi những nước như Venezuela đã thử. Lý do là những cá nhân và tổ chức ngoài Nga có thể gặp hậu quả nghiêm trọng nếu tiến hành các giao dịch vi phạm lệnh trừng phạt, ngoài ra tiền điện tử cũng có tính minh bạch.
Nhưng nếu Nga không thể sử dụng tiền điện tử để "lách luật", các nhà phân tích tin rằng điều đó có thể thúc đẩy sự hiện diện của tiền điện tử trong mắt các nhà quản lý.
Nhà phân tích Cowen cảnh báo: “Đối với tiền điện tử, đây có thể là cuộc khủng hoảng xác định cách chính phủ xử lý việc sử dụng nó cho các khoản thanh toán và như một kho lưu trữ giá trị. Áp lực sẽ dồn lên các nền tảng giao dịch và ví… Điều này sẽ không chỉ xảy ra ở Mỹ. Chúng tôi hy vọng nó cũng sẽ được áp dụng ở Anh, EU và các đồng minh phương Tây ở châu Á”.
Trong khi đó, nhà kinh tế học Alex Kruger cũng lo ngại về tương lai của Bitcoin một khi Nga dùng nó để lách luật. Theo ông, việc Nga sử dụng tiền điện tử để vượt qua các lệnh trừng phạt sẽ là một xu hướng giảm giá khủng khiếp.
"Đừng mong đợi nó xảy ra. Các nhà quản lý Mỹ sẽ bị thúc đẩy để phá hủy ngành công nghiệp này vì vấn đề an ninh quốc gia", Alex Kruger chia sẻ.
Tháng 9 năm ngoái, Bộ Tài chính Mỹ lần đầu tiên đưa một sàn giao dịch tiền điện tử vào danh sách những cá nhân và tổ chức bị trừng phạt. Giới chức Mỹ cho rằng sàn giao dịch Suex OTC được đăng ký ở CH Séc nhưng có quan hệ với Nga và bị cáo buộc hỗ trợ tấn công mạng để đòi tiền chuộc. Sau 2 tháng, sàn Chatex cũng bị đưa vào danh sách này.
Bộ Tài chính cũng đã đã xác định tiền điện tử là mối đe dọa lớn đối với các chương trình trừng phạt trong một báo cáo được công bố vào năm ngoái.
Nhật Linh (t/h)