Dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm do ảnh hưởng bởi Covid-19

Các chuyên gia kinh tế đều dự báo mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 sẽ giảm vì những tác động nặng nề của dịch Covid-19.

Ngân hàng Phát triển châu Á ADB ngày 20/7 đã thay đổi mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 của Việt Nam. Cụ thể, do tác động của lần bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư, mức tăng trưởng kinh tế năm 2021 dự kiến sẽ đạt 5,8% (tương đương 360,59 tỷ USD). Trước đó, vào tháng 4/2021, Ngân hàng ADB dự báo mức tăng trưởng kinh tế là 6,7% (tương đương 363,66 tỷ USD).

Các hạn chế di chuyển đã khiến Chỉ số nhà quản lý mua hàng giảm xuống 44,1 trong tháng 6/2021, mức thấp nhất kể từ tháng 5/202. Ngân hàng ADB cũng nhận định rằng, tiến độ tiêm chủng ở vực phía Nam, khu vực ảnh hưởng đến tăng trưởng lớn nhất cả nước có thể tác động đến hoạt động kinh tế trong năm 2021. Tuy nhiên, Ngân hàng ADB vẫn duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 ở mức tích cực 7%.

Theo báo cáo mới nhất của ADB, triển vọng tăng trưởng 5,8% của kinh tế Việt Nam được ADB đánh giá là cao thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau mức 6,3% của Singapore. Trong báo cáo được đưa ra hồi tháng 4, ADB dự báo Singapore sẽ tăng trưởng ở mức 6,0%, thấp hơn Việt Nam.

Như vậy, nếu tính toán theo dự báo mới, quy mô GDP năm 2021 của Việt Nam dự kiến vẫn sẽ cao hơn Singapore, nhưng khoảng cách được rút ngắn từ gần 6 tỷ USD xuống còn gần 2 tỷ USD.

tang-truong-kinh-te
Covid-19 đã tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống của Việt Nam.

Trong báo cáo này, ADB giữ nguyên dự báo cho Philippines và hạ dự báo cho Indonesia, Thái Lan cũng như Malaysia. Triển vọng tăng trưởng năm 2021 của khu vực Đông Nam Á được điều chỉnh từ 4,4% xuống còn 4,0%

Mới đây, Standard Chartered cũng đã điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ 6,7% xuống 6,5%. Ông Tim Leelahaphan - chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan của Standard Chartered nhận định rằng: Việt Nam đang trên con đường tiến tới mục tiêu trở thành trung tâm chuỗi cung ứng mang tầm khu vực, một nền kinh tế công nghiệp hiện đại và một quốc gia có thu nhập cao trong tương lai. Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trong năm 2020 đã giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Việt Nam cũng được hưởng lợi từ quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, khả năng kiếm soát dịch Covid-19 sẽ đóng vai trò quan trọng đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam trong ngắn hạn.

Dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm 2022 của Việt Nam tiếp tục được Standard Chartered duy trì ở mức 7,3% dựa trên kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ hậu Covid-19.

Nhật Linh (t/h)

Nhật Linh

Link nội dung: https://btoday.vn/muc-tang-truong-kinh-te-cua-viet-nam-giam-do-anh-huong-covid-19-a687.html