Đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ
Trong các trường đại học có nhiều công trình nghiên cứu của cán bộ giảng dạy, các nhà nghiên cứu có tính sáng tạo so với trình độ kỹ thuật trên thế giới nhưng lại không đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ với nhiều lý do. Điều này làm cho các tài sản trí tuệ của các nhà khoa học không được bảo hộ theo pháp luật và nguy cơ bị “ăn cắp” bản quyền dễ xảy ra, đặc biệt những giải pháp khó giữ được bí quyết. Thực tế, trong những năm qua, việc đăng ký sở hữu trí tuệ của các nhà khoa học trong các trường đại học rất hạn chế, nhất là những tài sản trí tuệ phải đăng ký mới xác lập quyền và bảo hộ theo pháp luật (như các phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích,…) hoặc để giảm thiểu nghĩa vụ chứng minh quyền (tác phẩm, ghi hình, ghi âm,…). Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu Trí tuệ thì tính đến hết năm 2006 đã có 18.157 đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ, trong đó có khoảng 2.106 của Việt Nam (chiếm khoảng 11,5 %), của nước ngoài chiếm 88,5 %. Số lượng bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp cho người Việt Nam là 9,9 %, cho người nước ngoài là 90,1%. Từ số liệu trên cho thấy, mặc dù ở nước ta hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ ngày càng được hoàn thiện, thủ tục đăng ký được đơn giản hoá nhưng sự quan tâm đăng ký bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ của các nhà khoa học nói chung và các nhà khoa học trong các trường đại học nói riêng chưa trở thành thói quen và nhu cầu.
Thông tin về khoa học công nghệ không cập nhật
Thông tin về khoa học công nghệ đã trở thành sở hữu của nhân loại. Nếu thiếu thông tin sẽ cản trở hoạt động sáng tạo. Trong thực tế, nhiều nhà khoa học đăng ký đề tài, nhiệm vụ khoa học công nghệ nhưng không quan tâm đến thông tin về sở hữu trí tuệ. Các cá nhân, các tổ chức chưa có thói quen và nhu cầu sử dụng thông tin sáng chế trước khi nghiên cứu đề tài dẫn đến trong quá trình sáng tạo các kết quả nghiên cứu còn thấp hoặc trùng lắp với những giải pháp công nghệ đã được bộc lộ trong dữ liệu thông tin về sáng chế. Theo thống kê, hàng năm chỉ có khoảng 200 người quan tâm khai thác thông tin về sáng chế mặc dù đã có hệ thống thông tin sáng chế. Chúng ta đã biết, việc đăng ký (xác lập quyền) hoặc công bố rộng rãi các kết quả nghiên cứu trong các trường đại học không chỉ mang lại lợi ích cho các nhà khoa học, các trường đại học mà còn bổ sung vào kho tài sản trí tuệ của nhân loại. Trên cơ sở đó các nhà khoa học, các tổ chức có thể tra cứu khi chọn đề tài, nhiệm vụ khoa học,… tránh sự trùng lắp tốn kém tiền bạc, công sức nhưng không mang lại hiệu quả. Theo chúng tôi, ngoài hệ thống thông tin sáng chế/giải pháp hữu ích của Cục Sở hữu Trí tuệ thì các thông tin về khoa học công nghệ cần được công khai thành hệ thống mang tính chất chuyên môn hoá theo từng lĩnh vực, các dự án nghiên cứu triển khai,… để tra cứu thuận lợi nhất. Hiện nay Cục Sở hữu Trí tuệ đã xây dựng các thư viện sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bình Định với các trang bị công cụ và sáng chế cần thiết, song cần thiết có sự thông báo rộng rãi tới những người có nhu cầu và hướng dẫn tra cứu và ứng dụng thông tin.
Các trường chưa có cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Các nhà khoa học trong các trường đại học chỉ tập trung vào nghiên cứu tạo ra tài sản trí tuệ mà hoàn toàn không biết hoặc không quan tâm đến thủ tục đăng ký xác lập quyền đối với các tài sản đó. Hiện tại, đa số các trường đại học không có bộ phận chuyên trách hoặc trung tâm sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ để tư vấn hoặc thực hiện đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, làm cầu nối giữa các nhà khoa học với các doanh nghiệp,… Kinh nghiệm của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã thành lập và đưa vào hoạt động Tổ Sở hữu trí tuệ trực thuộc phòng Khoa học Công nghệ từ năm 2006, hoạt động rất có hiệu quả. Cũng từ kinh nghiệm của trường này, do không đăng ký bảo hộ nên công trình lò gạch liên tục kiểu đứng, thùng đựng rác bằng composite đã mất bản quyền chỉ sau một lần chuyển giao công nghệ. Theo số liệu thống kê trước khi tổ này ra đời có 20 sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp bằng, từ khi thành lập đã hỗ trợ thủ tục cho 30 sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp bằng và 15 nhãn hiệu với chủ sở hữu là trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Thực tế, việc văn phòng (trung tâm) sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ còn rất mới mẻ trong các trường đại học đã tạo ra rào cản vô hình cho quá trình thương mại hoá các kết quả nghiên cứu của giảng viên và không khuyến khích năng lực sáng tạo và khả năng phát triển ý tưởng trong sinh viên.
Theo Thầy Đoàn Đức Lương, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế