Top thương hiệu ‘đội sổ’ chất lượng bệnh viện ở TP.HCM: Hiểu đúng về điểm đánh giá

Admin
Bộ đánh giá có tổng 83 tiêu chí, trong đó 79 tiêu chí áp dụng chung và 4 tiêu chí dành cho các đơn vị đặc thù (có khoa sản và nhi), được sử dụng để đánh giá các bệnh viện với 5 mức điểm. Các bệnh viện dưới mức 3 cần phải tập trung mọi nguồn lực để cải tiến chất lượng.

Theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, kết quả đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2022 (công bố tháng 7/2023) đối với 115 bệnh viện trên địa bàn thành phố ghi nhận có 37 bệnh viện đạt điểm chất lượng trung bình trên 4 (theo thang điểm 5), tăng 15,6% so với năm 2021. Số lượng bệnh viện đạt điểm dưới 2,5 chỉ còn 1 bệnh viện thuộc khối bệnh viện tư nhân.

Tuy nhiên, Sở Y tế TP.HCM cho rằng còn một số vấn đề tồn tại cần khắc phục và ưu tiên cải tiến trong thời gian tới về các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, công tác dinh dưỡng tiết chế, các vấn đề tuân thủ quy định ghi chép hồ sơ bệnh án và đặc biệt lưu ý các điều kiện đảm bảo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự khi có thay đổi phải được cho phép bởi cơ quan quản lý có thẩm quyền để duy trì hoạt động chuyên môn khám chữa bệnh, đảm bảo an toàn người bệnh.

Các bệnh viện thẩm mỹ chiếm ưu thế top “đội sổ”

Từ 24/2/2023, Sở Y tế TP.HCM tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện và khảo sát hài lòng người bệnh, nhân viên y tế năm 2022 theo các quy định hiện hành của Bộ Y tế (bao gồm 54 bệnh viện công lập và 61 bệnh viện tư nhân).

Theo đánh giá của Sở Y tế TP.HCM, sau một năm nỗ lực thực hiện các hoạt động chuyên môn, triển khai cải tiến chất lượng tại các bệnh viện, hầu hết các bệnh viện có nhiều hoạt động cải tiến rõ rệt, thích ứng linh hoạt, hiệu quả trong tình hình mới, góp phần xây dựng nền kinh tế thành phố trong năm vừa qua.

Cụ thể, trong 37 bệnh viện đạt điểm trung bình từ 4 trở lên (mức chất lượng tốt) có 11 bệnh viện trên 50% tiêu chí đạt mức 5 (mức tối đa). Kết quả có 8 bệnh viện đạt điểm trung bình trên 4,5 điểm, tăng 33% so với năm 2021; 29 bệnh viện từ 4 – 4,5 điểm, tăng 11,5% so với năm 2021 và 9 bệnh viện dưới 3 điểm, giảm 40% so với năm 2021.

Nhóm bệnh viện tư nhân có điểm trung bình tăng 9% so với năm 2021, nhóm bệnh viện thành phố tăng 2,5% so với năm 2021 và nhóm bệnh viện quận, huyện tăng 0,3% so với năm 2021. Qua đó, nhóm bệnh viện tư nhân có điểm trung bình tăng nhiều hơn so với các nhóm bệnh viện công lập. Nhóm bệnh viện quận, huyện mức độ cải tiến còn chậm hơn các nhóm khác.

benh vien jt angel

 Bệnh viện Phẫu thuật Thẩm mỹ Angel có bề ngoài rất khang trang nhưng điểm chất lượng chỉ đạt 2,84.

Mặc dù có sự cải thiện về điểm trung bình, tuy nhiên trong top 10 bệnh viện có điểm chất lượng 3 và dưới 3, phần đông là các bệnh viện thẩm mỹ. Cụ thể: Bệnh viện phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Hiệp Lợi; Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ Á Âu; Bệnh viện Răng Hàm Mặt Mỹ Thiện; Bệnh viện Phẫu thuật Thẩm mỹ Angel; Bệnh viện thẩm mỹ AVA Văn Lang; Bệnh viện thẩm mỹ Sao Hàn; Bệnh viện Mắt Cao Thắng; Bệnh viện STO Phương Đông; Bệnh viện Kim Hospital và Bệnh viện Răng Hàm Mặt Sài Gòn.

Điều đáng nói là các bệnh viện thẩm mỹ này luôn tự tin quảng cáo là thương hiệu hàng đầu chất lượng với những lời hoa mỹ như: “Với định hướng và tầm nhìn trở thành một bệnh viện thẩm mỹ theo chuẩn quốc tế 5 sao bậc nhất Việt Nam và top 01 Đông Nam Á, trong đó, phẫu thuật thẩm mỹ là một chuyên khoa nòng cốt, có vị trí quan trọng, Bệnh viện thẩm mỹ quốc tế JT Angel đã đầu tư hệ thống trang thiết bị và công nghệ tối tân, mang những tính năng vượt trội nhằm mang đến cho khách hàng những dịch vụ y tế chất lượng cao”.

Đặc biệt, vừa qua CEO của Bệnh viện Phẫu thuật Thẩm mỹ Angel đã lên tiếng trên mạng xã hội cho rằng điểm chất lượng tối đa của các bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ chỉ ở mức 3,7 dựa trên 79 tiêu chí; còn các bệnh viện đa khoa mới được chấm tối đa 5 điểm dựa trên 83 tiêu chí. Vì vậy, CEO này cho rằng việc xếp hạng thương hiệu này ở top “đội sổ” của một số cơ quan truyền thông là không đúng.

Hiểu thế nào về bộ tiêu chí đánh giá chất lượng?

Theo tìm hiểu của PV Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo, đến nay chưa có văn bản hay thông báo nào của cơ quan chức năng khẳng định các bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ có số điểm tối đa là 3,7 điểm; các bệnh viện đa khoa mới được chấm tối đa 5 điểm. Hiện bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện đang được quy định tại Quyết định số 6858/QĐ-BYT ngày 18/11/2016 (chỉnh sửa, bổ sung và nâng cấp một số tiêu chí, tiểu mục từ Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện ban hành thí điểm theo Quyết định số 4858/QĐ-BYT ngày 3/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế).

Bộ tiêu chí giải thích rõ "chất lượng bệnh viện là toàn bộ các khía cạnh liên quan đến người bệnh, người nhà người bệnh,nhân viên y tế, năng lực thực hiện chuyên môn kỹ thuật; các yếu tố đầu vào, yếu tố hoạt động và kết quả đầu ra của hoạt động khám, chữa bệnh. Một số khía cạnh chất lượng bệnh viện là khả năng tiếp cận dịch vụ, an toàn,người bệnh là trung tâm, hướng về nhân viên y tế, trình độ chuyên môn, kịp thời, tiện nghi, công bằng, hiệu quả…

Bộ tiêu chí gồm 83 tiêu chí, được chia làm 5 mục, cụ thể: Phần A là hướng dẫn người bệnh gồm 19 tiêu chí; phần B là phát triển nguồn nhân lực gồm 14 tiêu chí; phần C là hoạt động chuyên môn gồm 38 tiêu chí; phần D là cải tiến chất lượng gồm 8 tiêu chí và phần E là tiêu chí đặc thù chuyên khoa gồm 4 tiêu chí.

tiêu chí

 4 tiêu chí đặc thù dành cho chuyên khoa cho các bệnh viện có khoa sản và khoa nhi.

Điểm chất lượng chung của bệnh viện được tính là điểm trung bình chung của tất cả các tiêu chí áp dụng đánh giá: Cộng tổng số điểm của tất cả các tiêu chí (riêng C3 và C5 nhân hệ số 2) chia cho tổng số tiêu chí có áp dụng đánh giá, cộng thêm 7 tiêu chí chương C3 và C5.

Điểm chất lượng chung được sử dụng để công bố mức chất lượng của bệnh viện đạt được và so sánh với các bệnh viện khác trên phạm vi địa phương và toàn quốc.

Mỗi tiêu chí được xây dựng 5 bậc chất lượng (có thể được xem xét tương tự như 1 sao, 2 sao, 3 sao, 4 sao, 5 sao), là các cấp độ chất lượng từ thấp đến cao của một tiêu chí, cụ thể: Mức 1 là chất lượng kém; mức 2 là chất lượng trung bình; mức 3 là chất lượng khá; mức 4 là chất lượng tốt và mức 5 là chất lượng rất tốt.

Mỗi một tiểu mục của tiêu chí được đánh giá là “đạt” hoặc “không đạt”. Một tiểu mục được đánh giá là “đạt” cần tuân thủ triệt để theo nguyên tắc “hoặc không, hoặc tất cả”.

Các bệnh viện (bao gồm đa khoa và chuyên khoa) áp dụng toàn bộ 79 tiêu chí phần A, B, C, D để đánh giá và tính điểm công bố chất lượng (nếu bệnh viện hoàn toàn không có trang thiết bị có nguồn từ xã hội hóa hoặc liên doanh, liên kết thì không áp dụng tiêu chí A4.4: Người bệnh được hưởng lợi từ chủ trương xã hội hóa y tế).

Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có thực hiện khám, chữa bệnh sản và nhi tính điểm công bố chất lượng thêm 4 tiêu chí là phần E – phần đặc thù chuyên khoa (tổng 83 tiêu chí).

bac thang

Các bậc thang tiêu chí chất lượng .

Sau khi đánh giá 5 bậc chất lượng bao gồm các nội dung về yếu tố cấu trúc, yếu tố quy trình thực hiện và kết quả đầu ra. Năm mức độ chất lượng của các bệnh viện được quy định như sau:

Mức 1: Chất lượng kém (chưa thực hiện, chưa tiến hành cải tiến chất lượng hoặc vi phạm văn bản quy pháp luật, quy chế, quy định, quyết định).

Mức 2: Chất lượng trung bình (đã thiết lập một số yếu tố đầu vào).

Mức 3: Chất lượng khá (đã hoàn thiện đầy đủ các yếu tố đầu vào, có kết quả đầu ra).

Mức 4: Chất lượng tốt (có kết quả đầu ra tốt, có nghiên cứu, đánh giá lại công việc và kết quả đã thực hiện).

Mức 5: Chất lượng rất tốt (có kết quả đầu ra tốt, có áp dụng kết quả đánh giá, nghiên cứu vào cải tiến chất lượng, tiếp cận với chất lượng bệnh viện các nước trong khu vực hoặc các nước tiên tiến trên thế giới).

Từ đó có thể thấy, với số điểm dưới 3 của top “đội sổ” theo bảng đánh giá ở TP.HCM, những bệnh viện này còn chưa tiệm cận được ở mức “chấp nhận được” theo thang điểm chất lượng. Có lẽ với đánh giá này, các cơ sở y tế này cần cố gắng hơn nữa để nâng cao chất lượng, từ đó xây dựng thương hiệu của bệnh viện đúng như những gì đang quảng cáo.

Nhật Linh