Nguyên nhân gây ra nổ lốp
Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng nổ lốp ôtô, trong đó bao gồm các nguyên nhân chính sau:
Lốp ôtô bị quá tải chạy tốc độ cao
Việc chở quá tải đã vô tình đặt lốp xe vào trong tình trạng “giới hạn tải trọng cực đại”. Lúc này, nhiệt sinh ra trong quá trình ma sát với mặt đường và việc di chuyển qua các đoạn đường lồi lõm sẽ đẩy sức chịu đựng của vỏ đi quá giới hạn. Do đó, tình huống xe ôtô bị nổ lốp là điều khó tránh khỏi.
Lốp xe ôtô lâu không thay
Đến điểm giới hạn và khi vận hành ở tốc độ cao, các tác nhân nhiệt độ, áp suất và sức chịu tải sẽ gây nổ lốp ôtô. Ảnh: Tuấn Phùng
Lốp xe ôtô bị thiếu hơi
Theo nguyên lý hoạt động của xe, áp suất không khí trong lốp ôtô không những có nhiệm vụ nâng toàn bộ trọng lượng của xe mà còn phải nâng trọng lượng của hành khách và hành lý.
Lốp xe thiếu hơi dẫn đến việc vỏ xe phải gánh thêm sức nặng khiến các thành phần cấu tạo lốp bao gồm: Dây thép, caosu, gai lốp và cả tanh lốp phải hoạt động quá sức. Ngoài ra, thiếu hơi sẽ khiến lốp xe bị nóng, lại thêm diện tích ma sát giữa lốp và mặt đường sẽ gây nên tình trạng quá nhiệt và dễ phát nổ.
Hỏng La-zăng
Mép la-zăng bị hư hại hay có khuyết tật khiến cho lốp ôtô bị cào xước trong quá trình sử dụng. Các vết cào xước nhiều và sâu quá sẽ không chịu đựng được áp suất nên bị nổ lốp.
Lốp bơm căng quá hoặc bơm không đủ áp suất
Lốp xe bơm quá căng hoặc bơm không đủ áp suất cũng là nguyên nhân dễ gây nên nổ lốp, bởi vì khi lốp bơm quá căng mà đi trong khu vực đường xóc nảy khiến lốp xe dễ bị nổ và xịt.
Cách xử lý khi xe ôtô bị nổ lốp
Bước đầu tiên người lái cần làm là giữ bình tĩnh, không được hoảng loạn mất phương hướng. Tuyệt đối không đạp phanh hoặc đánh tay lái về ngược lại với phía mà xe bị nghiêng, tình trạng mất cân bằng của xe sẽ thêm phần nghiêm trọng.
Tiếp theo đó là giữ vô lăng thẳng và chặt. Hiện nay đa số xe hơi hiện đại đều được trang bị hệ thống phân phối lực phanh điện tử, hệ thống cân bằng điện tử… nên khi tình trạng nổ lốp xảy ra, những hệ thống này sẽ can thiệp và đảm bảo an toàn cho xe.
Khi kiểm soát được tốc độ, tài xế hãy nhanh chóng di chuyển xe vào khu vực an toàn và dừng xe lại để kiểm tra. Cần chú ý bật tín hiệu xin đường như xi nhan hoặc sử dụng hệ thống đèn pha nhấp, nếu trời quá tối hoặc thiếu sáng. Cuối cùng, nếu có lốp dự phòng và dụng cụ thay lốp thì có thể tiến hành thay lốp ngay hoặc gọi cứu trợ và chờ đợi nếu không mang theo.
Cách phòng tránh xe ôtô bị nổ lốp
Sử dụng lốp có chất lượng
Nên dùng cho bánh trước loại lốp có chất lượng. Hai lốp này cùng một kích thước và mòn đều nhau. Nếu thấy gai mòn không đều nhau thì phải đi cân chỉnh tay lái hoặc đảo lốp. Hạn chế dùng lốp sơ cua để thay cho bánh trước
Kiểm tra lốp ôtô thường xuyên
Thường xuyên kiểm tra lốp bằng mắt thường trước khi bắt đầu mỗi hành trình. Bằng cách có thể đi vòng quanh xe và liếc nhanh một lượt để phát hiện những biểu hiện bất thường như lốp bị nứt, rách,…Khi mua lốp mới nên chú ý đọc ngày tháng sản xuất trên lốp. Khi thay lốp mới, tài xế nên ghi chép lại thời điểm và chỉ số km ở đồng hồ. Lốp dù có chất lượng cao cũng không nên dùng quá 80.000 km đối với xe tải và 40.000 km đối với xe du lịch
Lốp ôtô phải đúng áp suất tiêu chuẩn
Khi lốp ôtô bị non hơi sẽ làm tăng bề mặt ma sát, thành lốp bị nóng rất nhanh khi chạy ở tốc độ cao và nguy cơ bị nổ sẽ lớn hơn. Vì vậy cần bơm lốp đúng áp suất quy định. Ảnh: Văn Phong
Giảm tốc độ khi ôm cua
Khi xe đang chạy ở tốc độ cao, việc ôm cua có thể làm cho lốp bị bẻ ngang rất mạnh, khiến cho thành lốp không những phải chịu tải đè nặng, mà còn phải chịu lực xé ngang, làm tăng nguy cơ bị nổ lốp.
ANH TUẤN/Báo Lao Động
Link nội dung: https://btoday.vn/nguyen-nhan-gay-no-lop-xe-oto-cach-xu-ly-va-phong-tranh-a79.html