Tuyến metro số 1 còn chậm tiến độ đến bao giờ?

Trần Nhật Linh
Chủ đầu tư tuyến metro số 1 vừa có báo cáo cho biết dự án không thể hoàn thành trong năm 2021 như dự kiến, mà phải kéo dài đến cuối năm 2023.

Ban quản lý dự án đường sắt đô thị TP.HCM vừa có báo cáo gửi Sở Giao thông vận tải thành phố về tình hình các dự án đường sắt đô thị, trong đó có tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Theo Ban quản lý đường sắt đô thị, đến thời điểm này, tuyến Metro số 1 đã đạt 87,5% khối lượng toàn dự án, dự kiến đạt 91% vào cuối năm 2021.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát nên việc huy động nhân sự (trong và ngoài nước) tiếp tục ảnh hưởng đến các gói thầu thi công, thiết bị. Dù chủ đầu tư và các nhà thầu đã có phương án và thực hiện các biện pháp thi công "3 tại chỗ", di chuyển theo "2 điểm đến - 1 cung đường" nhưng số lượng nhân công của dự án vẫn tiếp tục sụt giảm do ảnh hưởng việc hạn chế đi lại, nằm trong khu phong tỏa...

Ban quản lý đường sắt đô thị cho biết, việc sụt giảm mạnh nhân công thi công và các chuyên gia nước ngoài không thể nhập cảnh, vật tư thiết bị cũng không thể được nhập cảnh đúng tiến độ trong 2 tháng qua đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công dự án.

Với khó khăn nêu trên của từng gói thầu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay (đã gần 2 năm với các đợt dịch khác nhau), các nhà thầu đã tiến hành đánh giá sơ bộ lại tiến độ và đã có ý kiến công tác thi công hoàn thành dự án Metro số 1 có khả năng vào cuối năm 2023, đầu năm 2024. Công tác vận hành chạy thử đầu năm 2024 và sau đó là công tác vận hành thương mại.

metro so1
Cuối năm 2020, dự án mới hoàn thành 82%.

Ngoài ra, Ban quản lý đường sắt đô thị cũng kiến nghị tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục nhập cảnh cho chuyên gia của dự án. Đối với các chuyên gia đã có tiêm phòng đầy đủ 2 mũi vắc xin tại nước sở tại (với xác nhận của nước sở tại) cùng với kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực, có thể xem xét rút ngắn thời gian cách ly tập trung.

Đồng thời, có các biện pháp hỗ trợ liên quan đến việc thông thương hàng hóa, thiết bị, vật tư của dự án trong việc vận chuyển nhập cảng và thông quan; cấp phép (với số lượng được kiểm soát) các phương tiện vận chuyển vật tư, vật liệu, thiết bị của dự án trong thời gian kiểm soát di chuyển do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Dự án tuyến metro số 1 bắt đầu được thực hiện vào tháng 3/2007 với tổng kinh phí dự kiến ban đầu là 17.387 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2018. Tuy nhiên sau đó 2 năm, tổng mức đầu tư dự án được đơn vị tư vấn dự án là NJPT của Nhật Bản cập nhật, tính toán lại lên khoảng 47.325 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản chiếm tới 88,4%, tương đương 41.834 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của TP.HCM.

tuyen-metro-so1 anh 2
Tuyến metro số 1 dự kiến phải đến cuối năm 2023 mới hoàn thành.

Đến năm 2018, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra TP.HCM có sai sót trong việc điều chỉnh kinh phí dự án. Cụ thể, báo cáo kiểm toán cho biết, theo quy định tại Luật Đầu tư công 2014, dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên thuộc dự án trọng điểm quốc gia, phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đầu tư.

Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh việc UBND TP.HCM điều chỉnh dự án là không tuân thủ đúng trình tự thủ tục và thẩm quyền. Theo đó, khi kéo dài thời gian thực hiện dự án từ 1 năm trở lên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định. Tuy nhiên, UBND TP.HCM tự ý phê duyệt điều chỉnh thời gian hoàn thành dự án từ năm 2017 sang năm 2019 là không tuân thủ trình tự và thẩm quyền.

Năm 2019, dự án mới được điều chỉnh lại với tổng mức đầu tư là 43.757,15 tỷ đồng và được kỳ vọng sẽ hoàn thành vào quý 4/2021. Hiện tại dự án đã chậm tiến độ 6 năm, việc chủ đầu tư xin lùi tiến độ sẽ khiến dự án tiếp tục kéo dài.

Nhật Linh

Nhật Linh