Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Afghanistan đã tăng từ 4,055 tỷ USD hồi năm 2002 lên 20,561 tỷ USD vào năm 2013, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế Afghanistan đã chậm lại đáng kể từ năm 2014. Tăng trưởng GDP của Afghanistan giảm từ khoảng 14% hồi năm 2012 xuống còn 1,5% vào năm 2015.
Đến năm 2016, nền kinh tế Afghanistan ghi nhận sự phục hồi, nhưng lại tiếp tục suy thoái vào năm 2020 do sự bùng phát của dịch Covid-19 và gia tăng bất ổn trong nước làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu. Lúa mì là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Afghanistan.
Nông nghiệp chiếm khoảng một nửa hoạt động kinh tế ở Afghanistan, đồng thời đóng góp 50% tổng số việc làm ở quốc gia này. Thế nhưng, tình trạng thiếu đầu tư vào các kho lạnh và cơ sở đóng gói đã kìm hãm khả năng tăng giá trị xuất khẩu trái cây và rau quả của Afghanistan. Một số thống kê cho hay ít nhất 1/4 sản phẩm nông nghiệp của nước này bị suy giảm chất lượng sau khi thu hoạch đến mức không thể bán được.
Sau nông nghiệp, nguồn thu nhập chính của Afghanistan đến từ viện trợ nước ngoài, vốn đóng góp khoảng 3/4 chi tiêu của Chính phủ quốc gia Trung Đông này.
Đặc biệt, cây thuốc phiện mới là cây được trồng nhiều tại Afghanistan. Việc buôn bán thuốc phiện được cho là một nguồn thu lớn của nước này (ước tính tương đương 20% GDP).
Trong báo cáo về môi trường kinh doanh năm 2020, WB xếp Afghanistan ở vị trí thứ 173 trong số 190 quốc gia trên thế giới được khảo sát. Sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước bị hạn chế bởi nhiều yếu tố, bao gồm tình trạng mất an ninh, bất ổn chính trị, thể chế yếu kém, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, tham nhũng tràn lan và môi trường kinh doanh khó khăn.
Tính đến năm 2020, quy mô nền kinh tế Afghanistan chỉ đứng ở mức 19,807 tỷ USD. Đất nước Trung Đông này vẫn nằm trong số những nước nghèo nhất trên thế giới, GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 508,8 USD.
Trong khi đó, nền kinh tế Afghanistan đã nhận được hàng tỷ USD viện trợ từ quốc tế, đặc biệt là Mỹ trong 2 thập niên qua. Thế nhưng phần lớn số tiền viện trợ nước ngoài đó được đổ vào việc đào tạo cảnh sát và quân đội Afghanistan. Trong khi đó, khoản chi dành cho các sáng kiến như cải thiện cơ sở hạ tầng – vốn sẽ thúc đẩy tăng trưởng dài hạn hơn – lại không lớn.
Chi tiêu cho an ninh ở nước này ở mức cao, tương đương khoảng 28% GDP vào năm 2019. Trong khi đó, con số này chỉ khoảng 3% ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp khác.
Những năm gần đây, các khoản viện trợ cho Afghanistan giảm đi nhiều vì tình trạng tham nhũng, yếu kém của chính quyền nước này và sẽ cạn kiệt khi lực lượng Taliban giữ quyền kiểm soát chính quyền.
Điều ít biết là Afghanistan rất giàu tài nguyên khoáng sản bao gồm vàng, đồng, quặng sắt, cùng lithium và coban - hai thành phần quan trọng để sản xuất pin xe điện. Cách đây khoảng 10 năm, lượng khoáng sản tại Afghanistan được ước tính có tổng trị giá vào khoảng 1.000 tỷ USD.
Thế nhưng khả năng khai thác những nguồn tài nguyên đó của Afghanistan bị hạn chế do thiếu cơ sở hạ tầng giao thông, lưới điện và chuyên môn kỹ thuật.
Bên cạnh đó, sự giàu có về khoáng sản này cũng không giúp ích gì nhiều cho Afghanistan. Phần lớn hoạt động khai khoáng trong nước là bất hợp pháp. Việc này đã hạn chế nguồn thu vốn đã ít ỏi của chính phủ nước này.
Nhật Linh
Nhật Linh
Link nội dung: https://btoday.vn/kinh-te-afghanistan-the-nao-truoc-khi-taliban-chiem-chinh-quyen-a924.html