Thanh Hóa siết chặt tình trạng sốt đất bất thường

Đức Tài
Trước tình trạng đất sốt bất thường tại các địa phương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm vừa ký ban hành Công văn số 4692/UBND-CN với nội dung, thời gian gần đây tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (tập trung chủ yếu tại TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn và các huyện: Quảng Xương, Hoằng Hóa, Đông Sơn, Thọ Xuân, Triệu Sơn, Như Thanh,...) đã và đang xuất hiện một số nhà đầu tư, người môi giới bất động sản lợi dụng các thông tin về quy hoạch, nâng cấp hệ thống hạ tầng và việc triển khai các dự án lớn, trọng điểm,... để tung tin đồn thổi, mua đi bán lại bất động sản, lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch bất động sản (quyền sử dụng đất, nhà ở chưa đảm bảo điều kiện pháp lý đưa vào kinh doanh, giao dịch,…) bằng hình thức đặt cọc, góp vốn, mua bán, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá bất động sản lên cao để trục lợi. 

a1sotdat.jpg
Thanh Hóa chấn chỉnh tình trạng sốt đất

Từ đó, tiềm ẩn những nguy cơ, rủi ro, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng khi tham gia hoạt động giao dịch bất động sản.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu: Các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được UBND tỉnh chỉ đạo tại Công văn số 8166/UBND-CN ngày 28/6/2019 về việc thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh; thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá và bong bóng bất động sản trên địa bàn.

Các địa phương tổ chức công bố công khai thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn, trọng điểm. Để minh bạch thông tin, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp; Có biện pháp quản lý, kiểm soát hữu hiệu hoạt động môi giới của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản tại địa phương.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các dự án khu đô thị, khu nhà ở trên địa bàn tỉnh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông... gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội tại địa phương và đời sống của người dân; xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán, giao dịch bất động sản, quyền sử dụng đất có vi phạm pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan.

Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với các chủ đầu tư, các cơ quan báo chí để công bố thông tin rộng rãi về các dự án trên các phương tiện truyền thông để người dân nắm bắt các thông tin chính xác về các quy định cụ thể của pháp luật; cảnh báo cho người dân đề cao cảnh giác về các hành vi mua bán không lành mạnh, các thông tin sai sự thật, tránh rủi ro, thiệt hại kinh tế phát sinh khi người dân khi thực hiện các giao dịch.

Đối với các chủ đầu tư dự án bất động sản; các tổ chức, cá nhân, kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản; các sàn giao dịch bất động sản; Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua nhà ở thương mại, đất nền tại các dự án khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh trước khi thực hiện giao dịch, cần tìm hiểu kỹ, đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan (pháp luật về nhà ở, đất đai, kinh doanh bất động sản, dân sự…). Thông tin, hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án; tính pháp lý của chủ đầu tư, sàn giao dịch bất động sản, doanh nghiệp hoặc cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản. Các quy định về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở theo quy hoạch, thiết kế được duyệt (phân lô, bán nền) tại dự án để tránh các thiệt hại, rủi ro có thể xảy ra; đề cao cảnh giác với các hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông.

Như tin đã đưa, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, giá đất ở Thanh Hóa từ nông thôn tới thị thành tăng chóng mặt. Đâu đâu cũng thấy người dân bàn tán, đổ xô đi đấu giá, môi giới bất động sản khiến cơn “sốt” giá đất cao chưa từng có.

Theo khảo sát của PV, trên địa bàn hầu hết các địa phương của tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là tại các xã ven biển thuộc địa phận TP Sầm Sơn và huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương bị cuốn vào cơn “sốt” giá đất chưa từng có. Giá đất tại các mặt bằng bị đẩy lên cao quá mức tưởng tượng. Gía đất tăng theo ngày, thậm chí là theo giờ.

a2sotdat
Người đứng đầu các địa phương phải chịu trách nhiệm trước tình trạng sốt đất ảo

Ghi nhận tại mặt bằng 3367 (thuộc xã Quảng Đại, TP Sầm Sơn) được đấu giá năm 2020, với giá khởi điểm là 600 triệu đồng/1 lô (100m2). Nhưng tới thời điểm hiện tại, giá đất của mặt bằng này đã tăng gấp đôi, khoảng 1,2 tỷ đồng/1 lô (100m2). Thậm chí, có nhiều người trả cao hơn mức giá trên nhưng cũng không còn đất để bán. Đất xã Quảng Nhân, Quảng Trạch (Quảng Xương) cũng được thổi giá lên 7-8 triêu/m2, vị trí đẹp hơn 14 triệu. Nếu trước đó 1 vài năm trước giá đất tại các khu này chưa tới 3 triệu đồng/m2 mà vẫn không có người mua.

Ở huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), đầu tháng 4/2021, chính quyền tổ chức đấu giá 23 lô đất, mỗi lô từ 125 đến 150m2 nhưng có đến hơn 1.000 bộ hồ sơ tham gia. Mọi người đổ xô về mua đất như trẩy hội, chỉ có 4 người trúng đấu giá với số tiền “giật mình” khó tin từ trước tới nay ở địa phương này từ 1 - 1,3 tỷ đồng/lô. Tại huyện Như Thanh, nơi có siêu dư án nghỉ dưỡng của một tập đoàn lớn về đầu tư, giá đất tăng theo phút, chỉ qua một lần cò có thể tăng hàng tỷ đồng. Người đứng đầu địa phương này phải tốt lên, đất ở Như Thanh không phải sốt mà là… quá sốt.

 Giá đất phi mã khiến người người, nhà nhà đua nhau ôm đất. Hệ lụy nhãn tiền là bỏ bê công việc hiện tại để đeo đuổi giấc mộng phồn hoa từ đất mà ra. Những nguồn lực đáng lẽ phải được đưa vào sản xuất, kinh doanh thì nằm một chỗ. Khi bất động sản rơi vào tình cảnh ảm đạm thì tính thanh khoản rất kém, bán lỗ cũng không có người mua. Và khi đó, các khoản lãi vay nóng, mượn “nguội” không có nguồn thu để bù đắp khiến sức ép tăng cao làm cho không ít nhà đầu tư điêu đứng.

Các chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư cần tỉnh táo trước khi xuống tiền vào khu vực đất đang được chào mời, rao bán rầm rộ qua mạng. Thông tin về các siêu dự án, các tập đoàn có uy tín về địa phương cần phải tìm hiểu kỹ tránh tình trạng bị xâu mũi bởi những cò đất. Tình trạng giá đất tăng phi mã như hiện nay cũng không kéo dài được lâu. Cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mang tài sản, nhà cửa đi cắm ngân hàng để chạy theo cơn sốt đất để rồi “tiền mất, tật mang”.