Thanh Hóa nói chung và huyện Quan Hóa nói riêng, là mảnh đất địa linh nhân kiệt được thiên nhiên ban tặng cho đất và người nơi đây với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng, đây là nguồn lực, tài sản để phát triển. Quan Hóa là huyện miền núi phía tây tỉnh Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 99,069,88 ha, huyện có diện tích tự nhiên đứng thứ 2, chiếm 8,8% của tỉnh.
Tài nguyên đất là nguồn lực quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội chính vì vậy việc quản lý, quy hoạch, sử dụng tài nguyên đất được huyện, Phòng tài nguyên môi trường của huyện triển khai, sử dụng theo đúng trình tự, nội dung pháp luật quy định, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế của địa phương. Đặc biệt việc lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất theo từng năm, từng giai đoạn, cấp giấy quyền sử dụng đất cho cá nhân tổ chức được huyện chỉ đạo quyết liệt, sát sao. Tuy diện tích đất tự nhiên rộng đứng thứ 2 của tỉnh nhưng chủ yếu là đồi núi cao, dốc nên diện tích đất thổ cư lại rất hạn chế chính vì vậy việc quy hoạch đất thổ cư được huyện chỉ đạo các xã, thị trấn phải thận trọng trong quy hoạch và cấp quyền sử dụng.
Trong lịch sử cũng như hiện nay, Quan Hóa có vị trí địa lý vô cùng quan trọng trong sự phát triển chung của đất nước cũng như tỉnh Thanh Hóa, bởi lẽ nơi đây từng là một trung tâm chính trị - xã hội quan trọng trong lộ trình Tây tiến từ đồng bằng duyên hải Thanh Hóa lên phía thượng Lào, nơi hội tụ các dòng sông lớn như sông Mã, sông Luồng, sông Lò, là con đường giao thương chủ đạo, là huyết mạch giao thông đường thủy để chung chuyển hàng hóa giữa miền núi và miền xuôi, từ đồng bằng ven biển Thanh Hóa đến vùng núi cao biên giới Việt - Lào. Vì vậy nó có vai trò vô cùng quan trọng sự phát triển của tỉnh, các huyện miền núi phía tây như Cẩm Thủy, Bá Thước, Quan Sơn nói chung và Quan Hóa nói riêng.
Không chỉ vậy, Quan Hóa còn nằm ở thượng nguồn của các con sông, suối nên việc sử dụng bảo vệ tài nguyên nước được huyện đặc biệt quan tâm bởi để những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến môi trường, ô nhiễm nguồn nước thì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân phía hạ du. Để phát triển kinh tế địa phương, phát huy sử dụng có hiệu quả nguồn nguyện liệu tre, luồng, vầu… nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc, Quan Hóa đã chấp thuận cho khoảng 30 cơ sở chế biến lâm sản. Do diện tích đa phần là đồi núi dốc nên các cơ sở chể biến lâm sản chủ yếu xây dựng ven các con sông, suối như sông Mã, sông Lò, sông Luồng…
Để đảm bảo về môi trường, bảo vệ nguồn nước phía thượng nguồn, chính quyền địa phương, đặc biệt là phòng tài nguyên môi trường của huyện đã yêu cầu các cơ sở chế biến phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải và cam kết các quy định về bảo vệ môi trường.
Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy định và bảo vệ môi trường. Khi có dấu hiệu vi phạm, cố tình vi phạm làm ảnh hưởng đến môi trường, đặc biệt trong thời gian vừa qua trước những thông tin cá lồng nuôi và thủy sản tự nhiên trên sông Mã chết bất thường khiến người dân nghi ngờ về việc xả thải trộm của các cơ sở sản xuất trên thượng nguồn.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã lập đoàn công tác liên ngành do đồng chí Trương Nho Tự, Phó BT, chủ tịch UBND huyện làm trưởng đoàn trực tiếp chỉ đạo đã tiến hành tổng kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở, hộ gia đình chế biến lâm sản, ngâm ủ bột giấy trên địa bàn huyện.
Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra hồ sơ thủ tục về bảo vệ môi trường, kiểm tra hệ thống xử lý nước thải, kiểm tra xem xét cơ sở nào lén lút xả thải chưa qua xử lý ra môi trường. Khi phát hiện được sẽ cương quyết xử lý theo đúng quy định. Qua đợt kiểm tra đoàn đã phát hiện 6 doanh nghiệp, hợp tác xã có hành vi chôn đường ống ngầm xả thải trái phép ra sông Mã vì vậy huyện đã yêu cầu tất cả phải phá hủy, đào bỏ hoặc đổ bê tông tươi vào các đường ống chôn trái phép để ngăn chặn việc tiếp tục xả thải, đồng thời đề nghị UBND tỉnh ra quyết định đình chỉ hoạt động đối với các doanh nghiệp sản xuất giấy, ngâm ủ bột giấy không đủ điều kiện hoạt động.
Từ việc tuyên truyền, tăng cường công tác quản lý, quyết liệt trong xử lý công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ và sử dụng nguồn tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản… sẽ được sử dụng hiệu quả theo đung quy hoạch lộ trình phát triển.
Tuy nhiên do điều kiện về kinh tế địa phương, ý thức thói quen của đồng bào nên công tác quản lý TN và MT còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực về đất đai chưa được khai thác và sử dụng hết thế mạnh, cơ sở hạ tầng hệ thống xử lý nước, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, khu công nghiệp tập trung chưa đồng bộ.
Ý thức của một số cá nhân, tổ chức, chủ doanh nghiệp chưa cao, còn nhiều hạn chế trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong việc bảo vệ môi trường.
Để khắc phục tình trạng trên, Ông Trương Công Tuấn, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện cho rằng: Trước hết, cấp ủy chính quyền địa phương, các cấp, các nghành quyết liệt hơn nữa trong công tác quản lý, chỉ đạo, kểm tra, thanh tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời những vi phạm… Đồng thời đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhân dân về việc sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường. Có như vậy mới sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường, đây là nguồn lực, là nền tảng để huyện phát triển bền vững, sớm thoát nghèo.
Nguyễn khang