Theo CNN, Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Hoa Kỳ (NHTSA) mới đây đã có thông báo yêu cầu thu hồi đối với khoảng 52 triệu túi khí do ARC và Delphi chế tạo từ năm 2000 đến năm 2018.
Các báo cáo ghi nhận bộ bơm khí từ những túi khí này khi bị vỡ đã khiến ít nhất hai người, một ở Hoa Kỳ và một ở Canada tử vong. Đồng thời, nó cũng gây ra ít nhất bảy vết thương nghiêm trọng cho người điều khiển các phương tiện ở Hoa Kỳ kể từ năm 2009, hầu hết xảy ra kể từ năm 2016.
Theo đó, các phương tiện chịu ảnh hưởng của thu hồi túi khí này là ô tô được sản xuất bởi các hãng: General Motors, Ford, Stellantis, Tesla, Toyota, Hyundai, Kia, Mercedes-Benz, BMW và Volkswagen.
NHTSA không công bố chính xác các mẫu xe có chứa túi khí mà chỉ thông báo các thông tin chi tiết sẽ do nhà sản xuất xác định và công bố sau đó.
Cơ quan này hiện cũng chưa đưa ra ước tính có bao nhiêu phương tiện có túi khí vì hầu hết các phương tiện đều có nhiều túi khí. Cơ quan này không cho biết có bao nhiêu chiếc xe có nhiều hơn một túi khí mà họ muốn thu hồi. Số lượng túi khí vẫn còn được sử dụng ít hơn con số 67 triệu mà NHTSA ước tính hồi đầu năm.
Được biết, GM đã tiến hành triệu hồi khoảng 1 triệu xe trong tháng 5 vì túi khí, bao gồm các mẫu xe Buick Enclave đời 2014-2017, Chevrolet Traverse và GMC Acadia.
Cho đến nay, ARC vẫn phủ nhận những phát hiện của NHTSA. Theo đó, trong một tuyên bố vào tháng 5 vừa qua, người phát ngôn của ARC cho biết cho biết: “Chúng tôi không đồng ý với yêu cầu thu hồi mới của NHTSA khi thử nghiệm rộng rãi trên hiện trường không tìm thấy khiếm khuyết cố hữu nào”.
Tuy nhiên, NHTSA vẫn đang nỗ lực tiến hành thu hồi và đã lên lịch điều trần vào tháng 10.
Trong tuyên bố được đưa ra hôm 5/9 vừa qua, NHTSA cho biết, các bộ bơm túi khí bị vỡ khi được yêu cầu bung ra rõ ràng là bị lỗi, vì cả hai đều không bảo vệ được người ngồi trên xe như yêu cầu tiêu chuẩn, và bản thân chúng cũng gây ra nguy cơ gây thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong cho người ngồi trong xe khi xảy ra tai nạn.
Được biết, NHTSA và các cơ quan an toàn liên bang khác không có quyền tự mình ra lệnh thu hồi. Thông thường, các nhà sản xuất cần phải đồng ý thu hồi theo yêu cầu của cơ quan này sau khi điều tra. Thông thường, các nhà sản xuất sẽ ra lệnh thu hồi mà không hề được yêu cầu sau khi cuộc điều tra của chính họ phát hiện ra vấn đề.
Việc áp dụng lệnh thu hồi đối với những nhà sản xuất từ chối tuân thủ yêu cầu thu hồi có thể là một quá trình kéo dài và tốn kém.
Đợt thu hồi này có quy mô gần bằng 67 triệu túi khí do Takata sản xuất đã bị thu hồi bắt đầu từ năm 2014. Cơ quan này cho biết những túi khí đó đã gây ra hơn 400 người bị thương và 18 trường hợp tử vong trên các phương tiện ở Mỹ. Nó cũng khiến Takata phá sản vào năm 2017.
Thái An