Tuy nhiên, các sàn thương mại điện tử hiện nay đang đối mặt với lỗ hổng lớn trong quản lý các sản phẩm này, tiềm ẩn rủi ro cho người tiêu dùng. Cụ thể, trên tất cả các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki… các sản phẩm bao cao su không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm nhãn hiệu vẫn đang được lưu hành công khai ở các gian hàng thường và gian hàng chính hãng. Nhiều sản phẩm thuộc phân loại vật tư y tế loại B, C cũng không tìm thấy số đăng ký lưu hành khi tra cứu trên cổng thông tin quản lý trang thiết bị y tế - Dmec: https://dmec.moh.gov.vn/.
Như vậy có thể thấy, sự thiếu vắng một cơ quan giám sát độc lập, để lại gánh nặng quản lý cho chính các sàn giao dịch, tạo điều kiện cho vấn nạn hàng giả, hàng nhái hoành hành.
Nguyên nhân khiến sai phạm hàng hóa trên sàn thương mại điện tử ngày càng nghiêm trọng
Quy định hiện hành cho việc đăng bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử khá lỏng lẻo, không đủ sức ép. Vì vậy các đơn vị kinh doanh chưa tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm y tế.
Cụ thể, một vài lỗ hổng trong luật và quy định của sàn thương mại điện tử như sau:
Chưa có liên thông dữ liệu sàn thương mại điện tử với các cơ quan quản lý nhà nước
Đến thời điểm hiện tại, việc liên thông dữ liệu giữa các sàn và cơ quan nhà nước vẫn chưa được quy định chi tiết trong pháp luật Việt Nam. Các văn bản pháp luật hiện hành vẫn chưa cập nhật kịp thời để phản ánh và quản lý hiệu quả hoạt động của các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ quan quản lý và các sàn thương mại điện tử còn nhiều bất cập, chưa đủ khả năng để triển khai một hệ thống liên thông dữ liệu hiệu quả và an toàn.
Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lực cả về nhân sự lẫn kỹ thuật để thiết lập và duy trì một hệ thống liên thông dữ liệu.
Một số doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến, bao gồm cả người bán lẫn sàn thương mại điện tử, còn thiếu ý thức trong việc tuân thủ các quy định pháp luật, đặc biệt là trong việc cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý khi xảy ra các vi phạm ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà bán và người tiêu dùng trên sàn TMĐT.
Các sàn thương mại điện tử có thể lo ngại rằng việc chia sẻ thông tin với nhà nước có thể ảnh hưởng đến lợi ích kinh doanh hoặc tạo lợi thế cho đối thủ cạnh tranh nếu những dữ liệu này không được bảo mật một cách nghiêm ngặt.
Việc liên thông dữ liệu còn đòi hỏi sự phối hợp giữa nhiều cơ quan nhà nước nhưng hiện tại sự phối hợp này vẫn còn rất hạn chế.
Để giải quyết tình trạng này, cần có những bước tiến quan trọng từ phía nhà nước trong việc xây dựng khung pháp lý rõ ràng, đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, và tăng cường năng lực giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Quy định lên shop chính hãng trên sàn còn khá lỏng lẻo
Quy định lên shop chính hãng (Shop mall) trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay đang cho thấy nhiều lỗ hổng, góp phần tạo điều kiện cho các hành vi cố ý xâm phạm nhãn hiệu để trục lợi.
Do quy định lỏng lẻo về đăng bán shop chính hãng chỉ cần có giấy chấp nhận đăng ký nhãn hiệu hợp lệ về mặt hình thức được cấp bởi Cục sở hữu trí tuệ thì thương hiệu đã có thể lên shop mall. Lợi dụng kẽ hở đó, các đối tượng xâm phạm đã cố tình đăng ký nhãn hiệu gây nhầm lẫn để trục lợi làm tăng uy tín khi được đăng bán dưới dạng shop mall trong khoảng thời gian 2-3 năm trước khi Cục sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp bảo hộ nhãn hiệu.
Sau đó với sự quản lý lỏng lẻo của các sàn thương mại điện tử, các sản phẩm đã xâm phạm nhãn hiệu tiếp tục được đổi tên thành sản phẩm mới mà hoàn toàn không bị mất lượt bán và đánh giá. Trong khi đó việc gia công những sản phẩm thông dụng hiện nay lại rất dễ dàng thông qua “công xưởng của thế giới”. Điều này gây thêm khó khăn chồng chất cho các nhà sản xuất nội địa Việt Nam có tham vọng gây dựng thương hiệu Việt có sức cạnh tranh lành mạnh.
Nếu chủ sở hữu thương hiệu chính hãng lại không có kiến thức để tự bảo vệ thương hiệu và không biết quy trình thực hiện giám định nhãn hiệu tại Bộ Khoa học Công nghệ thì các sàn thương mại điện tử sẽ mặc định coi đó là không có xâm phạm.
Nhãn hiệu bao cao su và gel bôi trơn OLO là một trong những nạn nhân đang phải đối mặt với vụ việc bị xâm phạm nhãn hiệu nghiêm trọng như trên.
Lỗ hổng trong quy định về quản lý tên và phân loại sản phẩm
Việc thay đổi tên sản phẩm, tên nhãn hiệu là đã làm thay đổi bản chật thật sự của sản phẩm. Đáng lẽ điều này không được phép diễn ra nhưng trên các sàn thương mại điện tử hiện nay vì một lý do nào đó mà người tiêu dùng đã bị thao túng tâm lý dựa trên lượt bán, lượt đánh giá của các sản phẩm không liên quan bằng. Cụ thể, các đối tượng kinh doanh đã tạo phân loại cho sản phẩm để tăng lượt bán sau đó xóa phân loại sản phẩm đó đi nhưng các lượt bán chung của cả sản phẩm đó lại vẫn còn duy trì mà không bị mất đi.
Hậu quả và rủi ro
Việc tiếp cận dễ dàng các sản phẩm kém chất lượng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn làm tổn hại đến uy tín của các thương hiệu đã xây dựng niềm tin nhiều năm trên thị trường, tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh.
Vì vậy cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các cơ quan chức năng trong việc giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, sàn thương mại điện tử cần tăng cường trách nhiệm giám sát người bán và sản phẩm, đặc biệt là những sản phẩm thuộc danh mục y tế như bao cao su và gel bôi trơn. Người tiêu dùng cũng cần được nâng cao nhận thức, tự trang bị kiến thức để phân biệt và lựa chọn sản phẩm chất lượng, đồng thời phản ánh ngay lập tức đến cơ quan chức năng khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu gian lận nào.
Cả người tiêu dùng và cơ quan quản lý đều cần phải đồng lòng nhằm đảm bảo rằng mọi sản phẩm bày bán trên thị trường, đặc biệt là trên các sàn thương mại điện tử, đều tuân thủ các quy định về chất lượng và an toàn sản phẩm, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Nhóm PV
Link nội dung: https://btoday.vn/thuong-mai-dien-tu-lo-hong-trong-quan-ly-chat-luong-hang-hoa-a6955.html