Theo đó, mua sắm trực tuyến, đầu đọc thẻ không tiếp xúc và thanh toán trực tuyến không còn là những điều mới mẻ, nhưng việc chính phủ các nước phong tỏa xã hội và lo ngại về làn sóng lây nhiễm COVID-19 đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong cuộc khủng hoảng y tế này.
Marc-Henri Desportes, Phó Giám đốc điều hành của Worldline, một công ty xử lý giao dịch và thanh toán của Pháp cho biết, năm 2020 đã thúc đẩy đáng kể sự thay đổi sở thích của người tiêu dùng sang thanh toán điện tử và mua sắm trực tuyến.
Khi đại dịch đang dần đi vào kiểm soát cũng là lúc mà thanh toán số tro thanh một phần thiết yếu trong 1 năm trở lại đây.
Bộ ba start-up gồm Stripe, SumUp và Pledg đã được hưởng lợi từ sự thay đổi này. Được thành lập bởi hai anh em người Ireland vào năm 2011, Stripe đã vươn lên vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực thanh toán số sau khi định giá của của công ty này tăng vọt lên 95 tỉ USD trong tuần qua, cao gần gấp ba lần so với mức định giá hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, vẫn còn một chặng đường dài để những start-up này bắt kịp những cái tên như Mastercard, được định giá trên 300 tỉ USD. Công ty xử lý giao dịch thanh toán trực tuyến này đã đạt được mức định giá mới sau khi huy động được 600 triệu USD tài trợ từ các nhà đầu tư vào cuối tuần trước.
Mới đây, start-up SumUp của Anh, chuyên cung cấp thiết bị đầu cuối thanh toán thẻ và dịch vụ trực tuyến, đã huy động được 750 triệu euro tiền tài trợ. Cùng ngày, start-up Pledg có trụ sở tại Paris (Pháp), chuyên về dịch vụ trả góp, đã huy động được 80 triệu euro.
Ông Desportes cho biết, mọi thay đổi đối với các start-up này đều diễn ra chỉ trong khoảng 1 năm, trong khi bình thường sẽ mất tới 3-5 năm để đạt được những bước tiến này.
Theo một nghiên cứu của công ty tư vấn Accenture được công bố vào năm ngoái, doanh thu thanh toán điện tử toàn cầu có thể tăng 500 tỉ USD trong những năm tới, đạt 2.000 tỉ USD vào năm 2025. Những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực này bao gồm các công ty PayPal, Apple Pay và Visa (đều của Mỹ), WeChat Pay và Alipay của Trung Quốc.
Nghiên cứu hồi đầu năm 2021 của Visa, công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia của Mỹ, cho thấy xu hướng thanh toán không tiếp xúc đã trở thành một yếu tố thúc đẩy sự khác biệt.
Nếu chọn lựa nơi để mua sắm có tất cả các yếu tố khác tương tự nhau (giá cả, sự đa dạng và địa điểm), gần 2/3 (63%) người tiêu dùng sẽ chọn một nơi mua sắm có cài đặt tùy chọn thanh toán không tiếp xúc.
Đáng chú ý, thanh toán qua mã QR cũng đang trở nên ngày càng phổ biến để kích hoạt thương mại đa kênh. Theo Juniper Research, thanh toán bằng mã QR sẽ là cơ chế thương mại kỹ thuật số được sử dụng nhiều nhất về khối lượng trong suốt 5 năm tới, chiếm 27% tổng số giao dịch thương mại điện tử vào năm 2024.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, tại Mỹ có thêm 11% người tiêu dùng bắt đầu sử dụng mã QR trong thanh toán bởi tính đơn giản, dễ sử dụng và an toàn của nó.
Theo Tạp chí Điện tử
Link nội dung: https://btoday.vn/thanh-toan-so-tu-san-pham-vo-danh-tro-thanh-nhan-to-quyet-dinh-thi-truong-cua-kinh-te-so-a64.html