Thời gian qua, người tiêu dùng Việt Nam thường nghe về nông sản Organic. Theo đó, nông sản Organic có thể được hiểu là những sản phẩm hữu cơ, được trồng không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón tổng hợp, bùn thải, sinh vật biến đổi gen hoặc bức xạ ion. Sản phẩm hữu cơ được sản xuất từ những nông trại chú trọng việc sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo, bảo tồn nguồn đất và nước để nâng cao chất lượng môi trường cho thế hệ tương lai.
Chính vì tính khắt khe, yêu cầu nghiêm ngặt trong quy trình sản xuất đến chế biến, bảo quản nông sản Organic được coi là thực phẩm, rau “sạch; an toàn” tuyệt đối theo quy chuẩn của các nước phát triển.
Đối với người tiêu dùng Việt Nam, trong bối cảnh thực phẩm mất an toàn vệ sinh trở thành vấn đề nóng hổi, thì nông sản Organic được rất nhiều người quan tâm. Từ đây, thị trường săn lùng nông sản Organic trở nên sôi động. Nhận thấy sản phẩm Organic đang là một cơn sốt và sẽ là hướng đi mới của ngành nông nghiệp Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã nhảy vào đầu tư làm nông nghiệp hữu cơ. Điển hình, Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam - một trong những tập đoàn lớn mạnh từ Thái Lan trong lĩnh vực công, nông nghiệp và chế biến thực phẩm đã làm Organic tại tỉnh Lâm Đồng.
Công ty CP Green (trụ sở ở xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) là thành viên của tập đoàn C.P Việt Nam, được thành lập năm 2020.
Sau 1 năm thành lập, CP Green đã bước đầu có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng với lời khẳng định về chất lượng nông sản hữu cơ. Tháng 5/2021, CP Green chính thức lên kệ chuỗi siêu thị Tops market (tiền thân là siêu thị Big C). Theo công ty này quảng cáo, người tiêu dùng TP.HCM có thể mua sản phẩm CP Green 100% Organic đã có mặt tại các cửa hàng của Tops market chi nhánh Thảo Điền và An Phú (Quận 2, TP Thủ Đức).
Tuy nhiên lúc này, một số người tiêu dùng lại đặt ra nghi vấn về vấn đề chất lượng và nguồn gốc của các sản phẩm CP Green.
“Theo tôi được biết sản lượng nông sản hữu cơ của vườn rau CP Green thực tế rất ít, cung cấp cho địa bàn tỉnh Lâm Đồng chưa chắc đủ, vậy nhưng CP Green vẫn quảng cáo là có thể cung cấp đi cả nước. Chưa kể trên một số hội nhóm về nông sản hữu cơ, nhiều chủ trang trại còn cho rằng CP Green mua nông sản bên ngoài về đóng gói thành thương hiệu của họ, nhập bán xuống thành phố”, chị Hoàng Thị N. - một người tiêu dùng tại TP.HCM chia sẻ.
Theo tìm hiểu của PV Sohuutritue.net, diện tích canh tác của CP Green tại huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) được Tổ chức Control Union (cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận hữu cơ) chứng nhận khoảng 8.000m2. Với diện tích như trên, sản lượng nông sản hữu cơ có nguồn gốc từ vườn không thể vượt quá 20% tổng sản lượng sản phẩm CP Green cung cấp cho thị trường. Để phục vụ mục đích thương mại hóa, CP Green thu mua thêm nông sản canh tác bên ngoài của các hộ nông dân, nhà cung cấp trung gian bên ngoài.
Trong quá trình thương mại hóa, CP Green đã thực hiện phân loại hàng hóa bằng 2 mẫu tem “100% Organic” và “Non - Organic”. Tuy nhiên, nhiều khách hàng lại không biết và không để ý đến thông tin này, vì tem của sản phẩm “Non - Organic” không thể hiện rõ thông tin đó là sản phẩm không hữu cơ.
Trong khi đó, trước thời điểm tháng 6/2021, CP Green cũng chưa từng lên tiếng về việc phân biệt thông tin 2 loại nông sản.
Ngoài ra, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng cũng thường xuyên xảy ra tình trạng nông sản Trung Quốc trà trộn, “đội lốt” thương hiệu Đà Lạt. Đây cũng là dấu hỏi cho chất lượng và nguồn gốc mà Công ty CP Green nhập về.
Trả lời PV Sohuutritue.net, Công ty C.P Việt Nam cho biết, diện tích canh tác của CP Green được chứng nhận đạt chuẩn là 0,9ha. Sản lượng rau hữu cơ mà CP Green thu được từ số diện tích trên là 400 kg - 500 kg/ tuần, theo từng thời điểm thu hoạch. Công ty hiện đang kinh doanh 2 dòng sản phẩm riêng biệt là Organic và Non - Organic.
“Chỉ dẫn 100% Organic là chỉ dẫn chỉ được gắn trên bao bì của các các sản phẩm thuộc dòng Organic (hữu cơ) để thể hiện tính chất hữu cơ 100% của sản phẩm. Bao bì sản phẩm thuộc dòng Non - Organic (không hữu cơ) không được gắn chỉ dẫn 100% Organic. Chúng tôi cùng lúc thực hiện hoạt động kinh doanh cả ở mảng sản phẩm Organic (hữu cơ) và non – organic (không hữu cơ). Chỉ dẫn 100% Organic chỉ để thể hiện tính chất hữu cơ tuyệt đối của dòng sản phẩm hữu cơ do công ty tự trồng và không có ý nghĩa là toàn bộ sản phẩm chúng tôi cung cấp đều thuộc dòng Organic”, Công ty C.P Việt Nam cho biết.
Cũng theo C.P Việt Nam, các sản phẩm Non - Organic của công ty này được liên kết trồng tại các hợp tác xã và hộ nông dân, được kiểm soát nguyên liệu đầu vào theo quy trình một chiều, sơ chế trong khu vực riêng tách biệt về không gian, sản phẩm được kiểm tra mẫu định kỳ và ngẫu nhiên.
“Hai dòng sản phẩm CP Green được phân biệt bằng tên gọi, mã code sản phẩm, tem nhãn, khu vực sơ chế đóng gói, dụng cụ sơ chế, đóng gói tách biệt”, C.P Việt Nam khẳng định.
Về nguồn gốc sản phẩm CP Green, Công ty C.P Việt Nam cho biết, căn cứ vào cam kết từ các nhà cung cấp, định kỳ đội ngũ kỹ thuật của CP Green sẽ đi thăm vườn, vùng nguyên liệu dựa theo các thông tin mà nhà cung cấp, hộ nông dân cung cấp. Hằng ngày, CP Green cũng đều lưu mẫu theo từng lô hàng để đối chiếu khi có vấn đề phát sinh.
“Mỗi đại lý, nhà phân phối của CP Green đều được quản lý thông qua một Code khách hàng. Ngoài ra, số lượng sản phẩm được truy xuất thông qua phiếu xuất kho, đơn đặt hàng của từng khách”, Công ty C.P Việt Nam cho biết.
Sau khi nhận được phản ánh, trong thời gian sắp tới, CP Green sẽ cho ra mắt tem phân biệt Non-Organic nhằm thay thế tem tròn dán sản phẩm.
Nhật Linh
Theo Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo
Nhật Linh
Link nội dung: https://btoday.vn/san-pham-cp-green-khong-co-nguon-goc-100-nong-san-huu-co-a696.html