Thái Nguyên: “Bán lúa non”, chính quyền đã áp dụng luật nào?

Bùi Hợp
Khu đất vẫn còn là các ruộng lúa, hoa màu chưa được xây dựng cơ sở hạ tầng đã được UBND thành phố Thái Nguyên chia lô bán đấu giá, cấp bìa đỏ. Những người am hiểu luật pháp rất bức xúc đặt câu hỏi: Không hiểu chính quyền đã áp dụng luật nào?

Theo hồ sơ bạn đọc cung cấp, Dự án khu đô thị mới phường Túc Duyên, thành phố Thái Nguyên (Khu nhà ở Thăng Long) được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long thực hiện với tổng diện tích là 19,8ha; Quy mô dân số khoảng 1.700 người (khoảng 460 lô đất nhà ở); Tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đến hết năm 2018, dự án phải hoàn thành hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội khu đô thị, chuyển giao cho chính quyền địa phương.

Do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Khai thác khoáng sản Thăng Long thực hiện dự không đúng tiến độ, không đáp ứng yêu cầu của UBND tỉnh Thái Nguyên, vì vậy ngày 10/8/2020, UBND tỉnh Thái Nguyên ra quyết định “chấm dứt hoạt động, thu hồi dự án đầu tư đường Xuân Hòa kéo dài phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên theo hình thức đối tác công tư (PPP) – Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT) và dự án Khu nhà ở Thăng Long”.

5853_image001
Toàn bộ quy hoạch Khu dân cư tổ 14, phường Túc Duyên đến thời điểm này vẫn là ruộng, đất vườn.

Trên thực tế, dự án này mới gần thực hiện xong bước giải phóng mặt bằng và chưa thực hiện xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như quy hoạch tỷ lệ 1/500 đã được phê duyệt. Tuy nhiên, ngày 02/10/2020, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Văn bản số 3845/UBND-KT: “Giao cho UBND thành phố Thái Nguyên tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại Dự án Khu dân cư tổ 14, phường Túc Duyên (Khu nhà ở Thăng Long)...”. Theo đó, hàng trăm lô đất trên giấy đã được các cá nhân mua và được cấp bìa đỏ do Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên Nguyễn Văn Tuệ ký, ghi rõ: “Đất ở tại đô thị”.

Trước việc làm của UBND thành phố Thái Nguyên, dư luận cho rằng, đây là quyết định chưa đúng pháp luật. Nhưng ông Nguyễn Văn Tuệ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên khi trả lời báo chí khẳng định rằng, thành phố áp dụng Khoản 1, Điều 119 Luật Đất đai năm 2013 quy định về điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất. Trong đó, Điểm b, Khoản 1 quy định “Đất đã được giải phóng mặt bằng, đất có tài sản gắn liền với đất mà tài sản thuộc sở hữu nhà nước”. Ông Nguyễn Văn Tuệ khẳng định: “trong quy định thì cũng không ai nói là một dự án phải bồi thường hết sạch mới cho đi đấu giá...”. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng cho rằng Luật Đất đai không quy định phải làm hạ tầng xong mới được đấu giá... nếu có thì phải chờ sửa đổi Luật Đất đai rồi đưa điều kiện này vào.

Tuy nhiên, là người áp dụng và thực thi pháp luật nhưng ông Nguyễn Văn Tuệ - Phó Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên thực sự không hiểu pháp luật hay “cố tình” hiểu sai pháp luật? Bởi khu đất đã được thành phố Thái Nguyên mang ra đấu giá là một dự án khu dân cư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Như vậy, việc đấu giá để bán nền xây dựng nhà ở không chỉ tuân thủ Luật Đất đai 2013 mà còn phải tuân thủ theo Luật Nhà ở 2014. Trong Luật Nhà ở 2014, quy định đất nền đủ điều kiện để bán rại Điểm b, Khoản 2 Điều 17 của Luật Nhà ở: “Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ tại khu vực nông thôn”.

Trong Khoản b, Điều 41, Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai cũng quy định: “Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải”.

Trả lời Truyền hình VTV, Luật sư Phạm Thanh Bình đưa ra ý kiến rất hay rằng: “Một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trúng đấu giá mấy chục lô đất, mà khi tiến hành bán cho người tiêu dùng thì bắt buộc phải làm cơ sở hạ tầng. Nếu không làm cơ sở hạ tầng thì các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương “thổi còi”, nhưng chính những cơ quan đó khi đứng ra bán đấu giá đất thì người ta lại bỏ qua điều kiện về cơ sở hạ tầng, nên dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất.”.

Qua vấn đề trên, UBND tỉnh Thái Nguyên cũng cần làm rõ trách nhiệm trong việc thi hành pháp luật đối với dự án nêu trên. Đồng thời xem xét lại việc trả lời của một lãnh đạo thành phố trước công luận. Đây có phải là do năng lực cán bộ hay vì động cơ mục đích nào khác?

Theo Báo Xây Dựng

Xem thêm: Điều kiện để được mở bán đất nền dự án