GS Hà Tôn Vinh: Muốn chuyển đổi số, phải "khởi nghiệp" lại

Trần Nhật Linh
GS Hà Tôn Vinh cho rằng, trước xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam cần phải “khởi nghiệp" lại để có thể bắt kịp thế giới.

Hoặc chuyển đổi số, hoặc “chết”

Tại chuyên đề “Bức tranh chuyển đổi số sau đại dịch” của chuỗi Workshop "Doanh nghiệp trong xu thế chuyển đổi số", Giáo Sư (GS) Hà Tôn Vinh – Chủ tịch Tổ hợp Giáo dục và Tư vấn Quốc Tế Stellar Management cho rằng, ngoài 4 cuộc cách mạng công nghiệp, thế giới cũng song song trải qua 3 cuộc cách mạng công nghệ thông tin. Trong đó, qua 2 cuộc cách mạng trước, thế giới đã có gần 4,7 tỷ người dùng internet. Hiện tại, cuộc cách mạng thứ 3 đang diễn ra dựa trên sự phối hợp giữa máy tính và internet.

Trong 40 năm, từ không có gì đến nay thế giới đã có những thay đổi vượt bậc. Người ta có thể sử dụng internet trên môi trường di động mọi lúc, mọi nơi. Ai cũng dùng mạng xã hội. Thế giới đang đi vào cuộc cách mạng chuyển đổi số toàn cầu”, GS. Vinh nhận xét.

Thống kê cho thấy, ở Mỹ, 55% công ty mới thành lập đều bắt đầu kinh doanh dựa trên nền tảng chuyển đổi số, công nghệ.

Bên cạnh đó, 89% các tổ chức hiện đại có chiến lực chuyển đổi số hoặc đã sử dụng công nghệ số. Trong đó, ngành dịch vụ chuyển đổi số nhiều nhất với khoảng 95%, tiếp theo là lĩnh vực tài chính (93%), y tế (92%), giáo dục (89%),…

Theo GS. Vinh, nếu doanh nghiệp không chuyển đổi số sẽ trở nên tụt hậu, thậm chí là phá sản.

Chuyển đổi số giúp khách hàng có trải nghiệm mới qua công nghệ, gắn kết hơn với doanh nghiệp; nâng cao hiệu suất lao động; giúp doanh nghiệp đưa ra những quyết định chính xác, kịp thời, nhanh chóng và nâng cao khả năng sáng tạo.

Lấy ví dụ về tính cấp thiết phải chuyển đổi số, GS. Vinh cho biết, năm 2006, giá thị trường của Amazon là 17,5 tỷ USD, nhưng đến 2016 là 356 tỷ USD, tăng 2.000%. Để đạt được tốc độ phát triển mạnh mẽ như vậy, Amazon đã thay đổi theo hướng công nghệ thông tin.

gs ha ton vinh
GS Hà Tôn Vinh - Chủ tịch Tổ hợp Giáo dục và Tư vấn Quốc Tế Stellar Management.

Trong khi đó, một tập đoàn bán lẻ từng rất nổi tiếng khác là Sears đã tự hủy diệt khi vẫn duy trì theo hình thức bán hàng truyền thống, từ giá trị thị trường là 28 tỷ USD năm 2006 (cao hơn Amazon 10,5 tỷ USD), đến 2016 chỉ còn 1,1 tỷ USD, giảm 96%.

Chúng ta đang sống trong thế giới mà doanh nghiệp có thể đưa ra những thay đổi cho cuộc sống, xã hội, kinh tế nhờ công nghệ thông tin như Facebook, Youtube, Apple, Lazada,… Công nghệ sẽ trở thành một phần cuộc sống, những năm tới công nghệ sẽ thay đổi hàng ngày, sẽ đi theo chúng ta dù ở bất cứ đâu, thời gian nào. Điều đó buộc doanh nghiệp hoặc chuyển đổi số, hoặc phá sản”, GS. Vinh khẳng định.

“Khởi nghiệp" lại trước khi chuyển đổi số

Theo GS. Hà Tôn Vinh, Việt Nam đang phát triển ngoạn mục về nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, trước 2019, Việt Nam luôn có tốc độ phát triển GDP ở mức 5 - 7%.

Dịch Covid-19 trong năm 2021 khiến tốc độ tăng trưởng bị giảm sút đáng kể, và khó phục hồi vào những tháng cuối năm. Tuy nhiên, nhiều tổ chức quốc tế tin rằng, nếu Chính phủ có thể khống chế dịch bệnh, Việt Nam sẽ sớm phục hồi tốt, quay lại mốc tăng trưởng cũ.

Nhưng để làm được điều đó, doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam cần phải “khởi nghiệp" lại, xây dựng lại chiến lược và tầm nhìn làm việc để không bị các thị trường từ bỏ. Nhất là khi xu hướng thế giới đang chuyển đổi số mạnh mẽ.

GS. Hà Tôn Vinh cho rằng, giữa doanh nghiệp nhỏ và lớn không có gì khác biệt về công nghệ. Thậm chí, doanh nghiệp càng nhỏ thì chuyển đổi số sẽ dễ dàng hơn các tập đoàn lớn khi ít chịu áp lực hơn.

gdp viet nam
GDP Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nền bởi dịch Covid-19.

Chúng ta phải thay đổi cung cách làm việc, bỏ đi những “hành lý” nặng nề, đừng để nó kéo ngã doanh nghiệp. Chuyển đổi số giờ không còn là nhu cầu, muốn hay không mà đã là điều bắt buộc phải làm. Doanh nghiệp phải đi tiên phong, đổi mới triết lý, phương pháp kinh doanh để có thể làm lại tốt hơn”, GS Vinh nhận định.

Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 90 triệu dân, trong đó khoảng 70% sử dụng internet, 65 triệu người dùng mạng xã hội. Đặc biệt, với gần 150 triệu thuê bao, cứ 1 người Việt Nam sẽ có 1,6 thuê bao di động. Từ những tiềm năng to lớn như thế, Việt Nam có thể thay đổi nhanh chóng, thậm chí là bắt kịp tốc độ chuyển đổi số của thế giới.

Tôi đánh giá người Việt Nam vốn thông minh, chịu khó, ham học hỏi, công nghệ cũng đang phát triển. Vì vậy, việc chuyển đổi số chỉ còn là vấn đề thời gian. Quan trọng không phải vấn đề công nghệ hay cơ hội, mà là vấn đề tư duy của các cấp lãnh đạo. Ngoài ra, tầng lớp sinh viên cũng cần thay đổi tư duy, phải có tiếng Anh và am hiểu về công nghệ, đừng quá trông chờ vào số điểm trên bằng cấp”, ông Vinh khẳng định.

Nhật Linh

Nhật Linh