Ảnh hưởng chung từ sức mua của thị trường trong nước lẫn nước ngoài, doanh nghiệp Việt vẫn tìm được điểm sáng bằng cách tích cực "đi chợ" tại các triển lãm để gia tăng đơn hàng, tiếp tục đi vào kênh bán hàng tạp hóa, tập trung xuất khẩu bánh truyền thống.
Tăng trưởng từ kênh bán hàng tạp hóa
Dù các đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn thương mại điện tử phát triển mạnh trong những năm gần đây, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn tăng trưởng tốt nhờ phát triển kênh truyền thống là tạp hóa. Đơn cử, các sản phẩm gia vị của Dh Foods đã đến được khoảng 20.000 cửa hàng tạp hóa trong cả nước, giúp doanh nghiệp này tăng trưởng vượt kế hoạch.
Theo ông Nguyễn Trung Dũng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dh Foods, trước tình hình khó khăn chung, từ đầu năm, Dh Foods dự định tăng trưởng 10%, tuy nhiên vẫn có tín hiệu tích cực cho Dh Foods, hết tháng 10/2023 đã tăng trưởng gần 20% so với năm 2022.
"Đầu năm nay, chúng tôi tập trung vào hai hướng là phát triển các kênh phân phối mới như tạp hóa, sàn thương mại điện tử, B2B, xuất khẩu,...Những chi phí marketing cũng chuyển sang các kênh này. Hai là tập trung phát triển sản phẩm mới phù hợp với thị trường hiện nay", ông Dũng nói.
Hiện nay, kênh truyền thống của Việt Nam chiếm khoảng 80%. Ông Dũng cho biết đặc thù của các kênh truyền thống là các sản phẩm phải có giá rẻ, thương hiệu tốt mới dễ chinh phục khách hàng. Với doanh nghiệp này, kênh bán hàng tạp hóa tăng trưởng tốt nhất trong tất cả các kênh, tăng khoảng 50% so với cùng kì. Các sản phẩm bán chạy chủ yếu là muối ớt chanh Nha Trang, sốt BBQ,... cũng đã vào hơn 20.000 cửa hàng tạp hóa.
Bên cạnh đó, Dh Foods cũng dồn nguồn lực tham gia các triển lãm quốc tế tại Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan,... từ đó chốt được nhiều đơn hàng. Từ triển lãm, ông Dũng cho biết khách quốc tế yêu thích ẩm thực Việt Nam, qua đó cũng tìm tới gia vị Việt để chế biến tại nhà - đây cũng là cơ hội phát triển thị trường gia vị Việt.
"Hiện các quán ăn của Việt Nam đã tới được những huyện nhỏ tại Đức, các thành phố nhỏ tại Pháp, hay các vùng tập trung tại Mỹ,... Ẩm thực Việt Nam đa dạng, nổi tiếng, từ đó nhiều khách hàng tìm tới gia vị để nấu tại nhà", ông Dũng chia sẻ và cho biết thêm ở thị trường xuất khẩu, khách hàng đa số bán vào các kênh cho người bản địa, nhà nhập khẩu Việt Nam còn ít.
Hơn 3 triệu bánh truyền thống đã xuất khẩu
Với thế mạnh xuất khẩu các loại mắm như cà pháo, mắm tôm,... Sông Hương Foods tiếp tục phát triển tốt nhờ bán thêm các loại bánh truyền thống của Việt Nam.
Năm 2020, ông Lê Quốc Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Sông Hương Foods - chính thức quay về tiếp quản công ty gia đình, tập trung làm cà pháo để xuất khẩu, từ đó có những thành công nhất định.
Xuất phát là người gốc Huế, trước đó, gia đình ông Tuấn cũng mở quán bán bún bò, bánh nậm, bánh lọc… cho khách hàng nhằm thử nghiệm nhưng không duy trì được vì chi phí mặt bằng cao. Bên cạnh đó, việc bán các loại bánh cấp đông tại siêu thị ở thị trường trong nước còn hạn chế, số lượng bán được khoảng 30-40.000 cái/1 tháng.
Trong một lần, doanh nghiệp này tặng bánh kèm các loại mắm cho đối tác tại Mỹ, khách hàng thưởng thức và từ đó tìm đến bánh. Ông Tuấn bất ngờ nhận được đơn hàng đầu tiên đối tác đặt 150.000 cái, gấp 3 lần số lượng bánh bán trong nước.
"Từ đó, bánh nậm, bánh lọc trở thành sản phẩm tiếp thêm hi vọng của công ty, cho nên, chúng tôi bắt đầu phát triển thêm các loại bánh khác như bánh nậm, bánh giò nhân tôm, bánh gai, xôi khúc", ông Tuấn nói.
Hiện Sông Hương Foods có 19 món bánh truyền thống, tất cả bảo quản theo tiêu chuẩn FDA ở nhiệt độ âm 18 độ C. Ông Tuấn đặt mục tiêu mở rộng phát triển lên tới 100 món bánh truyền truyền, gồm bánh chay và bánh mặn, phần lớn là nhân tôm.
"Năm nay, sức mua cà pháo giảm nhiều, lần đầu tiên thấp nhất trong lịch sử từ khi tôi về tiếp quản công ty. Nếu không có bánh thì công ty chính thức giảm doanh số. Việc xuất khẩu bánh nhiều giúp tổng doanh số tăng 20% so với cùng kì", ông Tuấn cho biết.
Theo ông Tuấn, các sản phẩm bánh hiện đã xuất khẩu tại thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn quốc. Tại Mỹ, Sông Hương Foods với thương hiệu Út Chinh dần chinh phục được khách hàng. Lý giải về cái tên "Út Chinh", ông Tuấn cho biết nhắc tới "Út" là nhớ tới Việt Nam, "chinh" ở đây là chinh phục người Việt ở nước ngoài và chinh phục người bản địa muốn ăn sản phẩm bánh truyền thống của Việt Nam.
Hiện doanh nghiệp này chọn bánh là hướng đi chủ lực để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại và phát triển công ty sau này. Sông Hương Foods đặt mục tiêu tiếp tục xuất khẩu ở thị trường Mỹ để phục vụ kiều bào, Nhật Bản phục vụ cho du học sinh, đặc biệt tại thị trường Hàn Quốc sẽ nỗ lực chinh phục người bản địa.
Với thị trường trong nước, ông Tuấn cho biết chưa tạo được thói quen cho khách hàng ăn đồ cấp đông. Bên cạnh đó, giá thành cao so với mặt bằng chung nên khó tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này sẽ đẩy mạnh bán sản phẩm chuẩn xuất khẩu tại các siêu thị ở Việt Nam, đồng thời, tận dụng thế mạnh bán hàng cấp đông trên TikTok, giao hàng trong 48 tiếng.
Ở thị trường xuất khẩu với các loại bánh truyền thống, ông Tuấn cho biết đối tác tại Mỹ đặt hàng lên tới 300 nghìn USD dịp Tết 2024, hiện sức mua tại đây cũng chững lại. Tuy nhiên, với sản phẩm đặc thù là bánh truyền thống như bánh nậm, bánh giò, bánh gai,… doanh nghiệp này kì vọng có sự tăng trưởng. Tại thị trường nội địa, Sông Hương Foods sẽ giảm giá từ 5-20% ở nhiều mặt hàng.
Võ Liên
Link nội dung: https://btoday.vn/doanh-nghiep-vuot-kho-tim-cach-tang-truong-truoc-lan-song-suy-giam-a6874.html