Theo số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2021, có 70.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, trung bình mỗi tháng có 11.700 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Phần lớn các doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh và đã giải thể là những doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm, quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Đây đều là các doanh nghiệp liên tiếp chịu tác động từ những đợt bùng phát dịch bệnh trong thời gian qua. Trong khi các doanh nghiệp tuyên bố giải thể, tình trạng thiếu việc làm trong 6 tháng đầu năm 2021, đặc biệt là ở quý 2/2021 cũng tăng khá cao.
Trong lúc dịch bệnh lan rộng ngoài cộng đồng, để duy trì hoạt động, nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh phía Nam đã chọn mô hình "3 tại chỗ" gồm sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ; hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm”, chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể chọn ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).
Theo báo cáo của TP.HCM, tại 17 khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố đã có 589 doanh nghiệp với 56.000 lao động ký hoạt động theo phương châm “3 tại chỗ”. Bình Dương có 3.900 doanh nghiệp với hơn 400.000 lao động đăng ký và đủ điều kiện thực hiện các phương án trên để sản xuất. Đồng Nai, có 1.156 doanh nghiệp với 136.700 người lao động trong 32 khu công nghiệp đăng ký hoạt động “3 tại chỗ”, chiếm hơn 70% số doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp.
Dù nỗ lực nhưng thực tế thời gian qua đã xuất hiện các ca bệnh trong các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” khiến việc duy trì hoạt động, sản xuất của doanh nghiệp gặp khó khăn. Không chỉ là vấn đề dịch bệnh, áp lực tài chính khi thực hiện các giải pháp sản xuất trong bối cảnh hiện nay đã khiến không ít chủ doanh nghiệp cảm thấy mệt mỏi. Đặc biệt là chi phí xét nghiệm Covid-19 đối với nhân sự làm việc "3 tại chỗ" cũng khiến các doanh nghiệp đuối sức.
Ông Vương Siêu Tín - Giám đốc Công ty TNHH Phước Dũ Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Bình Dương cho biết ban đầu Công ty Phước Dũ Long chỉ dự định duy trì “3 tại chỗ” từ 2 - 3 tuần để qua cao điểm dịch bệnh, nhưng không ngờ dịch kéo dài.
Đến nay, chi phí ăn ở, test Covid-19 của công ty đã đội lên hơn 1 tỷ đồng. Trong khi đó, việc sản xuất đang đứt quãng vì nguồn cung cấp các nguyên vật liệu khó khăn. “Lúc đầu có hơn 200 người ở lại làm việc, nhưng cứ qua mỗi tuần lại giảm dần, giờ chỉ còn hơn 100 người. Sắp tới chúng tôi sẽ lấy ý kiến người lao động, nếu ai ở lại làm tiếp thì chỉ làm các khâu bao bì chứ không sản xuất nữa”, ông Tín cho biết.
Theo báo cáo của Cục Việc làm - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong quý 2/2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…
Đáng chú ý, sự bùng phát nhanh, mạnh, khó kiểm soát hơn của dịch Covid-19 lần này đã làm tỷ lệ thiếu việc làm, thất nghiệp của lao động ở khu vực thành thị tăng cao hơn so với khu vực nông thôn. Có 21,9% lao động khu vực thành thị bị ảnh hưởng xấu, trong khi đó con số này ở nông thôn là 14,3%. Xu hướng này khác biệt với xu hướng thường thấy qua các năm trước, với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường cao hơn so với khu vực thành thị.
Trước nguy cơ dịch bệnh, người lao động đều "chạy trốn" khỏi các thành phố công nghiệp phía Nam để về quê. Việc này trước mắt có thể giúp các tỉnh phía Nam giảm gánh nặng dịch bệnh, tuy nhiên về lâu dài sẽ nảy sinh nguy cơ thiếu hụt người lao động.
Hầu hết các tỉnh sau khi đón người dân về quê, các địa phương đều khẳng định sẽ tạo điều kiện việc làm cho người lao động. Trong khi đó, nếu thời gian khống chế dịch rơi vào sát Tết, khả năng người lao động quay lại thành phố khá thấp.
Ông Phạm Văn Việt - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may thêu đan TP.HCM cho biết, doanh nghiệp của ông mất gần một nửa nhân lực vì dịch Covid-19.
“Tại Bình Dương, chúng tôi mất 1/3 lao động, TP.HCM mất thêm 10%. Tại Đồng Nai, chúng tôi thực hiện sản xuất tại chỗ nhưng số lượng người lao động không vào công ty khoảng 20%, nên sau dịch có thể mất 10% nhân lực”, ông Việt cho biết.
Cũng theo ông Việt, ngành dệt may ước tính mất khoảng 30 - 40% người lao động do dịch. Hiện nay, để giữ chân người lao động làm việc, công ty đã phải trả cao hơn mức lương cơ bản, cộng thêm các chi phí để duy trì “3 tại chỗ” khiến doanh nghiệp “bở hơi tai”.
Dự báo từ nay đến cuối năm, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát và các tỉnh đạt được miễn dịch cộng đồng, số doanh nghiệp được thành lập mới và quay trở lại sản xuất sẽ tăng hơn so với nửa đầu năm. Chính vì vậy, người lao động cần được đảm bảo an sinh trong thời gian giãn cách để yên tâm ở lại địa phương. Sau khi hoạt động kinh tế được phục hồi, người lao động sẽ trở lại làm việc, đảm bảo các đô thị công nghiệp phía Nam không bị đứt gãy nhân lực sau dịch.
Ông Vương Siêu Tín - Giám đốc Công ty TNHH Phước Dũ Long cho biết, đối với những người trở về quê, công ty sẽ lấy số điện thoại, khi dịch qua đi thì gọi công nhân quay lại làm việc. “Ai khó khăn quá thì công ty có thể hỗ trợ thêm tiền xe, chi phí xét nghiệm hoặc đăng ký tiêm vắc xin để quay lại làm việc”, ông Tín nói thêm.
Nhật Linh
Nhật Linh
Link nội dung: https://btoday.vn/doanh-nghiep-ngam-don-dich-benh-nguy-co-thieu-hut-lao-dong-a986.html