Ngày 15/9, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ chín với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo” đã chính thức khai mạc tại Hà Nội, với sự tham dự của 120 đại biểu quốc tế và hơn 300 đại biểu Việt Nam.
Đổi mới sáng tạo đang được thúc đẩy sâu rộng
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội (QH) Vương Đình Huệ nhấn mạnh hội nghị lần này tiếp tục khẳng định sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong Liên minh Nghị viện thế giới (IPU).
QH Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ chín cũng cho thấy sự ưu tiên, quan tâm của Việt Nam với thanh niên và các vấn đề chung toàn cầu của giới trẻ hiện nay.
Theo Chủ tịch QH, chúng ta bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ 21 với vô vàn biến cố khó lường. Lần đầu tiên, cả thế giới trải qua một đại dịch COVID-19 với quy mô chưa từng có, tổn thất vượt xa mọi dự đoán. Tác động dai dẳng, phức tạp của đại dịch, cộng hưởng với những căng thẳng, xung đột địa chính trị; cạnh tranh, phân tách chiến lược, những chao đảo, bất ổn của thị trường lương thực, năng lượng, tài chính - tiền tệ, sự sụt giảm đầu tư, đứt gãy của các chuỗi cung ứng… đã xóa đi nhiều thành quả giảm nghèo, phát triển của hàng thập niên qua.
Tuy vậy chúng ta vẫn có quyền lạc quan và hy vọng về tương lai. Bởi các xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo đang được thúc đẩy lan tỏa sâu rộng. Hàng loạt sáng kiến liên kết, hợp tác mới ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu tiếp tục được đẩy nhanh.
Việt Nam đã có những tiến triển đáng kể về phát triển bền vững và ứng dụng công nghệ cao
Cũng tại Hội nghị, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong khẳng định: “Việt Nam đã có những tiến triển đáng kể về phát triển bền vững và ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, Việt Nam đóng vai trò là một “ngọn hải đăng” trong việc trao quyền cho giới trẻ về công nghệ”.
Đặc biệt, ông vui mừng khi thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc kết hợp hai vấn đề là công nghệ và trao quyền cho giới trẻ, giúp Việt Nam trở thành đất nước tiên phong trong lĩnh vực này.
Nhắc lại Đại hội đồng IPU – 132 diễn ra vào năm 2015, ông Martin Chungong khẳng định Tuyên bố Hà Nội được thông qua khi kết thúc Đại hội đồng đã trở thành hình mẫu cho IPU trong việc triển khai và hợp tác với các bên liên quan trong triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).
Trong những năm gần đây, IPU đã khẳng định niềm tin của mình đối với sức mạnh của công nghệ trong việc thúc đẩy triển khai SDGs, đặc biệt là khi thông qua Chiến lược hành động giai đoạn 2022-2026. Các thành viên IPU tập trung vào những yếu tố như đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong công tác của mình. Các nghị viện tự cường và đổi mới sáng tạo là một trong những mục tiêu chiến lược của IPU.
Theo ông: “Chúng ta phải nhấn mạnh tầm quan trọng của nghị sĩ trẻ và thế hệ trẻ mà họ đại diện như những diễn giả trước đã nói, đó là các nghị sĩ trẻ và thế hệ trẻ nói chung đóng vai trò vô cùng quan trọng, phải tích cực hơn, chủ động hơn, tận dụng tốt hơn vai trò này. Đồng thời, cần phải là động lực cho sự phát triển, đem lại những quan điểm, năng lượng và những giải pháp đổi mới sáng tạo cho các quy trình nghị viện hiện nay".
Cuối phát biểu, ông Martin Chungong nhấn mạnh: “Với tư cách là những người trẻ, đóng vai trò trung tâm trong hành trình này, niềm đam mê, nhiệt huyết và sự cống hiến của bạn trẻ trong việc thúc đẩy SDGs thông qua chuyển đổi và đổi mới kỹ thuật số là ánh sáng dẫn đường cho tất cả chúng ta. IPU tự hào được đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ bạn trẻ trong sứ mệnh này”.
Hương Mi