Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đánh giá, công nghiệp bán dẫn, vi mạch là một ngành có tiềm năng rất lớn trong tương lai về nhu cầu nhân lực trình độ cao, chất lượng cao. Ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi mức đầu tư cao và đặt ra yêu cầu về nguồn nhân lực sẵn có.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn - cho hay: “Sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là một điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam”.
Tại Việt Nam, người học và các cơ sở đào tạo vẫn có xu hướng ưu tiên lựa chọn, đầu tư vào những ngành nghề có chi phí đào tạo thấp mà thị trường lao động trước mắt có nhu cầu lớn. Vì vậy, mặc dù ngành công nghệ vi mạch bán dẫn không phải là ngành đào tạo hoàn toàn mới, đã có một số trường đại học lớn triển khai đào tạo từ nhiều năm nay, tuy nhiên số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp đến nay còn rất thấp.
Thứ trưởng nhận định: “Vòng luẩn quẩn này chính là điểm nghẽn lớn. Bên cạnh sự định hướng rõ nét nguồn nhân lực hỗ trợ tương xứng và công cụ điều phối hiệu quả của Nhà nước, rất cần sự chủ cộng của các cơ sở giáo dục đại học, kết hợp cùng các tập đoàn doanh nghiệp, nhằm đào tạo nguồn nhân lực đi trước một bước”.
Hiện Bộ GD-ĐT đang xây dựng kế hoạch hành động trong toàn ngành thúc đẩy triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, nhất là kỹ sư thiết kế vi mạch.
Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia đào tạo, tuy nhiên, số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm, có truyền thống lại còn rất ít.
Các trường Đại học tại Đà Nẵng nhìn nhận không chỉ thiếu đội ngũ nhân lực chuyên sâu, ngành công nghiệp thiết kế vi mạch, bán dẫn chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu, cơ sở vật chất chưa theo kịp sự phát triển của công nghệ, thiếu kinh phí đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nghiên cứu.
Qua đó, Thứ trưởng nhấn mạnh có nhiều việc cần phải làm nếu muốn tăng nhanh số lượng và chất lượng nhân lực công nghệ vi mạch đáp ứng yêu cầu phát triển như dự báo của các cơ quan, tổ chức. Một trong những việc đó trước hết chính là đánh giá đúng thực trạng năng lực hiện có, tiềm năng phát triển, cơ hội và thách thức.
Đồng thời, Thứ trưởng đề ra giải pháp cần đặt ra mục tiêu, kịch bản xây dựng kế hoạch đào tạo, phát triển nghiên cứu cho những năm tiếp theo và giai đoạn đến năm 2030. Trên cơ sở đó, thống nhất nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để triển khai thực hiện, làm rõ những việc các trường cần thực hiện và phối hợp thực hiện, việc gì Bộ GD-ĐT cần làm, cần kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành địa phương.
Trong đó, lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhấn mạnh nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ, chương trình đào tạo và công cụ phần mềm.
Ngoài ra, những giải pháp để thu hút những sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa những học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành, chuyên ngành này.
Xây dựng những hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp sử dụng nhân lực, các địa phương nơi có doanh nghiệp đang đầu tư hoặc sẽ đầu tư, nhằm chia sẻ tầm nhìn, kinh nghiệm, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực.
Đại diện lãnh đạo TP Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chia sẻ: “TP Đà Nẵng có một nền tảng, điều kiện rất thuận lợi trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhất là trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn”.
Đà Nẵng chọn một trong 5 lĩnh vực ưu tiên tập trung phát triển có phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số.
Năm 2022, kinh tế số chiếm 19,7% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) thành phố; có gần 2.500 doanh nghiệp công nghệ số, đứng thứ 2 sau TP. Hồ Chí Minh. Đà Nẵng xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số của thành phố chiếm tối thiểu 30% GRDP; đạt tối thiểu 8.950 doanh nghiệp, 115.000 nhân lực công nghệ số với tối thiểu 7 khu công nghệ thông tin, khu công viên phần mềm.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng khẳng định, thành phố chủ động, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực chip bán dẫn và các ngành công nghệ khác nói chung đến thành phố để hoạt động dưới nhiều mô hình khác nhau. Những mô hình đó gồm cả nghiên cứu thiết kế, đóng gói kiểm thử lẫn trong sản xuất, thương mại hóa sản phẩm.
Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, hội thảo là dịp để các đại học cùng chia sẻ định hướng, tiềm năng, thế mạnh và những hạn chế, tồn tại của mỗi đại học trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về chip bán dẫn.
Trên hết, thể hiện sự quyết tâm hợp tác, tiên phong đi đầu, cùng nhau hành động và chia sẻ nguồn lực để nâng cao hiệu quả đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, góp phần phát triển ngành công nghiệp chiến lược đầy tiềm năng.
Bảo Hòa
Link nội dung: https://btoday.vn/bo-gd-dt-dinh-huong-gi-thu-hut-nguoi-hoc-nganh-thiet-ke-vi-mach-ban-dan-a6968.html