Thương hiệu Trung Nam Group ảnh hưởng nặng tại dự án điện gió Ea Nam

Nguyễn Thị Thanh Thảo
Trung Nam Group có thế mạnh trong ngành năng lượng điện gió và đã khẳng định được thương hiệu bởi quy mô, sản lượng dẫn đầu khối doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, việc để xảy ra các sai phạm tại dự án nhà máy điện gió Ea Nam đã ảnh hưởng nặng nề đến thương hiệu của công ty này.

Công ty Cổ phần Đầu Tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) với thương hiệu hệ sinh thái đa ngành nghề gồm 5 lĩnh vực hoạt động: Năng lượng, Hạ tầng - Xây dựng, Bất Động sản, Công nghiệp thông tin điện tử, Trungnam Group phát triển và trở thành Tập đoàn tư nhân lớn mạnh.

Trong đó, ngành năng lượng điện gió, điện mặt trời nổi trội hơn cả với nhiều dự án “khủng” được xây dựng ở nhiều tỉnh thành như: Ninh Thuận, Trà Vinh, Đắk Lắk.

Tuy nhiên quá trình triển khai dự án, công ty đã để tồn tại các vi phạm khiến người dân khiếu nại. Điển hình nhất là dự án nhà máy điện gió Ea Nam (huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk).

1122-1126-1669885818.png
Nhiều dự án “khủng” được Trung Nam Group xây dựng ở nhiều tỉnh thành như: Ninh Thuận, Trà Vinh, Đắk Lắk.

Sau thời gian dài bị người dân khiếu nại, mới đây Thanh tra Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra trách nhiệm của UBND tỉnh Đắk Lắk trong việc thực hiện pháp luật về công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý, sử dụng đất đai.

Đáng chú ý, theo cơ quan thanh tra, đối với dự án Trồng cây nông nghiệp, cây dược liệu và khoanh nuôi quản lý bảo vệ rừng; dự án Nhà máy Điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp Long Thành Đắk Lắk (xã Ia Lốp, huyện Ea Súp), việc phê duyệt quy hoạch, chủ trương đầu tư, tổ chức thực hiện, gia hạn dự án có nhiều bất cập.

Đối với dự án nhà máy điện gió Ea Nam, huyện Ea H’leo, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group), chưa có quyết định thu hồi và bàn giao ký hợp đồng thuê đất, hoàn thiện thủ tục đất đai, xây dựng nhưng chủ đầu tư đã tiến hành thi công xây dựng trụ móng tuabine, nhà điều hành, trạm biến áp vi phạm khoản 2 Điều 7 Thông tư 02/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương; Luật Đầu tư 2014 và Luật Đất đai 2013; ảnh hưởng đến hoạt động canh tác nông nghiệp và người dân địa phương.

“Đến nay báo cáo của UBND tỉnh Đắk Lắk cho thấy đã xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện trình tự, thủ tục của dự án để đưa vào vận hành, phát điện theo quy định nhưng những sai phạm, tồn tại cần được kiểm điểm, rút kinh nghiệm”, Thanh tra Chính phủ đề nghị.

223345-1129-1669885816.png
Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án nhà máy điện gió Ea Nam. Ảnh: Minh Hậu.

Đối với các công trình điện mặt trời mái nhà lắp đặt trên trang trại, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk và các cấp chính quyền địa phương còn buông lỏng trong quản lý để người dân lách luật xây dựng công trình điện mặt trời lắp đặt trên trang trại đất nông nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng và đây là một nguyên nhân dẫn đến quá tải cho hệ thống điện quốc gia, hiện phải giảm áp, lãng phí nguồn lực xã hội.

Từ những nội dung kết luận trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, căn cứ kết quả thanh tra, tiến hành kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của UBND tỉnh và các cá nhân về những thiếu sót, tồn tại, vi phạm có liên quan.

Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc để người dân lách luật xây dựng công trình điện mặt trời lắp đặt trên trang trại đất nông nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng trên địa bàn; đặc biệt là đối với các hộ, các trang trại chưa đáp ứng các tiêu chí để được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo Thông tư 27 và Thông tư 02 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái dẫn đến việc phát triển ồ ạt, không đấu nối được, phải giảm phát gây lãng phí nguồn lực của các nhà đầu tư.

Ngoài dự án nhà máy điện gió Ea Nam, Trung Nam Group cũng vướng vào dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (dự án chống ngập) 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM.

112344-1130-1669885816.png
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (dự án chống ngập) 10.000 tỷ đồng tại TP.HCM vướngmawcs đủ đường, chậm triển khai khiến người dân ngán ngẩm.

Dự án khởi công từ giữa năm 2016, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2018. Tuy nhiên, những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và nguồn vốn khiến tiến độ hoàn thành dự án lùi lại nhiều lần.

Việc những dự án “khủng” của Trung Nam Group “lùm xùm”, dính sai phạm khiến thương hiệu của công ty này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mất lòng tin đối với người dân, chính quyền.