Có được lái xe khi đã bị tước bằng lái xe tích hợp?

Quyền Trung
Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT quy định, bằng lái xe được cấp cho mỗi người, bảo đảm có 1 số quản lý, dùng chung cho cả bằng lái không thời hạn và có thời hạn.

Bằng lái xe tích hợp là loại bằng lái xe gộp 2 hoặc nhiều bằng lái không thời hạn chung với bằng lái có thời hạn.

Theo đó, cá nhân nếu có nhu cầu tích hợp bằng lái xe không thời hạn (A1, A2, A3) và bằng lái xe có thời hạn (A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE), thì đăng ký vào đơn đề nghị học, sát hạch để cấp bằng lái xe theo quy định.

Như vậy, bằng lái xe tích hợp là loại bằng lái xe gộp 2 hoặc nhiều bằng lái xe không thời hạn chung với bằng lái xe có thời hạn. Việc tích hợp bằng lái xe là không bắt buộc.

untitled-2_800x450-1

Khoản 4 Điều 4 Thông tư 37/2017/TT-BGTVT quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ như sau:

Trường hợp người vi phạm hành chính có giấy phép lái xe tích hợp của GPLX có thời hạn và GPLX không thời hạn, bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng GPLX theo quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Theo đó, người có thẩm quyền quyết định xử phạt phải ghi rõ trong quyết định, xử phạt vi phạm hành chính các hạng xe được phép điều khiển theo GPLX và áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng GPLX có thời hạn hoặc không thời hạn đối với loại xe đã sử dụng khi thực hiện hành vi vi phạm. Đồng thời, người vi phạm hành chính được quyền điều khiển những loại xe còn lại được ghi trong giấy phép.

Như vậy, căn cứ vào quy định nêu trên, người có bằng lái xe tích hợp khi bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng GPLX vẫn được điều khiển xe tham gia giao thông đối với loại xe còn lại ghi trong bằng lái. Trong trường hợp này, tài xế nên mang theo biên bản xử phạt vi phạm hành chính để xuất trình trong trường hợp có yêu cầu kiểm tra.

Minh Đạo (T/H)

Minh Đạo