Evergrande: "Đu trend” xe điện và cái kết nợ như “chúa Chổm”

Trần Nhật Linh
Từ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, Evergrande lấn sân sang làm xe điện cùng một số ngành nghề không chuyên, dẫn đến thua lỗ liên miên.

Quy mô khổng lồ

Tập đoàn Evergrande (tên cũ là Hengda Group) được thành lập vào năm 1996 và bắt đầu kinh doanh bất động sản bằng nguồn vốn vay.

Sau nhiều năm liên tục mở rộng quy mô và gom mua tài sản, song song với quá trình phát triển mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc, Evergrande đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.

Ước tính, Evergrande hiện nắm hơn 1.300 dự án bất động sản tại hơn 280 thành phố ở Trung Quốc. Bộ phận quản lý dịch vụ bất động sản của công ty tham gia gần 2.800 dự án tại hơn 310 thành phố Trung Quốc.

Ngoài bất động sản, Evergrande còn có 7 công ty con hoạt động trong nhiều lĩnh vực gồm: Ô tô điện, dịch vụ y tế, tiêu dùng, truyền thông,…

Thông tin do Evergrande công bố cho biết công ty có 200.000 nhân viên và gián tiếp tạo hơn 3,8 triệu việc làm mỗi năm. Cổ phiếu và trái phiếu Evergrande đã được đưa vào nhiều chỉ số tại các thị trường ở châu Á.

Evergrande
Evergrande là một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Trung Quốc.

Xe điện - "tội đồ" của Evergrande

Cách đây vài năm, tập đoàn Evergrande bất ngờ đầu tư vào ngành sản xuất xe điện, lấy tên công ty con là Evergrande New Energy Vehicle Group Ltd's - Evergrande NEV (Công ty Xe Năng lượng mới Evergrande).

Evergrande kỳ vực mảng kinh doanh xe điện sẽ đưa doanh nghiệp này trở thành đối trọng với hãng xe nổi tiếng Tesla, nhưng đời không như mơ. Evergrande NEV từ chỗ là niềm hy vọng của ngành xe điện Trung Quốc trở thành “tội đồ” kéo theo cả hệ thống Tập đoàn Evergrande suy sụp theo.

Tiền thân của Evergrande NEV là một công ty chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực quản lý y tế và chỉ có một mảng nhỏ về sản xuất ô tô điện. Sau khi nhận được đầu tư, công ty này tập trung chính vào việc sản xuất các dòng ô tô chạy điện cũng như pin lithium cung cấp năng lượng cho xe.

Tháng 11/2019, tập đoàn Evergrande thông báo sẽ đầu tư 45 tỷ NDT trong vòng 3 năm tới để phát triển mạnh hơn nữa loại phương tiện này, đồng thời xây dựng 3 cơ sở sản xuất ô tô điện.

Thậm chí, Chủ tịch của Tập đoàn Evergrande còn tự tin tuyên bố sẽ biến NEV trở thành nhà sản xuất xe điện lớn nhất trong vòng 3 - 5 năm tới.

Để thể hiện tham vọng của mình, đầu năm 2021, Evergrande NEV đã giới thiệu 9 mẫu xe điện với thương hiệu Hengchi tại hội chợ ô tô Thượng Hải 2021. Trong đó, 4 mẫu xe sẽ được họ giao trong năm 2022, bao gồm Hengchi 1, một chiếc sedan cỡ lớn nhắm đến việc cạnh tranh với Tesla Model S và Hengchi 3, 5 và 6 – những mẫu xe crossover với thiết kế tương đối độc đáo.

Evergrande NEV cũng liên lạc với nhiều nhà cung cấp thiết bị và thiết kế ô tô lớn trên thế giới như Benteler, Hofer Engineering.... nhằm chuẩn bị cho công đoạn sản xuất xe trong thời gian sau đó.

Đến tháng 4/2021, giá trị thị trường của Evergrande NEV đạt tới 87 tỷ USD, lớn hơn cả 2 công ty sản xuất ô tô lâu đời là Ford và General Motors. Cổ phiếu của Evergrande NEV niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kong tăng trưởng tới 1.000% trong vòng 12 tháng, giúp công ty này huy động được hàng tỷ USD trong thời gian ngắn.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, công ty này vẫn chưa bán ra được một chiếc ô tô nào. Ba nhà máy của Evergrande NEV hiện vẫn chưa có dây chuyền lắp ráp ô tô chung, các loại thiết bị và máy móc được cho là vẫn đang tương đối ngổn ngang.

Evergrande NEV
Đến nay Evergrande NEV - công ty con của tập đoàn Evergrande chưa bán được một chiếc xe điện nào. Ảnh: South China Morning Post

Trong khi đó, các nhân viên thuộc Evergrande NEV thay vì đi bán xe thì được được khuyến khích bán căn hộ - ngành kinh doanh chính của công ty mẹ.

Nhiều chuyên gia cho rằng việc không hiểu rõ về ngành nhưng vẫn bỏ một số tiền lớn đầu tư đã khiến Evergrande gần như không thu lại được kết quả tương xứng. So với các công ty sản xuất ô tô điện trong nước, họ cũng thua kém nhiều về mặt công nghệ.

Tính đến hết năm tài chính 2020, Evergrande thua lỗ khoảng 1,2 tỷ USD, tăng khoảng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu của công ty tăng gấp 3 lần, đạt 2,5 tỷ USD, song các loại chi phí khác đều tăng mạnh, đặc biệt là chi phí giá vốn hàng bán (tăng 3,5 lần so với năm trước) và chi phí bán hàng (tăng 2,5 lần).

Tài sản của công ty đến cuối năm 2020 đạt 150 tỷ nhân dân tệ (23 tỷ USD), song phần lớn là các dự án đang phát triển. Các khoản vay nợ của công ty, cả ngắn hạn và dài hạn, đạt 71,8 tỷ NDT, tức bằng gần một nửa tài sản của công ty.

Điều này cho thấy tình hình tài chính của Evergrande NEV cũng không khác nhiều so với công ty mẹ, phụ thuộc lớn vào nợ vay. Công ty ngày một thua lỗ lớn hơn và chưa biết đến bao giờ mới có thể sản xuất được chiếc xe ô tô đầu tiên.

Chính việc vay nợ quá nhiều để đầu tư vào những ngành không chủ đạo đã khiến Evergrande chịu tổn thương nặng. Riêng mảng xe điện đã khiến tập đoàn này lỗ tới 740 triệu USD trong nửa đầu năm 2021.

Trước tình hình khó khăn, Evergrande đã gom được khoảng 8 tỷ USD tính đến tháng 8/2021 nhờ việc bán cổ phần hãng xe điện HengTen, một công ty bất động sản ở Hangzhou và một ngân hàng. Công ty hiện đang tính đến chuyện bán nốt mảng du lịch và nước giải khát.

Nợ như “chúa Chổm”

Hãng tin Bloomberg cho biết, Evergrande đã không còn nhiều thời gian, khi phải thanh toán 669 triệu USD lãi vay vào cuối năm nay. Tệ hơn, khoảng 615 triệu USD trong số đó là nợ lãi trái phiếu bằng đồng USD, nghĩa là Evergrande phải thanh toán bằng ngoại tệ.

Vào tháng 3/2022, Evergrande sẽ phải thanh toán tiếp 2 tỷ USD trái phiếu đáo hạn và tiếp đó là 1,45 tỷ USD vào tháng 4/2022.

Evergrande hiện đang có 800 dự án đang triển khai ở Trung Quốc, với hầu hết các căn hộ đã được thanh toán đầy đủ. Hơn một nửa trong số đó đã phải tạm dừng do không thanh toán tiền cho nhà thầu. Trong khi đó, cổ phiếu của Evergrande đã liên tục giảm và trái phiếu đang được giao dịch ở mức cực thấp.

Evergrande1
Các nhân viên an ninh vây kín trụ sở của Evergrande ở Thâm Quyến (Trung Quốc) để đòi nợ vào ngày 20/9. Ảnh: CNN Business

Theo một số thông tin rò rỉ, Evergrande nợ hơn 128 ngân hàng và khoảng 121 tổ chức phi ngân hàng. Điển hình có một số ngân hàng lớn như: Ngân hàng Minsheng, còn có Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Zheshang Trung Quốc, Ngân hàng China Everbright và Ngân hàng CITIC Trung Quốc,...

Trong đó, Ngân hàng Minsheng, Ngân hàng Ping An và Ngân hàng Everbright là những người bị nợ nhiều nhất, lần lượt bằng 27,1%, 12% và 9,2% vốn cấp 1 năm 2020.

Vừa qua, Hengda Real Estate Group Co Ltd - công ty con chủ chốt của tập đoàn cho biết, Evergrande đã bắt đầu trả nợ cho những người đầu tư vào “sản phẩm quản lý tài sản” của tập đoàn này.

Đồng thời, Evergrande cũng thông báo bất ngờ rằng họ sẽ thực hiện thanh toán lãi suất trái phiếu đúng hạn vào ngày 23/9/2021, nhưng chỉ là một phần nhỏ trong tổng số 850 triệu USD.

Nếu thực hiện thanh toán phiếu trái phiếu, Evergrande nhanh chóng cạn kiệt tiền mặt. Thay vào đó, họ dự kiến gán nợ bằng cách bán lẻ chiết khấu căn hộ, chỗ đậu xe và mặt bằng.

Hiện tại, nhà chức trách Trung Quốc vẫn chưa tiết lộ kế hoạch có cứu trợ cho doanh nghiệp này hay không. Còn các ngân hàng lớn đang xem xét giải pháp ân hạn cho Evergrande.

Có thể nói, việc Evergrande đứng trước nguy cơ vỡ nợ không chỉ tác động mạnh đến Trung Quốc, mà còn cả nền kinh tế thế giới, khi khiến chứng khoán lao dốc, giá USD tăng vọt và giá hàng hóa, nguyên liệu cũng biến động mạnh.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, Evergrande là một phần quan trọng trong cỗ máy kinh tế của Trung Quốc. Vì vậy, nước này sẽ tung các gói “giải cứu” hoặc can thiệp để tập đoàn này sụp đổ “có lộ trình” vì những rủi ro là quá lớn có thể xảy ra.

Nhật Linh

Nhật Linh