WB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021

Trần Nhật Linh
Theo dự báo của WB, mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 còn khoảng 4,8% do những ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19.

Ngày 24/8 tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới công bố báo cáo "Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam" ấn bản tháng 8/2021. Báo cáo nhận định mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khoảng 4,8% cho cả năm 2021. Dự báo này thấp hơn 2 điểm phần trăm so với dự báo tăng trưởng kinh tế do Nhóm Ngân hàng Thế giới đưa ra vào tháng 12/2020, có xét đến tác động tiêu cực của đợt dịch Covid-19 hiện nay đến các hoạt động kinh tế.

Theo báo cáo, trong tháng 7/2021, doanh số bán lẻ giảm 19,8% so cùng kỳ năm trước, là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 4/2020, trong khi Chỉ số sức mua hàng (PMI) cũng giảm đáng kể.

Cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển sang thâm hụt trong vài tháng qua, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài phần nào thể hiện sự thận trọng. Các chuỗi cung ứng và các khu công nghiệp bị gián đoạn do dịch Covid-19 tái bùng phát diện rộng, dường như đã buộc các đơn vị xuất khẩu phải tạm thời đóng cửa nhà máy hoặc đình hoãn sản xuất.

tang-truong-kinh-te
Dịch Covid-19 khiến mọi hoạt động của đời sống xã hội, hoạt động kinh tế đều phải tạm dừng.

Nền kinh tế Việt Nam liệu có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch Covid-19 bùng phát hiện nay, hiệu quả triển khai vắc xin và hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng để kích thích phục hồi”, ông Rahul Kitchlu - Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết.

Theo ông Rahul Kitchlu, tuy rủi ro theo hướng suy giảm đã gia tăng nhưng các yếu tố căn bản của nền kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc và tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể quay lại mức từ 6,5 - 7% từ năm 2022 trở đi

Báo cáo cho rằng Việt Nam có trở thành công xưởng thế giới về công nghệ số hay không sẽ không phụ thuộc nhiều vào khả năng tạo ra những đột phá về công nghệ, mà được quyết định bởi năng lực khai thác nhiều nhất những công nghệ số được phát triển ở các quốc gia khác.

Theo đó, các nhà hoạch định chính sách cần khuyến khích các doanh nghiệp và người lao động có được những kỹ năng phù hợp để tận dụng quá trình chuyển đổi số; bồi dưỡng năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp thông qua cạnh tranh; hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp và nhân tài trong nước, đồng thời thúc đẩy khả năng truy cập, chất lượng và an ninh thông tin.

Ba định hướng chính sách đó đòi hỏi Chính phủ phải can thiệp khéo léo và phối hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân theo hướng minh bạch đầy đủ để tránh bị lạm dụng bởi lợi ích nhóm ở khu vực công và tư nhân.

Nhật Linh