Theo phản ánh của người dân tại Khu tập thể 810 xã Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì – Hà Nội), thì dự án đã được triển khai san lấp và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư là UBND huyện Thanh Trì từ Quý II năm 2020 với tổng chiều dài khoảng 2.0 km kéo dài từ điểm tiếp giáp với đường sắt đến giáp với khu tập thể LICOLA và chạy ven theo sườn của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Trước khi thưc hiện dự án, người dân chỉ được biết thông tin qua lời của ông tổ trưởng với thời gian thực hiện trong 60 ngày sẽ hoàn trả mặt bằng.
Thi công chưa đảm bảo những yêu cầu cần thiết!
Kể từ ngày dự án được đưa vào thi công đến nay, người dân cho biết trong quá trình thi công, đơn vị thi công chưa đáp ứng được những yêu cầu cần thiết để đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường cũng như cảnh quan khu phố.
Để làm rõ hơn nội dung của người dân phản ánh, phóng viên đã có mặt tại hiện trường nơi dự án đang triển khai và thấy rằng những nội dung người dân phản ánh là có cơ sở. Cụ thể, khi đi tới sát Nhà văn hóa của khu tập thể 810, hình ảnh những chiếc xe công nông 3 bánh, những chiếc xe ô tô tải chạy đi, chạy lại trên đoạn đường này làm vương vãi đất cát ra đường, gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở đây lại có 1 trường Mầm non đang hoạt động.
Tiếp tục đi sâu vào hơn nữa, phóng viên quan sát thấy rằng đất được máy cẩu múc lên và những chiếc xe công nông 3 bánh thay nhau chở và đổ từ khu tập thể LICOLA trở ra. Những chiếc xe này hiên ngang đổ đất thải ra lòng đường khiến cho các phương tiện và người dân vô vùng vất vả khi tham gia giao thông. Bà T, người có nhà ngay ở mặt đường chính nơi những chiếc xe 3 bánh kia đổ đất cho, khó khăn lắm tôi mới moi ra được 1 lối nhỏ làm lối đi cho gia đình tôi, nhiều nhà ở đây suốt ngày phải đóng cửa, không giám mở cửa nhiều vì mùi hôi thối không thể chịu nổi, rất ảnh hưởng tới sức khỏe, ngán lắm rồi nhưng chúng tôi không biết kêu ai”.
Quan sát kỹ hơn, phóng viên thấy rất nhiều hố gas chưa được đậy nắp cẩn thận không khác gì những hố “tử thần”, một số hố được đơn vị thi công đậy nắp theo kiểu “đậy cho có”, nghĩa là chỉ vài cái gậy hoặc vài cái que che “tạm” lên trên mà không hề có bất kỳ biển cảnh báo nguy hiểm hay biển chỉ dẫn nào cho người tham gia giao thông được biết.
Theo ông L.V.B, một người dân sống trong khu tập thể 810 này cho biết: phía sau nhà văn hóa của khu tập thể 810 có 1 cái rãnh thoát nước nhỏ, nhưng kể từ khi dự án này khởi công, nước bẩn ở cái rãnh này ngập tràn ra lòng đường, mùi hôi thối bốc lên, gia đình tôi và những hộ gia đình phía trong khi chưa triển khai dự án thì lối đi sạch sẽ, khô ráo, không khí thoáng mát. Nhưng giờ thì mùi hôi thối cống rãnh bốc lên, muốn đi bộ thoải mái như mọi khi là điều không thể, chúng tôi chỉ có thể kê tạm mấy viên gạch lên để làm lối đi, khi nào nước lụt cao quá thì đành chịu vậy”, ông B cho biết.
Không riêng gia đình ông B, anh H và nhiều hộ dân có nhà tiếp giáp trực tiếp với công trình đang thi công thì đều tỏ ra “ngao ngán” bất kể là khi đang làm hay hết giờ làm. Bởi theo anh H: “máy móc thi công phát ra tiếng ồn là một lẽ, nhưng mùi hôi thối bốc lên, bùn đất bắn vào nhà cửa chúng tôi, không khí trong nhà bị ô nhiễm, những nhà có người già và trẻ nhỏ thì họ chịu sao nổi, đơn vị thi công không có rào chắn để bảo vệ, nếu không may xảy ra tai nạn thì ai chịu trách nhiệm?”.
Và, hậu quả của việc làm thiếu trách nhiệm trên của đơn vị thi công và sự buông lỏng quản lý giám sát của chủ đầu tư Dự án đã khiến cho cụ ông P.V.V (83 tuổi, nhà trong khu Dự án thi công) khi đi bộ qua khu vực này đã bị thụt xuống hố.
Thật may lúc đó có người đi qua hô hoán nên bà con hàng xóm ra đỡ cụ từ dưới hố sâu 2m lên và nhanh chóng sơ cứu vết thương cho cụ.
Sự việc xảy ra ngay sau tết Nguyên Đán, nhưng kể lại với phóng viên, anh Bùi Đức Nh.(người hàng xóm của cụ V.) vẫn chưa hết bàng hoàng?
Trách nhiệm của đơn vị thi công và chủ đầu tư?
Anh T, một người dân sống ngay đó cho biết: “tôi thường xuyên làm việc ở nhà, thường xuyên theo dõi đơn vị thi công làm việc, nhưng thực tình mà nói tôi cũng như nhiều người khác quanh đây chưa nhìn thấy giám sát công trình đâu cả! Công trình của nhà nước mà lại không có ai giám sát thì sau này sẽ thế nào?” Như vậy, có hay không có giám sát và chỉ huy công trình???
Câu hỏi đặt ra ở đây là trong quá trình mời thầu và mở thầu, có hay không việc buông lỏng quản lý của UBND huyện Thanh Trì, UBND xã Vĩnh Quỳnh liên quan đến những bức xúc của người dân trong dự án này?
Chưa nói đến việc thi công có đảm bảo chất lượng công trình hay không, nhưng việc thi công chậm tiến độ của Dự án kéo theo hệ luỵ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cùng đó là những rủi ro từ công trường đang thi công khiến cho người dân sinh sống tại khu tập thể 810 xã Vĩnh Quỳnh đang ngày đêm ăn không ngon ngủ không yên.
Để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng trên và sớm trả lại cuộc sống bình yên vốn có của người dân nơi đây, rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng huyện Thanh Trì thực hiện vai trò quản lý nhà nước tại địa phương.
Phóng viên Sở hữu trí tuệ online đã liên hệ làm việc với các cơ quan liên quan và sớm thông tin đến bạn đọc!
Quyền Trung