Vì sao không thiếu nguồn cung nhưng vẫn hết xăng dầu?

Trần Nhật Linh
Bộ Công Thương sẽ lập đoàn thanh tra để tổng rà soát trên toàn quốc, trước tình trạng nhiều cửa hàng xăng dầu thông báo hết hàng dù nguồn cung vẫn đảm bảo.

Tại cuộc họp trực tuyến do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì về nội dung kinh doanh xăng dầu diễn ra chiều muộn 9/2, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng cho biết, theo tính toán, dự trữ xăng dầu của thành phố khoảng là 1,2 - 1,3 triệu m3, nên các doanh nghiệp có thể cầm cự được 40 - 60 ngày, trong trường hợp nguồn cung không ổn.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đang gặp khó khăn do điều chỉnh giá chưa kịp thời nên chiết khấu thấp, có khi ở mức 0 đồng. TP.HCM đã chủ động đề nghị lực lượng quản lý thị trường kiểm tra và tìm hiểu nguyên nhân các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng và chưa phát hiện hiện tượng "găm hàng".

Trong khi đó, ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk thông tin, có 19 cửa hàng trên địa bàn tỉnh đang tạm nghỉ hoặc dừng hoạt động do hết xăng dầu, không còn nguồn để bán. Các cửa hàng này nêu nguyên nhân do nguồn cung hạn chế, chiết khấu quá thấp dẫn đến lỗ, nên nhiều cửa hàng đưa ra các lý do như ăn giỗ, đám cưới, ốm đau… để không bán hàng. 

Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Bộ Công Thương đánh giá sát hơn nữa tình hình cung - cầu thị trường và cần linh hoạt trong điều hành giá. Đồng thời, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường, kiểm tra giám sát, nếu phát hiện tình trạng "găm hàng, tăng giá" sẽ xử lý nghiêm. 

xang dau
Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì cuộc họp về nội dung kinh doanh xăng dầu diễn ra chiều muộn ngày 9/2. (Ảnh: VGP/PT)

Trong khi các địa phương khẳng định thiếu hụt nguồn hàng, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết dù thị trường bị tác động của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất, nhưng đến nay cơ bản nguồn cung xăng dầu trong nước vẫn đảm bảo.

Cụ thể, với nguồn cung cấp bổ sung tạm thời về tài chính từ phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện vẫn duy trì sản xuất với công suất khoảng 60% và dự kiến sẽ lên mức 100% từ 15/3. Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng nâng công suất lên 103% và từ ngày 7/2 đã nâng lên 105%. 

Ngoài ra, các thương nhân đầu mối cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ trong nước nếu Nghi Sơn không đảm bảo duy trì được như kế hoạch.

"Tình trạng tạm ngừng bán hàng tại một số cửa hàng diễn ra cục bộ ở một số địa phương phía nam như Cần Thơ, Hậu Giang, An Giang, Long An, Cà Mau, Đồng Nai và một số doanh nghiệp có hiện tượng hạn chế bán hàng để chờ tăng giá, việc này đã được cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm", ông Đông nhận định.

Trước ý kiến của Vụ Thị trường trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định: "Tinh thần chung của Bộ Công Thương là kiên quyết thu hồi giấy phép nếu phát hiện vi phạm. Kể cả giấy phép của cửa hàng bán lẻ hay doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, không dừng lại ở việc xử phạt hành chính. Nếu các cục quản lý thị trường địa phương, sở công thương các địa phương làm ngơ, hoặc làm không hết trách nhiệm cũng sẽ xử lý nghiêm, thậm chí tạm đình chỉ công tác đối với những cán bộ này".

Với hiện tượng "bất thường" nhiều cửa hàng xăng dầu đóng cửa, Bộ trưởng cho rằng, tình trạng này sẽ trở nên phổ biến nếu không có quyết liệt loại bỏ.

"Không được chủ quan, dù đây mới chỉ là hiện tượng. Nếu không tập trung xử lý nghiêm, dứt điểm, đúng luật thì rất có thể sẽ là phổ biến và khó khăn cho điều hành cung ứng xăng dầu và tổn hại nặng nề cho chương trình phục hồi kinh tế", Bộ trưởng chỉ đạo.

Người đứng đầu ngành công thương chỉ đạo ngành công thương các địa phương yêu cầu doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết chấp hành nghiêm: Niêm yết, bán đúng giá; công khai nguồn cung.

Đối với các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, Bộ trưởng yêu cầu phải lên kế hoạch nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống, dứt khoát không để thiếu xăng dầu.

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ Công Thương tham mưu thành lập đoàn thanh tra tổng kiểm tra, rà soát các doanh nghiệp xăng dầu, yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động đúng với nội dung trên giấy phép và phải góp phần tích cực đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đáp ứng nhu cầu nền kinh tế. Trong quá trình kiểm tra, đoàn sẽ vừa thanh tra theo kế hoạch và có những cuộc thanh tra đột xuất trên phạm vi cả nước.

Nhật Linh (t/h)

Nhật Linh