Nông nghiệp là bệ đỡ quan trọng của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực và an sinh xã hội Việt Nam. Những năm qua, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Cuộc cách mạng 4.0 tạo ra sự tăng trưởng mạnh mẽ và mở ra một kỷ nguyên mới cho nền nông nghiệp nước nhà khi song hành cùng thuật ngữ "đổi mới sáng tạo".
Người trẻ “dò dẫm” với công nghệ canh tác thông minh
Đổi mới sáng tạo đang là chủ đề nóng được cả nước quan tâm, đặc biệt là với thế hệ trẻ, sinh viên năng động, nhiệt huyết và đầy sáng tạo hiện nay. Những năm qua, rời phố trở về quê hương và tận dụng nguồn tài nguyên bản địa để khởi nghiệp chính là xu hướng mà người trẻ lựa chọn.
Các bạn trẻ đã thổi một luồng gió mới vào nền nông nghiệp tạo ra những mô hình, cách làm sáng tạo mới góp phần thay đổi diện mạo mới cho nông thôn, hiện đại hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp.
Gần đây nhất là dự án “Ứng dụng nghiên cứu nước trong thân cây chuối hột làm thực phẩm bảo vệ sức khỏe” của nhóm sinh viên Trần Minh Toàn, Hà Thị Diệu Hiền, Nguyễn Trọng Nghĩa đến từ Trường Đại Kinh tế - Đại học Đà Nẵng.
Sinh viên Hà Thị Diệu Hiền chia sẻ về câu chuyện xây dựng, phát triển dự án: “Chúng tôi nhận ra tiềm lực to lớn đến từ thị trường mặt hàng nước giải khát có sức tiêu thụ lớn. Tại nhiều quốc gia, lượng người sử dụng mặt hàng này bình quân trong ngày ở mức gần 50%, trong đó có Việt Nam”.
Những con số ấn tượng của ngành giải khát là “lực hấp dẫn” để các bạn trẻ trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng quyết định dấn thân.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm dự án thấy chuối hột phổ biến, dễ trồng và có mặt rộng rãi. Nước trong thân cây có nhiều hoạt tính dược học cao và đặc biệt tốt cho sức khỏe của con người. Tuy nhiên tại Việt Nam, nước thân cây chuối hột chỉ được mô tả trong dược điển như một bài thuốc Đông Y trong dân gian chứ chưa được khai thác và thương mại hóa.
Nhóm lên ý tưởng sản xuất sản phẩm hoàn toàn mới trên thị trường. “Chúng tôi quyết định xây dựng Dự án và phát triển hai sản phẩm từ nước trong thân cây chuối hột là thạch chuối kỷ tử và nước thân chuối hạt chia đóng chai”, Diệu Hiền cho hay.
Dự án mang lại giá trị cho người tiêu dùng khi tạo ra một sản phẩm giá trị dược tính cao và có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Từ đó, người nông dân tận dụng triệt để các tạo phẩm đến từ cây chuối giúp tạo sinh kế, tăng thu nhập hỗ trợ đời sống.
Hay như dự án khởi nghiệp của Start up trẻ Đào Huy Tùng - Giám đốc HTX Nấm Công nghệ Hòa Thọ (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) - từ trồng nấm rơm công nghệ cao.
Trong khu nhà xưởng sản xuất khoảng 450m2 trại nấm Huy Tùng, anh Tùng tạo ra việc làm cho nhiều người lao động, trong đó có những người đã lớn tuổi có được công việc nhẹ nhàng ổn định. Với khoảng 20 ngày công/tháng, nhiệm vụ của họ là đưa nguyên liệu vào phòng trồng nấm, thu hoạch và đẩy nguyên liệu ra ngoài.
Công việc tại trại nấm có thể giúp cho gần 10 người làm việc tại đây có thu nhập trung bình khoảng 4 triệu đồng/tháng. Tại trại nấm có khoảng 4 công nhân chính tham gia sản xuất trực tiếp, 5 lao động thời vụ chủ yếu là phụ nữ.
Gia đình chủ trại nấm Huy Tùng từ miền Bắc vào Đà Nẵng sống và lập nghiệp. Qua nhiều lần tìm hiểu, anh Đào Huy Tùng và vợ nhận thấy nấm rơm thường “đứt hàng” vào ngày rằm, mồng 1 với giá cao tại thị trường.
Niềm đam mê làm nông trỗi dậy, anh chị tận dụng không gian đất trồng tại nhà trồng thử nấm rơm chất lượng cao. “Ban đầu, chúng tôi trồng theo phương pháp truyền thống trong phóng kín khoảng 15m2. Sản phẩm cơ bản đồng đều, chất lượng tốt nhưng phải quá phụ thuộc vào thời tiết khiến khó chủ động”, Huy Tùng nói thêm.
Trồng nấm theo phương pháp truyền thống chỉ được từ tháng 4 – tháng 8. Khi Đà Nẵng mùa mưa, nhiệt độ giảm, ban đêm độ ẩm thay đổi liên tục khiến việc trồng nấm thiệt hại không nhỏ. Suy tư về việc thay đổi thường trực trong thanh niên trẻ. Hai vợ chồng anh Tùng mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, áp dụng kỹ thuật và công nghệ cao với phương pháp canh tác mới.
Sự liều lĩnh dám nghĩ dám làm của tuổi trẻ và mồ hôi, trí tuệ, bài học từ thực chiến đưa trại nấm Huy Tùng trở thành một start up nông nghiệp điển hình. Hiện trại nấm sản xuất ổn định suốt 12 tháng/năm, không phụ thuộc thời tiết. Mở rộng 8 phòng trồng nấm khép kín với diện tích 35m2/phòng, nhiệt độ từ 30 – 35 độ C và điều chỉnh bằng công nghệ phù hợp sinh trưởng của cây nấm.
Nấm sinh trưởng trong hơn 2 tuần, nguồn nấm bán ổn định tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn TP Đà Nẵng, zalo, facebook.
Đặc biệt, tham quan trại nấm Huy Tùng sẽ nhận thấy được những ưu thế trong thiết kế và máy móc trại nấm hạn chế bụi, khí thải, tiếng ồn cũng như tận dụng tốt các nguyên liệu như bã mía, xơ dừa, lục bình… để cấy nấm. Số nguyên liệu thải sau khi thu khạch tiếp tục được ủ làm phân hữu cơ bán cho một số vườn rau, cửa hàng nông nghiệp.
Sản phẩm Huy Tùng đang dần tiến tới các siêu thị mini, cửa hàng thực phẩm sạch.
Giải pháp nào cho start up trẻ bứt phá với canh tác thông minh
Hiện nay, thế giới sử dụng phổ biến nhiều công nghệ tiến bộ thì tại Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng, những công nghệ tiến bộ trong nông nghiệp chỉ mới tập tành manh nha. Đó là: Công nghệ xử lý hình ảnh để nhận biết bệnh cây; công nghệ Robot, công nghệ học máy, học sâu và trí tuệ nhân tạo; GIS và viễn thám; Công nghệ IoT và máy bay không người lái, công nghệ mạng cảm biến không dây và công nghệ chỉnh sửa gene.
Trong đó, có những công nghệ giải quyết được 99% hiệu quả sản xuất về năng suất và chất lượng. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quyết - Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng, các tiến bộ công nghệ giúp nâng cao đáng kể năng suất, chất lượng và hiệu quả của sản xuất nông nghiệp.
Tiến bộ công nghệ làm thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, tùy theo điều kiện mà lựa chọn công nghệ phù hợp. Qua đó Tiến sĩ Quyết khặng định nông nghiệp thông minh là xu thế trong thời gian đến.
Ông Lý Đình Quân, Trưởng Làng Công nghệ Du lịch - Ẩm thực, Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Khởi nghiệp sông Hàn đưa ra một số tiềm năng và giải pháp nông nghiệp mới.
Theo ông Quân, nông nghiệp mới đang giúp cho tình trạng ô nhiễm đất, nước, không khí và rác thải không còn mà có thể biến “rác” thành tài nguyên. Người nông dân tự sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ chi phí thấp, sản xuất phân bón từ rác hữu cơ, phế phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, việc tự sản xuất thức ăn chăn nuôi chất lượng cao, chi phí thấp, sử dụng Nam dược bảo vệ sức khỏe vật nuôi, chăn nuôi không ô nhiễm môi trường. Các nông đặc sản được nâng cấp thành hàng hóa cao cấp, hoàn thiện bao bì – nhãn mác đủ điều kiện xuất khẩu quốc tế.
Nông nghiệp canh tác thông minh tạo giá trị gia tăng từ các nông sản, dược liệu với công nghệ chi phí thấp tại chỗ, hạn chế đầu tư và phụ thuộc điện năng. Tạo hệ sinh thái khép kín, đóng gói và nhân bản thông qua giáo dục…
Để phát triển hệ sinh thái sinh viên khởi nghiệp trong nông nghiệp, Chính phủ xây dựng hệ thống pháp lý nhằm hỗ trợ thế hệ trẻ - các bạn sinh viên có cơ hội va chạm, tiếp cận với thực tế. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Ðề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025".
Tính đến năm 2020, Đề án đồng hành hơn 100 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo triển khai tại 53 tỉnh, thành phố, hỗ trợ gần 2.000 dự án, 500 doanh nghiệp khởi nghiệp. Cuộc thi "Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn" năm 2023 nhận được gần 500 hồ sơ dự án tham gia thi từ 63 tỉnh, thành trên toàn quốc.
Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng vừa qua tổ chức Cuộc thi Startup Runway 2023 chủ đề “Sustainable Agriculture – From Tradition to Innovation” là cơ hội các bạn trẻ sáng tạo và phát triển ý tưởng về nông nghiệp.
Dù vậy, sinh viên nói riêng, người trẻ Đà Nẵng nói chung cũng gặp không ít khó khăn trong việc hình thành ý tưởng và biến ý tưởng thành hiện thực. Những bạn trẻ có nguồn kiến thức cập nhật phong phú tuy nhiên lại thiếu kinh nghiệm, va chạm thực tế do đó gặp không ít khó khăn trong tư duy định hướng hình thành sản phẩm.
Nhiều nơi các cuộc thi, tọa đàm chỉ mới dừng lại ở những hoạt động trình bày kế hoạch và ý tưởng, chưa thúc đẩy và hỗ trợ được nhiều trong quá trình hình thành sản phẩm mới. Công nghệ áp dụng trong canh tác hiện mới chỉ manh nha do điều kiện về vốn, tri thức, tiếp cận.
Sinh viên Hà Thị Diệu Hiền bày tỏ mong muốn: “Đà Nẵng cần xây dựng mạng lưới các doanh nghiệp và sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo để tăng cường và tạo ra các cơ hội kinh doanh mới. Hỗ trợ kết nối giữa các nhà sản xuất, hình thành hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, giúp Việt Nam theo kịp sự phát triển của khoa học - công nghệ, sự thay đổi thị trường và có tầm nhìn mới và hội nhập với quốc tế”.
Ông Lý Đình Quân đề xuất một số định hướng mô hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển IOT trong nông nghiệp; sử dụng AL và Machine Learning; Thương mại điện tử nông sản; cung cấp robot và máy móc nông nghiệp; phần mềm quản lý trang trại và nông nghiệp tạo ra năng lượng sạch.
Ngoài ra, dịch vụ quản lý tài chính, thanh toán trực tuyến cung cấp cho nông dân đồng thời thiết lập các trung tâm đào tạo nông nghiệp, cung cấp khóa học trực tuyến, sản xuất và cung cấp các thiết bị tự động hóa; thiết lập nền tảng công nghệ xây dựng hệ sinh thái chuỗi cung ứng và giá trị trong nông nghiệp.
Những năm qua, thế hệ trẻ có khát vọng và niềm đam mê, sự nhạy bén và khả năng tiếp cận được với kiến thức mới. Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, bền vững hay không cần các chính sách hỗ trợ có tầm nhìn dài hạn để thế hệ trẻ bứt phá lên từ canh tác thông minh trong nông nghiệp.
Bảo Hòa
Link nội dung: https://btoday.vn/start-up-tre-da-nang-khoi-nghiep-voi-cong-nghe-canh-tac-thong-minh-a6009.html