Sáng 10/5, diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam 2022 (Vietnam Online Business Forum) - VOBF được tổ chức tại Trung tâm hội nghị Capella Park View (số 3, Đặng Văn Sâm, phường 9, quận Phú Nhuận).
Thương mại điện tử Việt Nam là sự kiện thường niên do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức. Đây là lần thứ 7 VECOM tổ chức diễn đàn Thương mại điện tử Việt Nam, sự kiện diễn ra tại TP.HCM ngày 10/5 và Hà Nội ngày 12/5.
VOBF là chương trình có quy mô lớn, uy tín, là địa điểm kết nối và quy tụ nhiều đơn vị, doanh nghiệp hàng đầu tham gia giao lưu và chia sẻ. VOBF đã trở thành hoạt động có tầm ảnh hưởng trong cộng đồng thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết diễn đàn năm nay thu hút hơn 1.000 người tham dự, gồm đại diện các Sở Công Thương phía Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ, sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP.HCM.
“VOBF 2022 có chủ đề "Thương mại điện tử thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch", chia sẻ những chỉ số mới nhất về thị trường thương mại điện tử Việt Nam và thế giới, những xu hướng nổi bật, những thay đổi hành vi của người tiêu dùng tác động đến chiến lược phát triển lâu dài của doanh nghiệp”, ông Dũng cho hay.
Sự kiện năm nay có sự góp mặt của hơn 30 chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử và chuyển đổi số Việt Nam từ VECOM, Meta, NielsenIQ, IM GROUP, Pencil Group, Tiktok, Lazada, Do Ventures, Haravan, Accesstrade, TSS, EZChain, GoSELL, ONUS, Droppii, Vietguys, VN Post, Leflair Group, Sapo,… với hơn 2.000 đại biểu, khách mời tham dự.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Tấn Vương - Senior Manager_Route to Market/ Price & Promotion Lead NielsenIQ Việt Nam đã thống kê thị trường và nhận xét về tình hình phục hồi và phát triển của Thương mại điện tử trong năm 2022. Qua đó, ông Vương cho biết để nắm bắt cơ hội phục hồi và tăng trưởng đột phá sau đại dịch, các chủ doanh nghiệp nên có sự đầu tư mạnh vào hành vi mua sắm đa kênh của khách hàng để tạo nên một trải nghiệm liền mạch giữa online và offline. Bởi khuynh hướng mua sắm đa kênh đang càng ngày được ưa chuộng.
Bà Phạm Thị Quỳnh Trang - Giám đốc Thương mại Lazada Việt Nam cho biết Thương mại điện tử đã thúc đẩy, hỗ trợ và phục hồi tình hình kinh tế trong thời gian vừa qua.
Theo bà Trang, khi nói đến những tín hiệu phục hồi nền kinh tế sau làn sóng đại dịch Covid-19 vừa qua không thể không nhắc đến vai trò của Thương mại điện tử. Đây là một trong những thành tố có yếu tố quan trọng, quyết định giúp cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi phát triển kinh doanh.
Theo đó, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế - xã hội, tuy nhiên Thương mại điện tử không phải là một xu thế mang tính chất nhất thời hay vừa phát triển trong đại dịch. Nó đã được xây dựng bằng một nền tảng, hình thành và phát triển trong cả một quá trình.
Mặc khác, sau đại dịch, môi trường kinh doanh thay đổi, thói quen và xu hướng người tiêu dùng đã có sự thay đổi, công nghệ đã có những chuyển biến đáng kể. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải thay đổi để đáp ứng kịp thời với xu thế phát triển chung.
Bà Trang cho rằng các chủ doanh nghiệp nên tận dụng lợi thế thời cuộc từ các sàn Thương mại điện tử, trang bị tư duy kinh doanh chuyển đổi số, kết nối và học hỏi từ cộng đồng kinh doanh, đồng thời các chủ doanh nghiệp cần đón đầu xu hướng bán hàng.
Đối với bài toán giá cả cạnh tranh, hoạch định chiến lược phát triển bền vững trên Thương mại điện tử, Giám đốc Thương mại Lazada Việt Nam chia sẻ thêm: "Trong hoạt động kinh doanh không chỉ cạnh tranh giá, mà là cuộc chiến xây dựng hệ thống kinh doanh, tư duy kinh doanh bền vững. Do đó, cần nắm bắt nhu cầu trải nghiệm người tiêu dùng: giá, chính sách, cách tối ưu về giao nhận. Tuy nhiên các chiến lược này cần được áp dụng một cách hợp lý (tùy thời điểm, tùy mặt hàng,..)".
Thanh Thảo/Sohuutritue.net.vn