Thông tin thị trường ví điện tử Đông Nam Á tăng trưởng nhanh nhất thế giới Công ty Công nghệ tài chính Boku có trụ sở ở London (Anh) và Công ty Juniper Research đưa ra trong báo cáo nghiên cứu mới đây.
Theo đó, nghiên cứu của Boku và Juniper Research dự đoán số lượng ví di động sẽ tăng 311% từ năm 2020 lên gần 400 triệu vào năm 2025 tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, phản ánh sự bùng nổ thương mại điện tử. Lượng sử dụng ví di động tại Mỹ Latinh được dự đoán tăng trưởng 166% trong cùng kỳ, còn tại châu Phi và Trung Đông là 147%.
Cũng theo báo cáo, ví điện tử vượt mặt thẻ tín dụng để trở thành phương tiện thanh toán được sử dụng nhiều nhất trên toàn cầu trong năm 2019. Việc chấp nhận ví điện tử được đẩy nhanh hơn trong đại dịch. Hơn 2,8 tỷ ví điện tử được sử dụng vào cuối năm 2020 và con số này được dự báo tăng 74% lên 4,8 tỉ USD vào cuối năm 2025.
Nghiên cứu cho thấy, có hai dạng ví điện tử riêng biệt trên thế giới. Một loại là ví điện tử dựa trên thẻ như Apple Pay và Google Pay - vốn phổ biến hơn ở các thị trường phát triển. Loại thứ hai là các ví điện tử tích trữ giá trị thực sự như Alipay của Trung Quốc hay GrabPay của hãng gọi xe Grab, được sử dụng thịnh hành ở các thị trường mới nổi, nơi tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng của người dân còn ở mức thấp.
Giám đốc Sản phẩm của Boku Adam Lee cho biết, thị trường ví điện tử sẽ tăng trưởng nhanh nhất ở những nước có tỷ lệ người dân sử dụng thẻ tín dụng thấp. Ở Bắc Mỹ và Tây Âu, nơi chủ yếu sử dụng ví điện tử kết nối với thẻ tín dụng, tỉ lệ thâm nhập ví điện tử sẽ chậm hơn vì công nghệ này chỉ mang lại lợi ích hạn chế.
Năm 2020, 55 ví điện tử có doanh số giao dịch hơn 1 tỷ USD/năm và sẽ tăng lên 69 ví vào năm 2025. SadaPay của Pakistan được dự báo sẽ là ví điện tử tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong 5 năm tới, tiếp theo là Mercado Pago và PicPay ở Brazil.
Báo cáo cũng cho rằng các ví điện tử của Trung Quốc chỉ được sử dụng ở mức hạn chế ở bên ngoài thị trường Trung Quốc, dù ví điện tử Alipay của Ant Group, đơn vị liên kết của Alibaba đang mở rộng sự hiện ở thị trường quốc tế bằng cách mua cổ phần ở các nền tảng thanh toán di động nước ngoài như bKash (Bangladesh) hay ví WeChat Pay của Tencent đã được cấp phép hoạt động ở Indonesia vào năm 2020. Alipay đã hiện diện tại Singapore, Việt Nam, Hong Kong (Trung Quốc), Hàn Quốc cũng như một số nước ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Theo ghi nhận, tại Việt Nam, ví điện tử Momo chính là loại hình phát triển nhanh nhất và chiếm ưu thế nhất hiện nay. Ông Nguyễn Mạnh Tường - Phó Chủ tịch HĐQT Ví điện tử Momo cho biết, số người dùng ví điện tử Momo tăng mạnh thời gian gần đây, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19. Tính đến cuối năm 2020, lượng người dùng ví Momo đạt 20 triệu tài khoản, gấp 40 lần so với cách đây 5 năm.
Nguyễn Hồng
Nguyễn Hồng
Link nội dung: https://btoday.vn/thi-truong-vi-dien-tu-dong-nam-a-tang-truong-nhanh-nhat-the-gioi-a609.html