Tiền ảo Tether: Tiền điện tử lớn thứ 3 thế giới vướng nhiều tranh cãi

Tiền ảo Tether ra đời giúp thị trường tiền điện tử đa dạng và sôi động hơn, tuy nhiên nhiều chuyên gia cảnh báo về tác động của nó lên ngành tài chính.

Tether là gì?

Tether (USDT) được phát hành bởi một công ty tên là Tether Limited, trực thuộc quyền quản lý của pháp luật quần đảo Virgin Anh và được thành lập tại Hồng Kông. Cũng là như Bitcoin, Tether là một dạng tiền ảo. Hiện tại, Tether có giá trị vốn hoá thị trường hiện đạt hơn 62 tỷ USD, lớn thứ ba thế giới.

Tether có thể được chuyển, lưu trữ, chi tiêu, giống như Bitcoin hoặc bất kỳ đồng tiền ảo khác, người dùng có thể giao dịch và lưu trữ Tether với bất kỳ ví điện tử nào. Tuy nhiên Tether khác so với Bitcoin và các tiền ảo khác khi được bảo hộ bởi tiền USD được lưu trữ tại Công ty Tether Limited và có thể được mua lại qua nền tảng Tether. Trong khi đó, các tiền ảo khác có mức độ biến động rất lớn do không được ràng buộc với một tài sản thực nào.

Theo đó, tiền ảo Tether được thiết kế để neo buộc vào đồng USD. Trong khi giá các tiền ảo khác thường xuyên tăng giảm trong biên độ rộng, giá Tether chỉ dao động quanh ngưỡng 1 USD. Vì thế, các nhà giao dịch tiền ảo thường dùng Tether thay cho USD để mua các tiền ảo khác. Về cơ bản, việc này sẽ mang lại cho nhà giao dịch một phương thức an toàn ở tài sản ổn định hơn, nhất là những thời điểm thị trường tiền ảo có sự biến động mạnh.

Vì sao tiền ảo Tether ra đời?

Tether Limited lập luận rằng việc sử dụng Tether để mua tiền điện tử cho phép người dùng chuyển tiền mặt ra và vào sàn giao dịch tiền ảo một cách nhanh chóng, an toàn và rẻ. Ngoài ra, dù tiền ảo ngày càng phổ biến, thế nhưng đến nay nó vẫn là một loại tài sản chưa được điều tiết, vì vậy nhiều ngân hàng không muốn quan hệ với các sàn giao dịch tiền ảo để tránh rủi ro. Đó là lý do những tiền ảo loại stablecoin như tiền ảo Tether được tạo ra để lấp chỗ trống.

tien-ao-tether

Theo Tether Limited, số lượng Tether trong lưu thông phải luôn bằng số lượng USD trong tài khoản ngân hàng được lưu trữ tại đây, khi đó người dùng mới có thể trực tiếp mua và bán Tether trên nền tảng.

Để chứng minh được rằng số tiền (tính bằng đơn vị USD) trong tài khoản ngân hàng tương đương hoặc nhiều hơn số tiền ảo Tether đang lưu thông, Công ty Tether Limited đã xuất số dư tài khoản ngân hàng công khai trên website. Các kiểm toán chuyên nghiệp sẽ thường xuyên xác nhận, ký và xuất số dư ngân hàng cơ bản và báo cáo chuyển tiền.

Tether là đối thủ của Bitcoin

Việc tạo ra Tether ra đời và trở nên phổ biến đã khiến nhiều người nhầm lẫn rằng đây sẽ là đối thủ của Bitcoin. Tuy nhiên, nhà sáng lập tiền ảo Tether đã khẳng định rằng Tether chỉ bổ sung công nghệ cho đồng Bitcoin. Thực tế, giá trị của Tether không biến động thất thường quá nhiều như Bitcoin. Vì đồng tiền ảo này được neo theo giá USD với tỷ lệ 1:1, vì vậy nó có thêm tính ổn định khác với các đồng tiền ảo khác. Khi Tether trở nên phổ biến sẽ cho phép người dùng đang sử dụng nền tảng blockchain tham gia vào thị trường một cách dễ dàng hơn và tránh được các “cơn bão thất thường” đến từ sự biến động của đồng Bitcoin.

Ví dụ, nếu giá Bitcoin từ 12.000 đồng lên 14.000 đồng trong một ngày, những ai chơi Altcoin với cặp Bitcoin sẽ rớt thê thảm, nhưng giá trị USD của những đồng coin không rớt nhiều. Nếu như đang chơi BNB trên sàn Binance có hỗ trợ giao dịch BNB/USDT, vậy khi giá Bitcoin tăng đột biến thì chuyển toàn bộ BNB sang USDT để cầm giá. Bằng cách này có thể hạn chế được giá giảm của BNB và số tiền của người chơi vẫn giữ được.

Một khi lên các sàn giao dịch, Tether có thể được sử dụng để mua Bitcoin và các đồng tiền ảo khác. Người dùng cũng sẽ dễ dàng chuyển tiền từ Tether tại một sàn giao dịch tới bất cứ ví điện tử nào. Mặc dù được giao dịch hoàn toàn miễn phí, tuy nhiên, để chuyển đổi từ tiền ảo Tẹther sang đồng USD hay ngược lại, người dùng phải trả một khoản phí nhỏ.

Tiền ảo Tether bị cáo buộc đẩy giá Bitcoin

Theo trang CNBC, từ lâu, đã có những mối lo ngại về việc liệu Tether có được sử dụng để thao túng giá Bitcoin. Một nghiên cứu cho rằng Tether đã được dùng để “đỡ” giá Bitcoin hồi năm 2017, góp phần đưa giá Bitcoin tăng chóng mặt trong năm đó.

Cụ thể, tháng 11/2017 một tài khoản mạng xã hội đã cáo buộc Bitfinex - một sàn giao dịch tiền ảo trực thuộc Ifinex đã “in” ra 30 triệu đồng Tether mà không có USD làm tài sản đảm bảo. Số Tether này được sử dụng để mua Bitcoin và một số đồng tiền ảo khác. Chưa dừng lại ở đó, công ty này tiếp tục bơm ra 850 triệu đồng Tether vào thị trường trong tháng 1/2018.

Trang CNBC dẫn lời chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện khoa học máy tính quốc tế Berkeley (California) - ông Nicholas Weaver nhận định: “Chỉ trong vòng vài tháng một số lượng lớn đồng Tether được tạo ra. Nó được đưa lên sàn Bitfinex, dùng để mua Bitcoin và các đồng tiền ảo khác. Tôi cho rằng nó dùng để đẩy giá lên cao”.

Một chuyên gia phân tích kỹ thuật khác cũng đưa ra nhận định: “Việc cho ra đời thêm Tether có tác động đáng kể đến thị trường, 48,8% đà tăng giá của Bitcoin xảy ra chỉ 2 giờ sau sự ra đời của Tether trên Bitfinex”.

Nhà chức trách New York đã lên tiếng cáo buộc Tether và Bitfinex dịch chuyển hàng trăm triệu USD để che đậy số tiền bị mất 850 triệu USD của khách hàng. Sau đó, Tether và Bitfinex phải nộp phạt 18,5 triệu USD và bị cấm hoạt động ở bang New York, dù không thừa nhận bất kỳ cáo buộc nào.

Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế lo ngại rằng nhà phát hành Tether thực ra không có đủ dự trữ USD để đảm bảo sự neo buộc vào USD như khẳng định.

Theo hãng tin Bloomberg, giá trị vốn hoá thị trường của Tether hiện đạt hơn 62 tỷ USD, chỉ có 44 ngân hàng lớn ở Mỹ nắm lượng tiền gửi lớn hơn con số này.

Tuy nhiên, tháng 5, Ifinex đã công bố dự trữ đảm bảo cho tiền ảo này. Theo đó, chỉ có 2,9% dự trữ là tiền mặt, số còn lại là thương phiếu (commercial paper) – một dạng nợ ngắn hạn, không có tài sản đảm bảo. Theo JPMorgan Chase, với tỷ lệ dự trữ như vậy, Tether nằm trong top 10 nhà nắm giữ thương phiếu lớn nhất thế giới. Vì thế, Tether được so sánh với những quỹ thị trường tiền tệ truyền thống, nhưng lại không chịu bất kỳ sự điều tiết nào.

Rủi ro tiềm tàng với thị trường tài chính

Ông Eric Rosengen - Chủ tịch Fed chi nhánh Boston từng lên tiếng cảnh báo về Tether, gọi tiền ảo này là một rủi ro tiềm tàng đối với sự ổn định của thị trường tài chính. Nói cách khác, những vấn đề liên quan đến Tether có thể tác động không nhỏ đến ngành công nghiệp tiền ảo còn non trẻ, thậm chí có ảnh hưởng lan rộng, vượt khỏi lĩnh vực tiền số.

Một cuộc khủng hoảng có thể dễ dàng xảy ra trong tương lai, khi những đồng tiền ảo này trở thành một bộ phận quan trọng hơn của thị trường tài chính, trừ phi chúng ta bắt đầu điều tiết chúng và đảm bảo rằng những thứ được quảng cáo ra công chúng, bao gồm stablecoin, có sự ổn định tốt hơn”, ông Rosengren nói.

Các nhà phân tích thuộc JPMorgan Chase cũng từng cảnh báo rằng một sự mất mát niềm tin đột ngột vào Tether có thể dẫn tới một “cú sốc thanh khoản nghiêm trọng đối với toàn bộ thị trường tiền ảo”. Ngoài ra, còn có những lo ngại rằng trong trường hợp nhà đầu tư bất ngờ rút ồ ạt Tether, ảnh hưởng sẽ lan rộng trên thị trường tài chính, tác động đến nhiều tài sản khác không riêng gì tiền ảo.

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings cho rằng, những tiền ảo được bảo đảm hoàn toàn bằng những tài sản an toàn và có độ thanh khoản cao sẽ đặt ra ít rủi ro hơn, nhưng cơ quan chức năng vẫn cần lưu tâm nếu những tiền ảo đó có dấu ấn mang tính toàn cầu hoặc hệ thống”.

Những đồng stablecoin được bảo đảm bởi dự trữ nhỏ hoặc những tài sản có độ rủi ro cao hơn cũng đặt ra những nguy cơ lớn hơn”, Fitch cảnh báo.

​Nhật Linh

Nhật Linh

Link nội dung: https://btoday.vn/tien-ao-tether-tien-dien-tu-lon-thu-3-the-gioi-vuong-tranh-cai-a610.html