Thương hiệu bất động sản mới chỉ bảo hộ, chưa được bảo vệ

Trần Nhật Linh
Nhiều doanh nghiệp ra đời sau ngang nhiên mượn thương hiệu của các doanh nghiệp bất động sản lớn để bán dự án, khiến khách hàng rơi vào nhầm lẫn.

Các “ông lớn” bất động sản bất lực

Theo phản ánh từ một số doanh nghiệp bất động sản, thời gian qua đã xảy ra không ít sự việc những doanh nghiệp ra đời sau mạo danh thương hiệu, tên dự án nhằm phục vụ mục đích kinh doanh.

Điển hình, tháng 7/2020, UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu đô thị Vạn Phúc City tại Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) tại Công văn 3634/UBND-KTN. Tuy nhiên, thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết, dự án này chưa được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng đất, vì thế chưa đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Khi nghe tin dự án, nhiều khách hàng cho rằng đây là chi nhánh con của Khu đô thị Vạn Phúc City (thành phố Thủ Đức), chủ đầu tư là Tập đoàn Đại Phúc (thành viên Vạn Phúc Group). Tuy nhiên, khi tìm hiểu ra, khách hàng tá hỏa vì dự án do Công ty TNHH Bất động sản Thiên Vương làm chủ đầu tư.

Trước đó, Tập đoàn Bất động sản Vạn Phúc cũng phát đi thông báo đến khách hàng về việc bị nhái thương hiệu gây ảnh hưởng đến uy tín của tập đoàn. Cụ thể, một doanh nghiệp mới có tên Công ty cổ phần Địa ốc Vạn Phúc New gửi thông báo chào bán dự án “ma” kiểu Alibaba mang tên Hòa Long Riverside. Tập đoàn Vạn Phúc khẳng định “Vạn Phúc New” không có mối liên hệ nào với doanh nghiệp này.

thuong-hieu-bat-dong-san-anh1
Dự án “Khu đô thị Vạn Phúc City” Quảng Nam mạo danh tên thương hiệu của Tập đoàn Đại Phúc.

Hay gần nhất, chủ đầu tư khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Quận 7, TP.HCM) là Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng cũng phải phát đi thông báo khẳng định không hề liên quan đến dự án Casa Marina Premium (Bình Định) do Công ty cổ phần Tư vấn Dịch vụ nhà Phú Mỹ Hưng (Phú Mỹ Hưng Homes, trụ sở Hà Nội) tư vấn, phát triển sản phẩm.

Ngoài việc thông tin để khách hàng và bạn đọc được rõ, tránh những nhầm lẫn có thể ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng cũng đang tiến hành các thủ tục pháp lý về việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu Phú Mỹ Hưng”, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng khẳng định.

Đây không phải là lần đầu tiên, các doanh nghiệp bất động lớn tại Việt Nam bị "nhái" thương hiệu. Có thể kể đến như Hưng Thịnh, Đại Phúc, Đất Xanh, Nam Long Group… đều bị nhái tên thương hiệu hoặc hệ thống nhận diện gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Bỏ ngỏ khả năng bảo vệ thương hiệu bất động sản

Theo một người môi giới có tiếng trong giới bất động sản, dấu hiệu để nhận biết hành vi giả mạo thương hiệu không khó. Các sản phẩm nhái thương hiệu thường rao bán giá rẻ hơn giá thông thường, chất lượng dự án thấp, pháp lý dự án không rõ ràng. Đây có thể là dấu hiệu của dự án ma.

Thông thường, tên một dự án bất động sản cùng với bản thiết kế gồm có logo, Slogan và tên gọi sẽ cấu thành nên thương hiệu của dự án, theo ngôn ngữ pháp lý là nhãn hiệu. Tuy nhiên, hiện chưa có một văn bản pháp lý nào liên quan đến sở hữu trí tuệ quy định cụ thể về việc Nhà nước bảo vệ thương hiệu, mà chỉ mới dừng lại ở việc bảo hộ các đối tượng từ sáng chế, giải pháp hữu ích, thương mại, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu,…

thuong-hieu-bat-dong-san-anh2
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng Giám đốc Đại Phúc Land (thành viên của Vạn Phúc Group).

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Tổng Giám đốc Đại Phúc Land (thành viên của Vạn Phúc Group), hiện trạng mạo danh, đạo nhái thương hiệu bất động sản thời gian qua rất nhiều và gây ra tình trạng báo động. Việc đạo nhái thương hiệu không chỉ gây ảnh hưởng uy tín của doanh nghiệp chân chính mà còn gây thiệt hại lớn cho khách hàng.

Về việc liên tục bị nhái thương hiệu, bà Hương cho biết, 20 năm nay Vạn Phúc chỉ làm các dự án lớn ở TP.HCM. Thế nhưng, một dự án ở Quảng Nam lại lấy đúng tên Khu đô thị Vạn Phúc City để làm mục đích thương mại. Bà Hương cho rằng đây là sự cố tình, vì không thể nào một doanh nghiệp mới khai sinh sau này lại lấy tên dự án 100% giống như doanh nghiệp đi trước được.

Theo bà Hương, để một thương hiệu có thể phát triển và tạo ra uy tín với khách hàng, doanh nghiệp phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức và tài chính để gây dựng. Thế nhưng, các doanh nghiệp nhỏ sau này chỉ cần lấy lại đúng tên thương hiệu, không tốn chút công sức nào cũng thu hút được khách hàng. Nếu khách hàng không tỉnh táo, không để ý sẽ rất dễ bị lừa mua phải những dự án lừa đảo.

Nền tảng cơ bản nhất của một người kinh doanh là phải có đạo đức nghề nghiệp, không thể nào đi lấy thương hiệu của người khác để mình sử dụng được. Để xây dựng thương hiệu dự án cần một bề dày rất lớn, đặc biệt là niềm tin khách hàng. Những doanh nghiệp thành lập sau này không biết họ làm ăn như thế nào? Dự án có đảm bảo hay không lại lấy đúng tên thương hiệu, dự án của doanh nghiệp khác sẽ tạo ra sự nhầm lẫn rất tai hại”, bà Hương nói.

Bà Hương chia sẻ, bất cứ doanh nghiệp nào khi thực hiện dự án đều làm đầy đủ các bước, hồ sơ liên quan gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ. Thế nhưng, những doanh nghiệp làm ăn không đàng hoàng vẫn tìm đủ mọi cách để mạo danh. Thực tế, việc đăng ký sở hữu trí tuệ chỉ là phần nhỏ, các công ty sau này sẽ tìm cách để lách như thêm một vài chữ vào tên thương hiệu, khiến khách hàng tưởng là chi nhánh của công ty. Từ đây, dẫn đến tình trạng thật giả lẫn lộn.

thuong-hieu-bat-dong-san-anh3
Người dân cầu cứu các cơ quan chức tỉnh Long An khi một doanh nghiệp lấy thương hiệu của tập đoàn Đất Xanh để lừa đảo khách hàng.

Nó khiến thị trường bị rối loạn và không còn lành mạnh. Tôi cho rằng đã đến lúc cần có chế tài liên quan đến mạo danh thương hiệu tập đoàn lớn rồi”, bà Hương nhấn mạnh.

Bà Hương nhận định, hành vi lấy thương hiệu của doanh nghiệp đi trước là có dấu hiệu cố tình mạo nhận thương hiệu. Đến nay, các cơ quan chức năng cần phải phân thành nhóm các loại mạo danh để có những giải pháp cụ thể, áp dụng chế tài và cần làm mạnh, tránh trường hợp chặn đầu này lại mọc đầu khác. Ngoài phạt hành chính, theo bà Hương còn bắt buộc phải đổi tên hoặc có những biện pháp mạnh liên quan. Ví dụ như tạm ngưng hoạt động công ty, nặng hơn là rút giấy phép.

Đồng thời, để hạn chế tình trạng mạo nhận này, cần sự vào cuộc của tất cả các doanh nghiệp. “Phải cùng nhau bảo vệ thương hiệu, không để thương hiệu bị lợi dụng như vậy nữa còn không sẽ có những hậu quả không lương trước được”, bà Hương chia sẻ.

Thực tế, việc thực thi các chế tài xử lý vi phạm thương hiệu hiện nay còn chậm, khó đưa ra tòa để giải quyết, thường thì sẽ dẫn đến việc tự thỏa thuận. Với cơ chế và bối cảnh như hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản vẫn phải chủ động tự bảo vệ thương hiệu. Nhà nước chỉ tạo điều kiện hỗ trợ và bảo trợ cho các doanh nghiệp khi thực hiện đúng các hoạt động đăng ký bảo hộ theo quy định của pháp luật.

Nhật Linh

Nhật Linh