Luôn giữ được sự say mê tìm tòi cái mới, bác sĩ Phạm Thị Kim Loan - Chủ tịch Công ty Gia Thái DoctorLoan đã bảo hộ độc quyền cho các sản phẩm ở hơn 60 quốc gia trên thế giới. Nhiều sản phẩm lần lượt ra đời xuất phát từ quá trình chữa bệnh và chăm sóc người bệnh như ghế, gối ngủ, gối lưng, đệm thiền,…
Xuất phát từ thực tiễn cuộc sống
Bản thân là một bác sĩ, các sản phẩm sáng chế của bác sĩ Phạm Kim Loan bắt nguồn từ những khó khăn trong việc tư vấn phòng và điều trị cho người bệnh cột sống kéo dài. Theo bác sĩ Phạm Thị Kim Loan, nguyên nhân dẫn đến bệnh cột sống chủ yếu do thói quen, tư thế ngồi trong sinh hoạt hằng ngày. Từ đó, bác sĩ Loan nảy ra ý tưởng tạo nên các sản phẩm giúp ngăn ngừa sớm những yếu tố dẫn đến bệnh cột sống.
Sở hữu nhiều sáng chế, mỗi sản phẩm mang thương hiệu DoctorLoan đều chăm sóc một bộ phận của cơ thể con người. Bác sĩ Loan cho biết chiếc gối cổ dùng khi ngủ hay nằm nghỉ ngơi có thể bảo vệ được cấu trúc của cổ, từ đó cấu trúc cổ được giữ ở cấu trúc chuẩn, không gây biến dạng.
“Giấc ngủ của con người chiếm khoảng 1/3 cuộc đời, có 24 giờ thì chúng ta ngủ 8 tiếng, nếu trong 8 tiếng đó con người sử dụng gối cổ không đúng thì dễ gây biến dạng, xoắn vặn, xô lệch cột sống,… Nếu tình trạng này diễn ra lâu ngày thì dễ dẫn đến bệnh lý”, bác sĩ Loan nói.
Từ đó, bác sĩ Loan đã nghiên cứu và tạo ra sản phẩm gối cổ chuyên chăm sóc cổ. Bên cạnh đó, chiếc gối lưng chuyên chăm sóc lưng cũng được ra đời vì vùng lưng và cột sống lưng bị tác động liên tục 24/24 từ khi mới sinh ra, nhất là khi lái xe, ngồi làm việc. Cùng với gối cổ, gối lưng, Doctorloan còn có sản phẩm đệm thiền hay gối thiền, phục vụ cho người làm các công việc ngồi bệt dưới sàn nhà hoặc nghi lễ tôn giáo.
Có thể nói, những sáng chế của DoctorLoan hầu hết đều được lấy cảm hứng từ những điều rất thân thuộc bên cạnh con người. Bên cạnh gối, DoctorLoan còn đăng ký sản phẩm ghế sáng chế. Theo bác sĩ Loan, từ xa xưa, ghế ngồi được con người tạo ra để phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày, không có ai là chưa từng ngồi ghế. Thế nhưng trải qua bao thế kỷ chiếc ghế ngồi vẫn giữ nguyên hình dáng cơ bản của nó.
“Hầu hết những chiếc ghế thông thường đều giống nhau ở mặt ghế phẳng, điều này khiến cột sống bị cong vẹo khi ngồi. Chính vì vậy, nhu cầu sử dụng ghế hiện nay là cần phải có một thiết kế thích ứng với cơ thể con người, bảo vệ cấu trúc cơ thể con người trong hình dạng tốt nhất. Nắm bắt nhu cầu đó, những chiếc ghế sáng chế mang thương hiệu DoctorLoan đã ra đời”, bác sĩ Loan chia sẻ.
Theo bác sĩ Loan, ý tưởng ban đầu của cô là muốn tạo ra chiếc ghế lồi ở phía trước và lõm ở phía sau. Ghế có đặc trưng như vậy nhằm giữ cho xương chậu không bị trượt, vùng lõm phía sau sẽ tạo giúp ôm chặt xương chậu, xương cùng, xương sống thắt lưng ở tư thế thẳng đứng, cân đối khi tựa vào lưng ghế.
Từ ý tưởng ghế ngồi bác sĩ Loan lại tìm cách cho ra sản phẩm ghế nằm. Theo bác sĩ Loan những nghiên cứu của thế giới cho thấy khi một người ngồi ở tư thế gần như nằm với góc 135 độ, áp lực trên cột sống được giảm nhiều nhất so với tư thế ngồi vuông góc hoặc ngồi chồm ra phía trước. Dù đã có nghiên cứu nhưng trên thế giới vẫn chưa sản xuất ra sản phẩm ghế với góc độ 135 độ, vì lẽ đó DoctorLoan đã đi trước một bước.
Không dừng lại, bác sĩ Loan còn cho biết trong tương lai, DoctorLoan sẽ cân nhắc sản xuất những chiếc bàn làm việc thích ứng tốt nhất cho con người. Có thể những chiếc bàn này sẽ có thiết kế phù hợp với chiếc ghế nằm nửa ngồi 135 độ hiện tại.
Luôn tìm cái mới để thỏa đam mê
Với bác sĩ Loan, sáng chế là cuộc hành trình đi tìm cái mới đầy thú vị như đi khai phá những vùng đất mới, đồng thời thỏa niềm đam mê mày mò sáng tạo. “Khi mà trong ta luôn có những tìm tòi để tạo ra sản phẩm mới, ta thấy cuộc sống phong phú hơn. Và càng đặc biệt khi điều đó còn phục vụ cho con người”, bác sĩ Loan chia sẻ.
Mặc dù nuôi dưỡng trong mình niềm đam mê, nhiệt huyết với sáng chế, song trong hành trình hiện thực hóa ước mơ của mình bác sĩ Loan cũng gặp không ít khó khăn. Vượt qua những thử thách ban đầu như lên ý tưởng, vẽ ra giấy, tìm vật liệu, chế tạo, thử nghiệm, bác sĩ Loan còn mất 9 năm ròng rã bảo vệ để sản phẩm được cấp bằng sáng chế ở Úc. Đó là một hành trình dài và không hề dễ dàng, nhưng đó cũng là minh chứng sống động nhất cho những nỗ lực của người phụ nữ có đam mê sáng chế này.
Bác sĩ Loan quan niệm sáng chế là không gượng ép, sáng chế là niềm vui, một ân sủng cho người nào có nó. Từ sáng chế, con người có thể nhìn cuộc sống muôn màu với nhiều góc độ khác nhau.
Với bác sĩ Loan, việc coi sáng chế như thú vui, niềm say mê là điều không thể thiếu. Theo cô, để giữ lửa sáng chế cần nhìn sự vật, sự việc theo nhiều góc độ khác nhau và hiện thực hóa chúng, điều đó rất cần được duy trì tự nhiên như hơi thở, như cuộc sống.
“Những gì ta có thể sáng tạo, nghĩ ra, những cái gì mới đều dựa trên nhu cầu thực tế phục vụ con người. Vì vậy, người sáng chế phải có khả năng quan sát, phân tích và học hỏi không ngừng, để lắng nghe từ xung quanh mình. Tất cả mọi người xung quanh đều đem lại cho mình những sáng chế”, bác sĩ Loan tâm sự.
Phải có niềm say mê lao động
Với các bạn trẻ bước chân vào con đường sáng chế, theo bác sĩ Loan yếu tố quan trọng đầu tiên cần phải có đó là niềm say mê lao động. Những người sáng chế là người làm việc nhiều hơn người khác. Từ chỗ yêu thích lao động, yêu thích làm việc, chúng ta sẽ học cách quan sát, khắc phục khó khăn, khi ấy mới được gọi là sáng chế.
Thứ hai, là tinh thần không bỏ cuộc, khó khăn là động lực để tìm tòi học hỏi về lĩnh vực mình muốn nghiên cứu, cần trau dồi, đọc sách và tìm hiểu nhiều hướng để giải quyết vấn đề.
Thứ ba, khi có ý tưởng tốt đẹp, hướng đến mục tiêu phục vụ tốt cho con người thì cần phải đăng ký sáng chế.
Bằng kinh nghiệm của mình, bác sĩ Loan cho biết, bằng sáng chế chỉ được cấp khi sáng chế đó đem lại lợi ích cho con người, đồng thời phải vượt qua những tiêu chuẩn gắt gao như: Sáng chế phải chưa bao giờ có, trong sáng chế phải có tính mới khác biệt với những cái trước đây, không được dựa trên những sản phẩm hay ý tưởng trước.
Kế đó là tính sáng tạo, chúng ta phải thể hiện được sự khác biệt của sản phẩm đó, tính sáng tạo là cái mà người “bình thường” không nghĩ ra được, phải có một cái gì đó đột phá mới được công nhận là sáng tạo.
Cuối cùng là tính ứng dụng, sáng chế được cấp không phải để bỏ trong ngăn, không có tác dụng cho gì cho đời mà cần phải được áp dụng vào cuộc sống.
Cũng theo bác sĩ Loan, những tiêu chí khắt khe đó tạo cho sáng chế một đặc quyền riêng. Sáng chế càng được bảo hộ ở diện rộng trên toàn cầu thì càng thể hiện sản phẩm có tính tiên tiến khắp toàn cầu, với phạm vi lớn.
Võ Liên
Link nội dung: https://btoday.vn/bac-si-pham-thi-kim-loan-sang-che-la-cuoc-hanh-trinh-khai-pha-vung-dat-moi-a6498.html