TP.HCM: Nền kinh tế đến ngưỡng không thể chịu đựng, cần sớm mở cửa

Các chuyên gia đều cho rằng, đã đến lúc TP.HCM cần phải mở cửa toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh và lên các phương án phục hồi kinh tế.

Ngày 17/9, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND Phan Văn Mãi đã lắng nghe ý kiến các chuyên gia y tế, kinh tế về phương án phục hồi kinh tế TP.HCM.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng, TP.HCM không thể tiếp tục sử dụng phương pháp cũ để chống dịch, cần phải thay đổi để làm sao sử dụng nguồn lực hữu hạn còn lại một cách hiệu quả nhất. Bộ Y tế đã giao chỉ tiêu chống dịch cho thành phố, nhưng theo ông Lịch, trong các tiêu chí này có hai "vòng kim cô" cho quá trình mở cửa trở lại.

Theo ông Lịch, dựa trên một số yếu tố về tỷ lệ tiêm vắc xin, kiểm soát dịch bệnh, thì đã đến lúc mở cửa phục hồi kinh tế. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục tăng cường kiểm soát dịch, tăng cường điều trị F0 tại cộng đồng, giảm tỷ lệ tử vong. TP.HCM nên kiến nghị Chính phủ tập trung tiêm vắc xin cho 40% dân đô thị và những người có nguy cơ cao, để rút ngắn thời gian phủ vắc xin. Đồng thời, TP.HCM nên có lộ trình dứt khoát, phải mở cửa xuyên suốt.

"Cả thành phố lẫn doanh nghiệp không còn nguồn lực sau nhiều tháng giãn cách. Sắp tới thành phố sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, hệ thống cung ứng bị đứt gãy. Vì vậy cần đánh giá kỹ các tiêu chí an toàn, điều kiện hoạt động để mở cửa chứ không đóng mở bất thường, doanh nghiệp sẽ bị đấm bồi dẫn đến suy sụp hẳn", ông Trần Du Lịch nói.

hoi nghi
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thành ủy TP.HCM.

Ông Vũ Thành Tự Anh - giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright chia sẻ, đợt phong tỏa kéo dài vừa qua đã để lại hệ lụy nghiêm trọng đối với GDP của thành phố không chỉ năm nay mà còn những năm tới. Các doanh nghiệp bây giờ đều trong tình trạng kiệt quệ, nếu không cứu doanh nghiệp ngay thì sau này cứu cũng không kịp. Tương tự, người dân cũng đã khánh kiệt sau 3,5 tháng phong tỏa liên tục. Trong khi đó, cả ngân sách thành phố và ngân sách trung ương đều đang gặp khó khăn.

Ông An nhận định rằng, hiện không thể nói mở hay không mở cửa, mà phải nói rằng không thể không mở cửa.

Ghi nhận những ý kiến góp ý tâm huyết từ các chuyên gia, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng các ý kiến nhìn từ nhiều góc cạnh nhưng có chung các vấn đề như: Không thể loại hẳn dịch bệnh Covid-19 ra khỏi cộng đồng, những điều kiện chuẩn bị để phòng chống dịch đến giờ tương đối bảo đảm như có thuốc trị, vắc xin, ý thức người dân chấp hành để cùng vượt qua khó khăn, sức chịu đựng của xã hội đã đến hạn không thể kéo dài và nền kinh tế cũng đã tới ngưỡng không thể chịu đựng được nữa. Do đó, việc giãn cách phải từng bước phải mở dần, bảo đảm sự an toàn.

Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, hiện nay chính quyền đã chuẩn bị các chiến lược để chuyển sang giai đoạn bình thường mới, sống trong môi trường có Covid-19 và chuẩn bị thói quen, tinh thần để ứng phó với môi trường có virus.

TP.HCM đã chuẩn bị 13, 14 chiến lược trong đó trụ cột là chiến lược y tế; củng cố y tế cơ sở, cộng đồng, bệnh viện tư nhân, hệ thống nhà thuốc tây, phải có quy định rõ khi phát hiện F0 trong cộng đồng và hình thành mạng lưới y tế cơ sở để chăm sóc cho bệnh nhân. Đồng thời, TP.HCM còn có chiến lược về chính sách an sinh xã hội chăm lo cho đời sống nhân dân”, Bí thư Nguyễn Văn Nên nói.

Nhật Linh

Nhật Linh

Link nội dung: https://btoday.vn/tphcm-kinh-te-den-nguong-khong-the-chiu-dung-can-som-mo-cua-a1148.html