Thông tin công dân khai báo khi làm căn cước công dân cần được bảo mật

Võ Thị Liên
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, những thông tin công dân khai báo khi làm căn cước công dân cần được cơ quan quản lý có trách nhiệm bảo mật và cần làm rõ nếu có sự rò rỉ thông tin (nếu có).

Liên quan đến bài viết "Báo động tình trạng thu thập dữ liệu cá nhân để đe dọa công dân" đăng tải trên Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo ngày 19/10, nhiều độc giả đã bày tỏ ý kiến đồng tình và lo ngại trước hiện tượng lộ lọt thông tin cá nhân.

Thông tin công dân phải được bảo mật

Chị Phạm Thị Thanh Hồng (kế toán, ngụ TP.HCM) cho biết thường xuyên bị làm phiền bởi những cuộc gọi chào mua nhà đất, mở tài khoản ngân hàng, mua bảo hiểm, nhận khuyến mãi du lịch,... Thậm chí những người gọi cho chị còn biết cả hoàn cảnh gia đình, con cái của chị.

“Không dưới 2 lần tôi còn bị một số đối tượng gọi điện nói tôi vi phạm pháp luật và đọc đầy đủ các thông tin cá nhân của tôi. Tôi không hiểu tại sao thông tin của mình lại bị lộ, họ còn biết cả ngày sinh, rồi gia đình có bao nhiêu người, độ tuổi ra sao, con tôi học trường nào. Như thế rất nguy hiểm”, chị Hồng nói.

“Rất nhiều lần tôi bị nhiều người lạ nhắn tin chửi bới và đe dọa vì ai đó vay tiền không trả. Điều đáng nói là tôi không hề quen biết người vay, nhưng những đối tượng gọi đòi tiền lại biết quá rõ thông tin về tôi và gia đình như quê quán, công việc. Sau này khi tôi làm chuẩn hóa thông tin thuê bao di động với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo yêu cầu của nhà mạng (nếu không thực hiện đồng bộ sẽ bị khóa sim – PV) thì tình trạng người gọi làm phiền còn nhiều hơn”, anh Đinh Ngọc Thạch (ngụ Quận 7, TP.HCM) chia sẻ.

Thực tế, việc thông tin cá nhân bị lộ lọt thì không mới nhưng ngày càng phổ biến và nghiêm trọng, dù nhiều vụ việc đã bị khởi tố, nhiều cảnh báo cũng được cơ quan chức năng chuyển tới người dân. Không chỉ dừng lại ở gọi điện làm phiền mời mua nhà, mua đất, bán dịch vụ… mà còn cả đe dọa, tống tiền, lừa đảo.

luu-binh-nhuong-1909-1698209255.jpg
Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, hành vi thu thập thông tin cá nhân của người khác là hành vi phạm pháp luật. Đặc biệt, những thông tin công dân khai báo khi làm căn cước công dân cần được cơ quan quản lý có trách nhiệm bảo mật và cần làm rõ nếu có sự rò rỉ thông tin (nếu có).

Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo nhận được phản ánh của bà Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1992, ngụ quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) về việc bị một người không quen biết sử dụng thông tin cá nhân mà bà cung cấp khi làm căn cước công dân rồi gửi lại cho bà với mục đích đe doạ.

Cụ thể, khoảng 22 giờ ngày 10/10/2023, bà Nhung có nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 098577xxxx. Qua trao đổi, chủ thuê bao 098577xxxx cho rằng bà Nhung có sản xuất một video trên trang mạng xã hội về Bệnh viện Thẩm mỹ JT Angel (852 - 852A An Dương Vương, Phường 13, Quận 6, TP.HCM) gây ảnh hưởng đến công việc của họ và yêu cầu bà Nhung gỡ video trong vòng 24 giờ, nếu không sẽ làm việc với bà Nhung bằng pháp luật.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 11/10/2023, một tài khoản Facebook có tên là "Nhã Lê AnaLee" (đường link Facebook là https://www.facebook.com/analeenhale) tự xưng là CEO Bệnh viện Thẩm mỹ JT Angel bình luận vào trang Facebook cá nhân của bà Nhung với lời lẽ thiếu thiện chí.

Tới lúc 18 giờ 40 phút cùng ngày, một tài khoản có tên "Nhã Lê Ana CEO JT Angel" đã gửi một file hình ảnh trong đó có đầy đủ thông tin cá nhân và thân nhân của bà Nhung qua Zalo cho chính chủ.

Nội dung của file hình ảnh này bao gồm ảnh cá nhân được chụp khi bà Nhung làm căn cước công dân, tất cả các thông tin của bà Nhung và bố mẹ ở quê bao gồm địa chỉ, quê quán, số CCCD, số điện thoại…

“Tôi khẳng định không để lộ bất kỳ thông tin cá nhân cho bên khác. Các nội dung dữ liệu mà tài khoản “Nhã Lê Ana CEO CT Angel” chỉ được tôi cung cấp khi làm căn cước công dân. Do đó, tôi nghi ngờ rằng, việc quản lý dữ liệu cá nhân của tôi đã bị lộ lọt ra ngoài để cho người không có thẩm quyền dễ dàng tiếp cận và thu thập với mục đích xấu”, bà Nhung nói.

“Nếu thông tin bị lộ vì lý do kỹ thuật, cơ quan chức năng cần làm rõ nguyên nhân và thời điểm, ngoài tài khoản này thì còn những tài khoản nào bị lộ? Nếu không phải lý do kỹ thuật mà có người cung cấp thì cơ quan chức năng cũng cần điều tra làm rõ, bởi thông tin không tự dưng trên trời rơi xuống”, ông Nhưỡng nói.

Theo Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân, dẫn đến bị kẻ xấu lợi dụng đã được dự liệu khi xây dựng chính sách. Do đó, cần phải mở một cuộc điều tra, làm rõ xem họ lấy thông tin cá nhân người khác ở đâu. Ông Nhưỡng từng phát biểu về nguy cơ lộ thông tin, dữ liệu công dân trước Quốc hội và nhiều cử tri từng rất lo lắng việc thông tin về đời tư, các mối quan hệ, công việc… của họ bị lộ, trở thành chiến lợi phẩm cho kẻ xấu.

“Đây là nguồn tài nguyên đặc biệt, nếu bị sử dụng trái pháp luật thì có thể huỷ hoại thanh danh, sự nghiệp của một con người. Do đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt Bộ trưởng Bộ Công an cần có chỉ đạo xử lý nghiêm khắc vụ việc này”, ông Nhưỡng nói.

Cần có các chế tài nghiêm khắc hơn

Theo luật sư Đặng Văn Dũng – Đoàn luật sư tỉnh Đồng Nai, hành vi thu thập, mua bán, trao đổi, sử dụng trái phép thông tin cá nhân tùy vào mức độ vi phạm và thiệt hại gây ra, hành vi trao đổi, mua bán thông tin cá nhân mà không được chủ sở hữu cho phép có thể bị xử lý dân sự hay hình sự.

jt-angel-1519

Tài khoản "Nhã Lê Ana CEO JT Angel" gửi thông tin cá nhân của bà Nhung cho chính chủ kèm những lời lẽ thiếu thiện chí.

Cụ thể: Phạt tiền từ 10 – 70 triệu trong trường hợp hành vi thu thập trái phép thông tin cá nhân, mua bán, sử dụng trái phép thông tin cá nhân mà chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, chưa được xác định là nguy hiểm cho xã hội thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CO.

Các đối tượng truyền đưa, sử dụng trái phép thông tin cá nhân mà gây tác động tiêu cực đến xã hội, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại điều 288 bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể: Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 1 tỷ đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tùy mức độ, tính chất, quy mô vụ việc. Người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Ngoài Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã quy định khái quát chung về quyền bất khả xâm phạm đối với thông tin cá nhân và chế tài xử phạt, ngày 17/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Trong đó, nêu rõ cơ quan chuyên trách bảo vệ dữ liệu cá nhân là Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) có trách nhiệm giúp Bộ Công an thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đó, các cơ quan này bằng biện pháp quản lý, biện pháp kỹ thuật, biện pháp điều tra, tố tụng và các biện pháp khác có trách nhiệm thực hiện bảo vệ dữ liệu cá nhân.

"Mua bán dữ liệu cá nhân hay lộ lọt thông tin không còn là vấn đề mới tại Việt Nam nhưng ngày càng phức tạp, quy mô lớn, công khai. Đặc biệt là với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ và thương mại điện tử, có lẽ các chế tài pháp luật vẫn chưa đủ tính răn đe trước mối lợi mà hành vi vi phạm đem đến.

Tôi cho rằng cần các quy định rõ ràng hơn, đủ sức răn đe với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật với các hành vi trao đổi, buôn bán, làm lộ thông tin cá nhân khi không được phép", luật sư Dũng nhận định.

Trần Ân