Thực trạng xây dựng có nhiều dấu hiệu vi phạm tại điểm nóng phường Phú Thượng, phường Bưởi. UBND quận Tây Hồ có biết?

Quyền Trung
Quản lý TTXD là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà thành phố Hà Nội tập trung giải quyết. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Tuy nhiên, thực trạng xây dựng có nhiều dấu hiệu vi phạm tại điểm nóng phường Phú Thượng, phường Bưởi, quận Tây Hồ đã và đang tiếp diễn từng ngày, từng giờ.

Đầu năm 2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 317 về việc kiểm tra thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực trật tự xây dựng (TTXD) tại một số quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố năm 2022.

Theo kế hoạch, trong Quý II và Quý III/2022 sẽ kiểm tra UBND các quận, huyện, thị xã: Thanh Xuân, Tây Hồ, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, thị xã Sơn Tây và UBND các phường, xã, thị trấn thuộc các quận, thị xã nêu trên. Thời kỳ kiểm tra tính từ 1/1/2020- 31/12/2021.

UBND Hà Nội giao Sở Tư pháp thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng dự thảo quyết định kiểm tra, trong đó, Giám đốc Sở Tư pháp là Trưởng đoàn kiểm tra; thành viên gồm đại diện các Sở, ngành theo đề xuất của Sở Tư pháp.

UBND TP Hà Nội yêu cầu công tác kiểm tra phải đảm bảo nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch toàn diện và hiệu quả. Hoạt động kiểm tra phải đánh giá được kết quả triển khai và chỉ ra những hạn chế, vướng mắc, bất cập, sai sót, vi phạm trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của các đơn vị được kiểm tra.

Được biết, quản lý TTXD là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà thành phố Hà Nội tập trung giải quyết. Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, Thành ủy Hà Nội mới đây ban hành Chỉ thị 03 về chỉnh trang, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021 - 2025. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Tuy nhiên, thực trạng xây dựng có nhiều dấu hiệu vi phạm tại điểm nóng quận Tây Hồ đã và đang tiếp diễn từng ngày, từng giờ.

Trên địa bàn phường Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội) xuất hiện nhiều công trình có dấu hiệu vi phạm TTXD nghiêm trọng về chiều cao, số tầng, mật độ, chỉ giới đường đỏ, tum thang biến tướng, xây dựng thuộc đất nông nghiệp.

Loạt nhà hàng như “Tre Place”, “Vườn tre quán” tại số 142 An Dương Vương được xây dựng kiên cố làm nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Các nhà hàng đó xây dựng ngay ở khu vực hành lang bảo vệ đê Sông Hồng nhưng không hiểu lý do gì vẫn được tồn tại.

Những năm gần đây, khu vực phường Phú Thượng luôn là điểm nóng về tình trạng các công trình vi phạm TTXD ở quận Tây Hồ. Mặc dù, nhiều công trình đã được kiểm tra, xử lý, ngăn chặn các vi phạm kịp thời nhưng đến nay, tình trạng nhiều công trình có dấu hiệu vi phạm vẫn diễn ra.

Cụ thể, ở tuyến đường An Dương Vương, 2 công trình nằm cạnh số nhà 189 An Dương Vương cũng mang nhiều dấu hiệu vi phạm TTXD về chiều cao, mật độ… Trong đó, 1 công trình cao 7 tầng + tum thang và 1 công trình cao tới 8 tầng + tum thang. Công trình số 335 An Dương Vương được chủ đầu tư xây dựng lên tới 7 tầng + tum thang, tum thang đang được xây dựng; mật độ xây dựng gần như toàn bộ diện tích, chiều cao vượt trội hơn rất nhiều các công trình xung quanh.

Công trình số 369 An Dương Vương, số 415 An Dương Vương, số 319 An Dương Vương có tới 4 khối nhà với quy mô 5 tầng + tum thang, tum thang có dấu hiệu biến tướng, phần đua ra ngoài vỉa hè lại được xây dựng với không gian phòng, mật độ xây dựng không được đảm bảo. Hay Công trình số 145 An Dương Vương tương tự. Trong quá trình thi công, chủ đầu tư không che chắn gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Tại tổ 24, cụm 4 Phú Thượng cũng xuất hiện một công trình mang nhiều dấu hiệu vi phạm TTXD cần được kiểm tra những vi phạm. Công trình có quy mô đồ sộ, phần tum có dấu hiệu biến tướng nghiêm trọng, mật độ xây dựng và khoảng chỉ giới đường đỏ cần xem xét.

Tại phố Phú Gia, công trình tại ngõ 163 đang được xây dựng với quy mô 6 tầng + tum thang, phần tum có dấu hiệu tăng diện tích, mật độ xây dựng gần như toàn diện tích, thi công không che chắn cẩn thận, hiện tại cơ bản đã hoàn thiện.

Theo quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 tại quận Tây Hồ được UBND TP.Hà Nội phê duyệt tại quyết định số 4177/QĐ-UBND ngày 8/8/2014 thì các công trình bất động sản chỉ được xây cao tối đa là 12m, tức 1-3 tầng.

Những dự án thi công rầm rộ, lấn chiếm vỉa hè tại phường Bưởi.

Đối với các khu công viên cây xanh, mật độ xây dựng tối đa 5%, cao 1 tầng. Vùng 1, mật độ xây dựng tối đa 30-35%, cao 1-3 tầng; vùng 2 mật độ xây dựng tối đa 35-45%, cao 1-5 tầng. Vùng 3, kiểm soát đặc biệt (khu vực không gian bán đảo Hồ Tây), cho phép xây dựng công trình cao tầng 2 bên trục không gian, thấp dần về phía hồ.

Trong ngõ Võng Thị nhiều công trình đã và đang dần hoàn thiện, chung cư hoạt động tiềm ẩn nguy cơ PCCC

Như vậy, theo quyết định trên, đối với vùng 1 tại các tuyến phố bao quanh mặt nước ven Hồ Tây như: Phố Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Nhật Chiêu, Vệ Hồ, Trích Sài, Từ Hoa, Quảng An, các công trình chỉ được xây cao tối đa là 12m, tức 1-3 tầng.

Ngay cạnh UBND phường công trình từ 6-7 tầng.

Tuy nhiên, trên địa bàn phường Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã và đang tồn tại nhiều công trình có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng, “phá vỡ” quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội nhưng không được chính quyền sở tại xử lý?

Cụ thể: số 30 ngõ 259 Trích Sài, 19 Võng Thị, Số 2 ngõ 45 Võng Thị, 53 phố Võng Thị cho thuê chung cư 8 tầng, Cạnh số 55 phố Võng Thị công trình đang thi công rầm rộ với chiều cao 6 tầng + 1 tum, hoặc tầng lửng.

Công trình đang thi công rầm rộ với chiều cao 6 tầng + 1 tum, hoặc tầng lửng.

Có thể thấy tổng quan tất cả các công trình có dấu hiệu vi phạm trật tự xây dựng ở phường Bưởi, “bóp méo” quy hoạch nêu trên đều nằm rất gần trụ sở UBND phường này nhưng không hiểu vì sao vẫn ngang nhiên tồn tại?

Tháng 02/2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo thành phố trong buổi làm việc với Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội đã có chỉ đạo kiên quyết xử lý và xử lý triệt để các vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép, thu hồi các dự án có sử dụng đất nhiều năm không triển khai; có giải pháp bảo vệ môi trường trên địa bàn, giảm thiểu ô nhiễm không khí, ô nhiễm các con sông, nguồn nước, thực hiện phân loại xử lý rác thải, đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành…

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 14/1/2014 về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công, UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn về các trường hợp vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Yêu cầu chủ tịch các UBND phường, xã, thị trấn phải cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền.

Nội dung Chỉ thị cũng nêu rõ, địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục.

Nhóm PV