Bia Sài Gòn vốn là một thương hiệu lớn và nổi tiếng ở Việt Nam với lịch sử 148 năm chinh phục thị trường với nhiều dòng sản phẩm phù hợp với nhiều đối tượng. Biểu tượng nhãn màu xanh với hình ảnh con rồng bay lên đã khắc sâu trong tâm trí người tiêu dùng Việt Nam. Nhãn hiệu cũng đã được đăng ký sở hữu bởi Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) với thị phần trên 40% thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên theo thông tin từ phía SABECO, trên thị trường, đã xuất hiện lại sản phẩm bia giả mạo nhãn hiệu BIA SAIGON của Tổng công ty này sau một thời gian dài “im hơi lặng tiếng” Các sản phẩm giả mạo xuất hiện nhiều tại trường tỉnh Bình Dương và Bình Định. Điều này có thể dẫn đến việc khách hàng dễ nhầm lẫn hoặc không phân biệt được đâu là sản phẩm chính hãng, gây tâm lý hoang mang cho khách hàng và dẫn đến việc khách hàng mất lòng tin khi sử dụng sản phẩm.
Trước đó, ngày 16/3/2023, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tuyên phạt Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam và người đại diện số tiền trị giá 3,7 tỷ đồng với tội danh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nhãn hiệu BIA SAIGON của SABECO đã được bảo hộ. Đây là vụ án đầu tiên có bị cáo là pháp nhân thương mại, đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu thương hiệu nổi tiếng.
Được biết, ông Lê Đình Trung, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam vốn là nhân viên của SABECO, sau khi nghỉ việc tại SABECO, tháng 5/2019, đã thành lập Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam.
Tháng 7/2019, Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam nộp đơn đăng ký nhãn hiệu kết hợp hình và chữ: "BIA SAIGON VIETNAM và hình khiên đứng hình con rồng" lên Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN). Tuy chưa nhận được văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, ông Trung đã sử dụng nhãn hiệu này để ký hợp đồng với cơ sở sản xuất bia Biva để sản xuất bia mang nhãn hiệu "BIA SAIGON VIETNAM".
Ngày 23/6/2020, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện hơn 4.700 thùng bia, 116.700 vỏ lon bia và 3.300 vỏ thùng bia mang nhãn hiệu "BIA SAIGON VIETNAM" tại cơ sở sản xuất bia Biva nên tạm giữ số tang vật và chuyển cơ quan công an thụ lý vì có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của SABECO. Tổng trị giá số lượng hàng hóa giả mạo nhãn hiệu BIA SAIGON là hơn 1 tỷ 250 triệu đồng.
Mặc dù vụ án đã khép lại với hình phạt thích đáng cho đối tượng giả mạo nhãn hiệu Bia Saigon, tuy nhiên thời gian gần đây những sản phẩm giả mạo này lại tiếp tục xuất hiện, gây sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng với sản phẩm của thương hiệu BIA SAIGON, một thương hiệu hàng đầu của Việt Nam.
Có thể thấy, việc các doanh nghiệp chủ sở hữu chủ động thông tin và phối hợp chia sẻ thông tin với lực lượng chức năng để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái đang tăng lên là một tín hiệu cho thấy doanh nghiệp đã thực sự nhập cuộc cùng lực lượng chức năng góp phần làm lành mạnh hóa thị trường.
Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, hiện khá nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn luôn sẵn sàng hợp tác, cung cấp các dấu hiệu nhận biết hàng giả - hàng thật, xuất hiện cùng lực lượng QLTT trong các cuộc kiểm tra nhà xưởng, sản xuất của các đối tượng làm hàng giả, hàng nhái đã làm rút ngắn thời gian xử lý các vụ việc mà lực lượng này thực hiện kiểm tra hàng ngày.
Tuy nhiên, do chế tài cho các hành vi sai phạm liên quan đến sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu của doanh nghiệp chưa đủ sức răn đe nên các đối tượng vẫn bất chấp sản xuất hàng giả để trục lợi. Đây chính là nguyên nhân khiến cho tình trạng sản xuất hàng giả, hàng nhái "tái đi tái lại" trong thời gian qua.
Vân Mai