Theo đó, cá nhân có nhà cho thuê có doanh thu dưới 100 triệu dồng/năm không phải đóng thuế. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/8.
Trong đó, Thông tư 40 quy định cụ thể việc tính thuế đối với cá nhân cho thuê tài sản. Cụ thể, cá nhân cho thuê tài sản là cá nhân có phát sinh doanh thu từ cho thuê tài sản bao gồm: cho thuê nhà, mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng, kho bãi không bao gồm dịch vụ lưu trú; cho thuê phương tiện vận tải, máy móc thiết bị không kèm theo người điều khiển; cho thuê tài sản khác không kèm theo dịch vụ.
Dịch vụ lưu trú không tính vào hoạt động cho thuê tài sản gồm cung cấp cơ sở lưu trú ngắn hạn cho khách du lịch, khách vãng lai khác; cung cấp cơ sở lưu trú dài hạn không phải là căn hộ cho sinh viên, công nhân và những đối tượng tương tự; cung cấp cơ sở lưu trú cùng dịch vụ ăn uống hoặc các phương tiện giải trí.
Theo Thông tư 40/2021, cá nhân có phát sinh hợp đồng cho thuê tài sản trong nhiều năm và đã khai thuế, nộp thuế theo quy định trước đây thì không điều chỉnh lại đối với số thuế đã khai, đã nộp theo các quy định trước ngày hiệu lực Thông tư 40/2021.
Bộ Tài chính cho biết, việc thông báo thời hạn nộp thuế khoán của năm 2021 thực hiện theo các quy định trước thời điểm hiệu lực của Thông tư 40/2021 đến hết kỳ tính thuế năm 2021.
Các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đáp ứng điều kiện nộp thuế theo phương pháp kê khai nếu cơ quan thuế đã quản lý thuế theo phương pháp khoán trước thời điểm hiệu lực của Thông tư 40/2021 và không có yêu cầu chuyển đổi phương pháp tính thuế thì tiếp tục nộp thuế theo phương pháp khoán đến hết kỳ tính thuế năm 2021.
Đại diện Cục Thuế TP Hồ Chí Minh và Cục Thuế Hà Nội cho biết bình quân mức chịu thuế của cá nhân kinh doanh nhà cho thuê dưới 8,3% sẽ không bị đánh thuế. Chính vì vậy, nhiều trường hợp khai dưới ngưỡng hoặc làm hợp đồng có kèm phụ lục để hưởng lợi, né nộp thuế xuất hiện.
Do đó, hai cục thuế nói trên đề xuất Tổng cục Thuế giám sát chặt đối tượng cho thuê nhà để tránh trường hợp né thuế, trốn thuế bằng các phương pháp khác nhau.
Quang Thái