Phim Việt thảm bại doanh thu, khán giả đổ tiền tỷ vào phim ngoại: Vì đâu nên nỗi?

Trần Nhật Linh
Nhiều dự án của các nhà làm phim Việt Nam đầu tư tiền tỷ ra mắt trong năm 2022 đều nhận về cái kết thua lỗ nặng nề. Đây được coi là thực trạng đáng buồn của thương hiệu phim Việt.

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, các rạp chiếu phim sáng đèn trở lại với việc chào đón hàng loạt phim điện ảnh từ trong nước đến quốc tế. Tuy nhiên một thực tế đáng buồn là đa phần các phim Việt đều không có doanh thu tốt, còn các phim được mua từ nước ngoài về thì liên tục làm nóng phòng vé, thậm chí là thu về 100 – 200 tỷ đồng.

Vì sao khán giả lại ngó lơ phim Việt và dồn sự quan tâm vào phim ngoại. Phải chăng thương hiệu phim Việt đã không còn tạo đủ lòng tin cho khán giả?

Phim Việt đầu tư 33 tỷ đồng thu về 1 tỷ đồng

Không ít phim Việt rơi vào tình trạng “chết yểu” khi ra rạp trong năm 2022. Đầu tiên phải nhắc đến phim “Kẻ thứ ba” với kinh phí đầu tư lên đến 33 tỷ đồng nhưng doanh thu chỉ vọn vẻn 1 tỷ đồng.

phim-viet-1-1671685016.png
"Huyền sử vua Đinh" trở thành bộ phim có doanh thu thấp nhất Việt Nam với doanh thu 42 triệu đồng.

“Kẻ thứ ba” từng được kì vọng sẽ đem lại doanh thu cao vì nhà sản xuất Lý Nhã Kỳ mời ngôi sao Hàn Quốc Han Jae Suk đảm nhận vai nam chính. Bên cạnh đó, người phụ trách dự án này cũng là một đạo diễn nổi tiếng của Hàn Quốc. Tuy nhiên, “một con én không thể làm nên mùa xuân”, khi bộ phim vừa ra mắt đã bị khán giả đánh giá là “thảm họa”, ngoài tài tử Han Jae Suk thì diễn xuất của các diễn viên còn lại đều mờ nhạt.

Bên cạnh đó, nội dung của “Kẻ thứ ba” cũng bị nhận xét không đột phá, lời thoại diễn viên “cứng đơ”. Cuối cùng dẫn đến chuyện bộ phim bị khán giả quay lưng, các suất chiếu chỉ lèo tèo vài người xem, rồi nhanh chóng rút khỏi rạp vì doanh thu quá thê thảm.

Chính nhà sản xuất kiêm nữ chính Lý Nhã Kỳ cũng thừa nhận sự thất bại về doanh thu của “Kẻ thứ ba”. Theo cô, phim không có người xem là vì “làm truyền thông kém”!?

phim-viet-2-1671685075.jpeg
Được đầu tư với kinh phí 33 tỷ đồng nhưng "Kẻ thứ ba" chỉ thu về hơn 1 tỷ đồng.

Hay như trường hợp phim “578: Phát đạn của kẻ điên” (do Lương Đình Dũng làm đạo diễn) được cho là có mức đầu tư lớn nhất nhì trong số phim Việt ra mắt công chúng trong vòng 10 năm trở lại đây với 60 tỷ đồng. Dẫu vậy, chỉ 10 ngày sau khi công chiếu, bộ phim này nhanh chóng rút khỏi rạp với tổng doanh thu chỉ 3,54 tỷ đồng.

Cũng như phim của Lý Nhã Kỳ, “578: Phát đạn của kẻ điên” bị khán giả đánh giá nội dung phi lý, diễn xuất của dàn diễn viên còn hạn chế. Việc bỏ 60 tỷ đồng vào dự án mà chỉ thu về số tiền bán vé ít ỏi trở thành cú sốc với điện ảnh Việt trong năm nay, vì thực tế số tiền thua lỗ quá lớn khiến nhiều người đặt câu hỏi rằng sản xuất phim như thế có khác nào “đốt tiền” hay không?

Sau thất bại của “Kẻ thứ ba” và “578: Phát đạn của kẻ điên”, khán giả tiếp tục chứng kiến cú ngã ngửa thảm hại chưa từng thấy trong lịch sử điện ảnh Việt là “Huyền sử vua Đinh”. Sau 6 ngày chiếu rạp, bộ phim này chỉ thu về vọn vẻn 42 triệu đồng và trở thành bộ phim có doanh thu thấp nhất Việt Nam.

Thậm chí, khán giả còn cho rằng “Huyền sử vua Đinh” chính là thảm họa của điện ảnh Việt. Hầu hết cảnh quay, trang phục, kỹ thuật dàn dựng, nội dung, kịch bản cho tới diễn xuất của diễn viên đều bị chê một cách thậm tệ.

phim-viet-3-1671685118.jpeg
Dù có sự góp mặt của tài tử Hàn Quốc Han Jae Suk nhưng phim của Lý Nhã Kỳ vẫn bị khán giả nhận định là "thảm họa" điện ảnh.

Cụ thể trước đó khi đạo diễn Anthony Võ vừa tung trailer, ngay lập tức khán giả đã “soi” ra hàng loạt lỗi như bối cảnh sơ sài, trang phục diễn viên nghèo nàn, hóa trang thiếu chân thực, để lộ những chi tiết hiện đại (cột điện, nhà cấp 4 xây bê tông kiên cố). Đặc biệt, đạo diễn “quên” khai thác sâu hình tượng nhân vật lịch sử khiến khán giả xem phim có cảm giác “Huyền sử vua Đinh” không khác gì một thước phim tài liệu minh họa lịch sử.

Cũng trong năm 2022, khán giả chứng hàng loạt phim Việt “chết yểu” về doanh thu như: “Người tình” do siêu mẫu Minh Tú đóng chính chỉ thu về 1,3 tỷ đồng; “Maika: Cô bé đến từ hành tinh khác” đầu tư 30 tỷ đồng thu về 5 tỷ đồng, hay như phim “Duyên âm” có sự góp mặt của “ông hoàng phòng vé” Kiều Minh Tuấn có doanh thu 6,7 tỷ đồng.

Bom tấn nước ngoài liên tục áp đảo phim Việt

Khán giả luôn muốn ủng hộ thương hiệu Việt, nhưng các bộ phim nội địa gần như "thất thủ" trước phim ngoại dù ra mắt cùng thời điểm. Điều này không quá bất ngờ vì nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam hiện nay sản xuất như “mì ăn liền”. Trong khi đó, phim ngoại lại hoàn toàn ngược lại, từ chất lượng kịch bản, nội dung cho tới diễn xuất đều rất thu hút khán giả.

phim-viet-4-1671685154.jpeg
Từng được kì vọng như "làn gió mới" của điện ảnh Việt, thế nhưng "578: Phát đạn của kẻ điên" nhanh chóng rút khỏi rạp sau vài ngày công chiếu.

Từng đạt doanh thu 10 tỷ đồng/ngày, tuy nhiên phim “Nghề siêu dễ” của vợ chồng Thu Trang – Tiến Luật vẫn bị phim “Doctor Strange in the Multiverse of Madness” đánh bại dễ dàng.

Trên thực tế, “Doctor Strange in the Multiverse of Madness” vừa công chiếu đã ngay lập tức tạo nên cơn sốt phòng vé ở Việt Nam. Thời điểm đó sự trở lại của thương hiệu “Doctor Strange” sau 6 năm ra mắt kể từ phần 1 thực sự tạo ra một cú nổ phòng vé. Trong ngày đầu tiên chiếu chính thức, bom tấn này đã cán mốc doanh thu 20 tỷ đồng.

Với hơn 4.000 suất chiếu trong ngày đầu tiên, bộ phim Marvel mang màu sắc kinh dị thực sự càn quét mọi rạp chiếu, nhận về rất nhiều phản hồi tích cực từ khán giả Việt. Hình ảnh người hâm mộ xếp hàng dài mua vé trong ngày đầu công chiếu “Doctor Strange 2” là cảnh tượng lâu lắm mới trở lại.

phim-viet-5-1671685192.jpeg
Hoa hậu hoàn vũ H'hen Niê đảm nhận vai nữ chính trong phim "578: Phát đạn của kẻ điên".

Sau “Doctor Strange 2”, “Bỗng dưng trúng số” tiếp tục áp đảo phòng vé Việt với tổng doanh thu đạt hơn 170 tỷ đồng. Có thể xem “Bỗng dưng trúng số” là một hiện tượng mới trong lịch sử rạp chiếu phim Việt, khi đây là một dự án thuần hài hước có doanh thu cao nhất từ trước đến nay.

Không trộn lẫn giữa hành động, lãng mạn, tình cảm, tâm lý, “Bỗng dưng trúng số” với kịch bản độc đáo về đề tài Hàn Quốc - Triều Tiên, mảng miếng hài thông minh giúp giữ chân khán giả trong 113 phút, điều ít tác phẩm có thể làm được.

Hay như gần đây, “Avatar: Dòng chảy của nước” trở lại cùng hàng ngàn lời khen có cánh. Chỉ sau hơn 3 ngày ra mắt, phim đã có doanh thu 97 tỷ đồng, đánh bật tất cả các phim Việt chiếu cùng thời điểm.

phim-viet-6-1671685228.png
Hàng loạt "sạn" xuất hiện trong phim điện ảnh "Huyền sử vua Đinh" khiến khán giả lắc đầu ngao ngán.

Nhìn doanh thu phim ngoại, ngẫm lại doanh thu phim Việt trong năm qua, sao mà chua xót và cay đắng. Khán giả Việt gần như mất niềm tin với phim nội địa có quá nhiều dự án thiếu chất lượng, nhưng ra mắt rồi được quảng bá bằng đủ mọi mỹ từ không tương xứng.

Phim Việt cứ ra mắt là “chết như ngả rạ”, còn phim ngoại được mua bản quyền về thì đủng đỉnh hốt bộn tiền. Thay vì bỏ tiền ủng hộ các dự án trong nước, khán giả kéo nhau đi xem phim nước ngoài. Thực trạng này gây nhức nhối đến mức cứ mỗi lần có phim Việt nào đó bắt đầu chiến dịch quảng bá, một số khán giả lại bày tỏ rằng: “Chắc đây lại là phim nhảm”.

phim-viet-7-1671685271.jpeg
Dù đạt 10 tỷ đồng/ngày nhưng "Nghề siêu dễ" của Thu Trang vẫn bị bom tấn “Doctor Strange 2" đánh bại.

Câu hỏi đặt ra là vì sao lại có tình trạng thương hiệu phim Việt mất sức cạnh tranh ngay trên chính sân nhà? Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn, còn bao nhiêu nhà sản xuất trong nước đủ can đảm mang phim ra rạp chiếu?

Khán giả là những người có trong tay quyền "sinh sát" với bất cứ bộ phim không xứng đáng để bỏ tiền ra xem. Chính vì vậy, nếu không làm phim chất lượng, chỉn chu thì dù cho có bỏ hàng trăm tỷ đồng đầu tư vào một dự án, khán giả vẫn sẽ quay lưng với phim Việt như thường.

phim-viet-8-1671685316.jpeg
Sau “Doctor Strange 2”, bom tấn Hàn Quốc "Bỗng dưng trúng số" nhanh chóng thống lĩnh phòng vé tại Việt Nam.

Đã đến lúc các nhà làm phim trong nước cần nghiêm túc nhìn lại thị trường, đổi mới sáng tạo trong cách thức làm phim để không còn diễn ra tình trạng phim Việt mất chỗ đứng trên sân nhà như hiện nay.