Hyundai đã ban lệnh triệu hồi đối với 37.997 chiếc Hyundai Elantra hybrid do lo ngại về hiện tượng tăng tốc ngoài ý muốn. Những chiếc xe bị ảnh hưởng được sản xuất từ năm 2021 - 2023.
Theo báo cáo từ Hyundai, do lỗi phần mềm, tình trạng xe từ từ tăng tốc ngoài ý muốn có thể xảy ra sau khi nhả bàn đạp phanh trong lúc xe đang chuyển sang chế độ vận hành thuần điện (EV Mode).
Về mặt kỹ thuật, Hyundai cho biết người dùng có thể tiếp tục lái xe khi gặp trục trặc này vì hệ thống phanh chính và hệ thống ghi đè phanh vẫn hoạt động tốt. Dù vậy, thương hiệu ô tô Hàn Quốc vẫn quyết định đưa ra lệnh triệu hồi đối với mẫu xe này.
Hyundai cho biết hãng nhận được báo về về việc Elantra gặp tình trạng tăng tốc ngoài ý muốn lần đầu tiên là vào tháng 08/2022. Vào thời điểm đó, nhà sản xuất ô tô đã mở một cuộc điều tra sơ bộ và bắt đầu giám sát Hyundai Elantra tại thị trường Mỹ và Canada.
Đến tháng 05/2023, Hyundai đã phát hiện 24 báo cáo chưa được xác nhận về các trường hợp tương tự. Sau đó, hãng đã mua lại một chiếc Elantra bị ảnh hưởng và bắt đầu nghiên cứu nó.
Đến tháng 06/2023, Văn phòng An toàn Bắc Mỹ của Hyundai (NASO) đã cho chiếc xe trên chạy khoảng 2.000 dặm (hơn 3.000 km) nhưng vẫn không thể tái hiện được tình trạng tăng tốc đột ngột.
Sau đó, thông qua một thử nghiệm riêng, Tập đoàn ô tô Hyundai Hàn Quốc (HMC) đã thành công xác nhận được nguyên nhân gây lỗi. Cụ thể, cách chuyển giao hoạt động giữa động cơ xăng và mô-tơ điện đã gây ra hiện tượng tăng tốc đột ngột.
Nhà sản xuất Hàn Quốc cũng lưu ý, đây là lỗi chỉ xảy ra trên Elantra hybrid, những chiếc Elantra chỉ sử dụng động cơ đốt trong sẽ không bị ảnh hưởng.
Sau khi phát hiện nguyên nhân gây lỗi, Hyundai cũng không ghi nhận thêm báo cáo nào về các trường hợp tương tự hay bất kỳ báo cáo nào về thương tích hoặc tai nạn có liên quan đến lỗi này.
Để khắc phục lỗi, các đại lý của Hyundai sẽ cài đặt một bản cập nhật phần mềm đơn giản lên những chiếc Elantra bị ảnh hưởng.
Theo kế hoạch, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc sẽ gửi thư thông báo triệu hồi đến các chủ xe bị ảnh hưởng bắt đầu từ ngày 17/10.
Trước đó, vào đầu tháng 8/2023, Cục Quản lý An toàn giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA) cũng đã phát đi lệnh triệu hồi với hàng loạt xe đời mới của hãng sản xuất ô tô Hàn Quốc Hyundai Motors, bao gồm gần 52.000 xe Hyundai và gần 40.000 xe KIA.
Được biết, các mẫu xe của Hyundai bị triệu hồi gồm Elantra 2023, Kona 2023, Palisade 2023, Sonata 2023 và Tucson 2023. Đối với thương hiệu xe Kia, các sản phẩm bị triệu hồi gồm Kia Seltos 2023, Soul 2023 và Sportage 2023.
Phía nhà sản xuất cho biết nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ bơm dầu điện được sử dụng với tính năng tự động dừng/khởi động (Idle Stop & Go) trên các xe của Hyundai và Kia.
Cụ thể, một tụ điện trên bảng mạch trong cụm bơm dầu cho hộp số có thể đã bị nhà cung cấp làm hỏng trong quá trình sản xuất. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề, nhưng đáng lo ngại nhất trong số đó là nguy cơ hỏa hoạn do tích tụ nhiệt trong mô-đun điều khiển.
Kia cho biết đã tiếp nhận phản ánh 6 vụ việc liên quan tới nhiệt độ, song không ghi nhận tai nạn hoặc thương tích nào. Trong khi phía Hyundai tiếp nhận 4 vụ việc tương tự.
Để khắc phục, các đại lý của Hyundai và KIA tại Mỹ sẽ kiểm tra và thay thế miễn phí bộ điều khiển bơm dầu điện tử bị lỗi bắt đầu từ tháng này. Trong thời gian chưa được sửa chữa, Hyundai và KIA khuyến cáo khách hàng nên đỗ các xe trong diện bị ảnh hưởng ở phía bên ngoài và tránh xa các công trình xây dựng để đảm bảo an toàn.
Hyundai cũng khuyến nghị các đại lý nên chỉ cho thuê xe nếu khách lo ngại về an toàn cho đến khi hãng có biện pháp khắc phục triệt để. Nếu xe có mùi khét, khách hàng không nên cố di chuyển và đưa đến kiểm tra tại đại lý gần nhất. Một số chi tiết thiếu an toàn trong bộ điều khiển điện tử nói trên cũng đã được hãng xe Hàn Quốc loại bỏ khỏi dây chuyền sản xuất từ tháng 3 vừa qua.
Ngoài nguy cơ hỏa hoạn, vấn đề về nhiệt có thể gây ra hiện tượng đoản mạch, ảnh hưởng đến các bộ điều khiển khác trên xe.
Khánh An