Thanh toán không dùng tiền mặt: Cuộc đua chuyển đổi sổ

Đinh Điệp
Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam về cơ bản đã đạt được những bước tiến lớn cả về chất và lượng, đặc biệt trong giai đoạn dịch covid-19 đang hoành hành.

Thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển kinh tế thương mại toàn cầu. Việc triển khai phương thức TTKDTM của ngành Ngân hàng trong thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu quả thanh toán của nền kinh tế, tăng tốc độ luân chuyển vốn trong xã hội, thúc đẩy lưu thông hàng hoá và lưu thông tiền tệ. Bên cạnh đó, TTKDTM còn giúp giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước và minh bạch hóa các hoạt động thanh toán…

Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam về cơ bản đã đạt được những bước tiến lớn cả về chất và lượng. Thứ nhất, hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt cơ bản đã được hoàn thiện. Thứ hai, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt (nhất là thanh toán điện tử) không ngừng được mở rộng, đầu tư và nâng cấp. Thứ ba, số lượng, giá trị các giao dịch được thực hiện qua các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt có sự tăng trưởng mạnh mẽ (nhất là thanh toán qua điện thoại di động và Internet). Thứ tư, thanh toán điện tử trong khu vực dịch vụ công ngày càng được chú trọng, tăng cường. Thứ năm, hầu hết các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được ứng dụng.

thanh toan

Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) Phạm Tiến Dũng, quý I-2021, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đạt mức tăng trưởng khá. So với cùng kỳ năm 2020, giao dịch qua kênh internet đạt 156,2 triệu lượt với giá trị 8,1 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 395,05 triệu lượt với giá trị hơn 4,6 triệu tỷ đồng, tăng tương ứng 78% về số lượng và 103% về giá trị; giao dịch qua kênh QR code đạt 5,3 triệu lượt với giá trị 4.479 tỷ đồng, tăng tương ứng 83% về số lượng và 146% về giá trị. Riêng hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đạt 482,5 triệu lượt với giá trị gần 4,6 triệu tỷ đồng, tăng hơn 100%.

Đến nay có 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 44 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Toàn thị trường có 272.263 điểm thanh toán thẻ và 19.714 máy rút tiền tự động. Đặc biệt, các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến vẫn tiếp tục được các tổ chức tín dụng thực hiện nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh.

Trong bối cảnh kinh tế số phát triển, ngân hàng số trở thành định hướng tập trung nhằm tạo ra các dịch vụ mới không dùng tiền mặt và xây dựng nên lợi thế cạnh tranh của các ngân hàng. Bên cạnh đó, khi dịch Covid-19 bùng phát, chuyển đổi số là việc mà bất cứ ngân hàng nào cũng phải tính toán. Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) ra mắt ứng dụng ngân hàng số Digibank. Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phát động chiến dịch chuyển đổi số "BIDV digi up". Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) có hệ thống ngân hàng tự động (LiveBank)...

Đây được xem là cuộc chạy đua chuyển đổi số quyết liệt.

Đinh Điệp

Đinh Điệp