Ngành Công Thương tập trung đẩy mạnh khoa học công nghệ, chuyển đổi số

(SHTT) - Thời gian qua, ngành Công Thương đã nỗ lực chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ một cách tổng thể và toàn diện.

Trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp quốc gia thuộc các lĩnh vực khác nhau của ngành Công Thương. Từ nghiên cứu phục vụ xây dựng chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại đến nghiên cứu công nghệ trong các lĩnh vực: Cơ khí, điện tử, khai thác khoáng sản, luyện kim, hóa chất, năng lượng, công nghiệp tiêu dùng, thực phẩm…

Trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, nhiều kết quả nghiên cứu đã được phát triển, ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển ngành, nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cũng đã chủ động phối hợp cùng các cơ quan Bộ, ngành, địa phương và sàn thương mại điện tử lớn triển khai kết nối và hỗ trợ bán hàng, tiêu thụ nông sản trên nền tảng số. Đây là một trong những giải pháp được đánh giá mang lại hiệu quả cao, “cánh tay nối dài” của các kênh phân phối hàng hóa truyền thống. Từ đó, giúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ khắp 63 tỉnh, thành phố, tận dụng ưu thế của công nghệ theo xu hướng 4.0.

khoa hoc cong nghe nganh cong thuong

 

Trước đó, để thực hiện Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 823/QĐ-BCT ngày 29/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Chương trình chuyển đổi số tại Bộ Công Thương giai đoạn 2022 - 2025.

Trong giai đoạn này, Bộ sẽ triển khai hàng loạt nhiệm vụ cụ thể: Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; phát triển các hệ thống nền tảng; xây dựng cơ sở dữ liệu; phát triển các ứng dụng, dịch vụ; bảo đảm an toàn thông tin; phát triển nguồn nhân lực công nghệ số.

Bộ Công Thương cũng xác định trọng tâm trong hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ tập trung vào 5 vấn đề lớn.

Thứ nhất, đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương, đưa khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính, thúc đẩy phát triển công nghiệp nhanh và bền vững.

Thứ hai, chú trọng công tác nghiên cứu, tham mưu xây dựng định hướng, chính sách phát triển ngành Công Thương trong tình hình mới; cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn hoàn thiện hệ thống pháp luật để thực thi, khai thác có hiệu quả cam kết trong các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới.

Thứ ba, thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm và là chủ thể sống động của đổi mới sáng tạo và tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thứ tư, xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ vững mạnh, làm chỗ dựa tin cậy và hiệu quả cho doanh nghiệp cũng như cho các cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ năm, đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương theo hướng hiện đại.

Từ kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các đơn vị trong ngành Công Thương đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng cao quý: 3 công trình được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ; 5 công trình được xét tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; 1 giải thưởng VIFOTEC về sáng tạo khoa học và công nghệ. 

Minh Anh

Link nội dung: https://btoday.vn/nganh-cong-thuong-tap-trung-day-manh-khoa-hoc-cong-nghe-chuyen-doi-so-a5977.html