Theo đó, với diện tích đất không thể trồng lúa, hoặc trồng lúa không hiệu quả, nhiều người dân tại xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng đã cải tạo đất để có thể sản xuất nông nghiệp một cách có hiệu quả, nhằm cải thiện đời sống sinh hoạt của mình cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế của địa phương. Nhưng hành động này đã khiến họ lâm vào cảnh “mất trắng” đất và công sức đã bỏ ra.
Trong buổi làm làm việc với phóng viên, ông Lê Hải Chuyền - Chủ tịch UBND xã Chân Mộng thẳng thắn chia sẻ: Khu vực này đã từ lâu không còn ai trồng lúa, vì đặc điểm đất và địa hình mà người dân phải tiến hành sản xuất nông nghiệp bằng cách trồng hoa màu, và các loại cây khác. UBND xã cũng đã có ý định đề nghị cấp trên chuyển đổi mục đích sử dụng đất để người dân có thể sinh sống và ổn định sản xuất theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa theo quy định là không dễ dàng, vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với đất không hiệu quả rất mơ hồ và bản chất những diện tích đã cố định để trồng lúa muốn chuyển đổi mục đích sử dụng rất khó và mất thời gian. Do đó, việc người dân “Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép” là vi phạm qui định của pháp luật, cũng chính vì thế mà Nghị định 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có dự liệu hành vi này.
Khi được hỏi về ý kiến của chính quyền địa phương về việc nhiều người dân khiếu nại các quyết định của UBND huyện. Ông Chuyền cho biết phía UBND xã cũng nắm được sơ bộ và từ chối trả lời vì liên quan đến bộ phận chuyên môn cũng như bên thanh tra cấp trên đã tiếp nhận đơn thư của người dân và đang chờ kết luận? Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi câu trả lời từ các cấp chính quyền, người dân nơi đây đang lâm vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan". Bỏ thì không được, mà cải tạo để sản xuất thì vi phạm, sẽ bị xử phạt, rồi bị thu và dẫn đến mất trắng...
Để có đánh giá khách quan về những quyết định xử phạt cũng như thu hồi đất của UBND huyện Chân Mộng có đúng quy trình và theo trình tự thủ tục pháp lý hay không. Sau 2 bài phản ánh với tiêu đề:
“Khuất tất trong thu hồi đất ở huyện Đoan Hùng (Phú Thọ): Giải quyết không thỏa đáng, công dân phải khiếu nại lên tỉnh”
“Nhiều người dân tố chính quyền ở Đoan Hùng (Phú Thọ) thu hồi đất 'trộm' đem bán đấu giá?”
Phóng viên Sở hữu trí tuệ đã có buổi làm việc và trao đổi với Luật sư Nguyễn Văn Thân – Giám đốc công ty Luật TNHH ANP về nội dung nêu trên.
Phóng Viên (PV): Ý kiến luật sư về việc 1 hành vi bị xử phạt 2 lần? Cụ thể, sau khi người dân đổ đất để trồng cây, hoa mùa trên diện tích đất lúa, Xã đã tiến hành lập biên bản, ra quyết định xử phạt. Sau đó huyện lại thành lập đoàn kiểm tra để lập biên bản lỗi này, việc này đúng hay không?
Luật Sư (LS): Theo nội dung thể hiện trong bài báo “Khuất tất trong thu hồi đất ở huyện Đoan Hùng (Phú Thọ): Giải quyết không thỏa đáng, công dân phải khiếu nại lên tỉnh” đăng trên Tạp chí Sở hữu trí tuệ điện tử, một số công dân xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ bị UBND xã xử phạt hành chính về hành vi “Tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa khi không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép” sau đó tiếp tục bị UBND huyện ra Quyết định thu hồi đất với lý do “Vi phạm pháp luật về đất đai – hành vi hủy hoại đất”.
Trong trường hợp này cần phân biệt rõ khái niệm xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và thu hồi đất. Theo khoản 2 Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, “Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”. Hình thức xử phạt đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai bao gồm: Cảnh cáo và phạt tiền. Ngoài ra còn có thể áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả. Trong khi đó, khoản 11 Điều 3 Luật đất đai 2013 định nghĩa:“Nhà nước thu hồi đất là việc Nhà nước quyết định thu lại QSDĐ của người được Nhà nước trao QSDĐ hoặc thu lại đất của NSDĐ vi phạm pháp luật về đất đai”.
Như vậy, về bản chất, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và thu hồi đất là hai vấn đề khác nhau, thu hồi đất không phải là một biện pháp xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, trường hợp này không được coi là xử phạt hai lần đối với một hành vi. Tuy nhiên vẫn vi phạm đó, khi UBND xã đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính. Sau đó hành vi đó đã được ngăn chặn, không tiếp diễn. Thì việc UBND huyện tiếp tục lập đoàn thanh tra ghi nhận lại vi phạm này 1 lần nữa là không hợp lí.
PV: Việc cải tạo đất lại bị UBND huyện quy là hủy hoại đất rồi thu trắng? Mặc dù trước đó đã phạt hành chính thì có đúng theo quy định hay không? Định nghĩa về việc cải tạo đất và làm biến dạng đất trồng lúa?
LS: Theo các Quyết định thu hồi đất, UBND cấp huyện xác định lý do thu hồi đất là do người sử dụng đấ t“cố ý hủy hoại đất (san lấp đất chuyên trồng lúa nước làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất, làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định)”.
Căn cứ Khoản 3 Điều 3 Nghị định 91/2020/NĐ-CP, “Hủy hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất hoặc gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định, trong đó:
a) Làm biến dạng địa hình trong các trường hợp: thay đổi độ dốc bề mặt đất; hạ thấp bề mặt đất do lấy đất mặt dùng vào việc khác hoặc làm cho bề mặt đất thấp hơn so với thửa đất liền kề; san lấp đất có mặt nước chuyên dùng, kênh, mương tưới, tiêu nước hoặc san lấp nâng cao bề mặt của đất sản xuất nông nghiệp so với các thửa đất liền kề;
b) Làm suy giảm chất lượng đất trong các trường hợp: làm mất hoặc giảm độ dầy tầng đất đang canh tác; làm thay đổi lớp mặt của đất sản xuất nông nghiệp bằng các loại vật liệu, chất thải hoặc đất lẫn sỏi, đá hay loại đất có thành phần khác với loại đất đang sử dụng; gây xói mòn, rửa trôi đất nông nghiệp;
c) Gây ô nhiễm đất là trường hợp đưa vào trong đất các chất độc hại hoặc vi sinh vật, ký sinh trùng có hại cho cây trồng, vật nuôi, con người;
d) Làm mất khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là trường hợp sau khi thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này mà dẫn đến không sử dụng đất được theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất;
đ) Làm giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định là trường hợp sau khi thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điểm a, b và c khoản này mà phải đầu tư cải tạo đất mới có thể sử dụng đất theo mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất”.
Theo thông tin bài viết, do hiện trạng đất không còn phù hợp để trồng lúa nên người sử dụng đất đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất. Trên thực tế, việc trồng cây cối, hoa màu hoặc dựng lều tạm trên đất khó có thể làm thay đổi độ dốc mặt đất, độ dày. Vì vậy UBND huyện ra Quyết định thu hồi đất với lý do làm hủy hoại đất là không đủ cơ sở.
Việc “cải tạo đất” của người sử dụng đất trong trường hợp này có thể xác định là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích. Theo quy định pháp luật, khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp không được sự cho phép mà người sử dụng đất vẫn tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì cơ quan chức năng có quyền xử phạt vi phạm hành chính. Nếu đã bị xử phạt nhưng vẫn tiếp tục tiếp diễn thì có thể bị thu hồi đất theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 64 Luật đất đai 2013: “Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm”. Nhưng ở đây, thay vì căn cứ vào hành vi “sử dụng đất không đúng mục đích” để thu hồi đất, UBND huyện lại ra Quyết định thu hồi đất với lý do “người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất”.
PV: Ra quyết định thu hồi đất, nhưng nhiều năm người dân mới nhận được quyết định, và đất bỗng nhiên được đem ra đấu giá, luật sư cho biết nhận định về tình huống này?
LS : Trình tự, thủ tục thu hồi đất do vi phạm pháp luật quy định tại Điều 66 Nghị định 43/2014/NĐ-CP yêu cầu UBND cấp có thẩm quyền phải Thông báo việc thu hồi đất cho người sử dụng đất và đăng trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Việc thu hồi đất nhưng không thông báo cho người sử dụng đất là trái quy định pháp luật, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
PV: Với nguyên nhân đất trồng lúa không có năng xuất, thậm chí không trồng được lúa. Tuy nhiên khi người dân cải tạo để tiếp tục sản xuất nông nghiệp thì lại thu hồi và mang bán đấu giá với lí do cho chuyển đổi thành đất ở thì có hợp lý không?
LS: Khi người sử dụng đất nhận thấy đất trồng lúa không đủ khả năng để canh tác và muốn cải tạo đất sử dụng vào mục đích khác thì bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất. Khi đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện và nhu cầu sử dụng đất của người dân để xem xét phê duyệt thủ tục. Nhưng trong trường hợp này người sử dụng đất lại không thực hiện thủ tục theo đúng quy định pháp luật, dẫn đến hệ quả UBND tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai và thu hồi đất. Tuy nhiên, xem xét nội dung vụ việc thể hiện tại bài viết của Tạp chí Sở hữu trí tuệ điện tử có thể thấy quyết định thu hồi đất của UBND cấp huyện có một số vi phạm về trình tự, thủ tục và nội dung.
PV: Đối với đất đấu giá mục đích sử dụng là đất ở, theo quy định thì người dân địa phương hoặc người dân đang sở hữu và sử dụng diện tích đất này theo quy định của pháp luật có được ưu tiên gì không?
LS: Nếu xét theo quan điểm của UBND huyện Đoan Hùng, lý do thu hồi đất trong trường hợp này là vi phạm pháp luật về đất đai. Căn cứ theo khoản 3 Điều 82 Luật đất đai, đất thu hồi do vi phạm pháp luật về đất đai thuộc trường hợp không được bồi thường về đất. Với lẽ này, người sử dụng đất sẽ không được hưởng các khoản bồi thường, hỗ trợ từ Nhà nước.
Mở rộng vấn đề, trong vụ việc này UBND huyện Đoan Hùng đã ra Quyết định thu hồi đất và sử dụng đất này để thực hiện dự án “Giao đất cho nhân dân làm nhà ở thông qua hình thức đấu giá QSD đất tại khu Tràn Cây Sữa”. Theo khoản 1 Điều 118 Luật đất đai, Nhà nước có thể tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất cho hộ gia đình, cá nhân. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không có quy định người sử dụng đất cũ được quyền ưu tiên mua tài sản bán đấu giá. Như vậy, nếu người dân đang sử dụng diện tích đất này muốn giao đất thì phải thực hiện đăng ký đấu giá theo thủ tục thông thường.
PV: Ý kiến luật sư qua trường hợp cụ thể mà Sở hữu trí tuệ đã phản ánh trong bài viết?
LS: Đối với trường hợp mà Tạp chí Sở hữu trí tuệ điện tử đã phản ánh trong bài viết, có thể nhận thấy việc người dân tự ý thay đổi mục đích sử dụng đất là không đúng quy định, tuy nhiên hoạt động thu hồi đất UBND huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ cũng tồn tại nhiều sai phạm. Cụ thể:
Thứ nhất, về căn cứ thu hồi đất:
Như đã phân tích trước đó, việc người sử dụng đất thay đổi cơ cấu cây trồng hay xây dựng lều tạm trên đất khó có thể xác định là hành vi hủy hoại đất. Một mặt UBND xác định đây là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích để xử phạt hành chính, mặt khác UBND lại thu hồi đất của công dân với lý do cố ý hủy hoại đất. Như vậy, cùng một hành vi nhưng cơ quan chức năng lại xác định hai lỗi vi phạm khác nhau. Điều này là mâu thuẫn và bất hợp lý.
Thứ hai, về trình tự, thủ tục thu hồi đất:
Theo Điều 66 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Điều 12 Thông tư 30/2014/TT-BTNMT, việc thu hồi đất phải trải qua các bước như sau:
- Bước 1: Xác định hành vi vi phạm và lập Biên bản vi phạm hành chính để làm căn cứ thu hồi đất. Lập hồ sơ trình UBND cấp có thẩm quyền.
- Bước 2: UBND cấp có thẩm quyền ban hành quyết định thu hồi đất; Thông báo việc thu hồi đất cho người sử dụng đất và đăng trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện.
- Bước 3: Triển khai thu hồi đất và xử lý phần giá trị còn lại đã đầu tư vào đất hoặc tài sản gắn liền với đất (nếu có).
- Bước 4: Cập nhật, chỉnh lý dữ liệu cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính, thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
Điểm đáng lưu ý nằm ở chỗ Biên bản vi phạm hành chính để làm căn cứ thu hồi đất yêu cầu phải có chữ ký của cá nhân vi phạm và khi thực hiện thu hồi đất UBND có trách nhiệm phải thông báo cho người sử dụng đất. Tuy nhiên, theo phản ánh trong bài viết, chỉ đến khi đất bị đấu giá thì họ mới biết đến sự tồn tại của các Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Đoan Hùng. Như vậy, UBND huyện Đoan Hùng đã không tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và thông báo thu hồi đất cho người sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật.
Dựa trên các bài báo đã đăng tải trên Tạp chí Sở hữu trí tuệ điện tử có thể thấy vụ việc tồn tại nhiều vấn đề khúc mắc, sai phạm, cần phải có sự vào cuộc, giải quyết mạnh mẽ của các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.
Xin cảm ơn Luật sư về những chia sẻ trên!
Diện tích đất trồng lúa nhưng không hiệu quả, người dân khổ sở tìm cách cải tạo để sản xuất nông nghiệp. Xử phạt và thu hồi đất của dân có phải là cách giải quyết vẫn đề của UBND huyện hay không? Tại sao thu hồi đất lúa rồi bán đấu giá thành đất ở?
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!
Bắc Hiệp - Phúc Huy
Link nội dung: https://btoday.vn/doan-hung-phu-tho-loi-thoat-nao-cho-nguoi-nong-dan-dang-kho-vi-dat-a402.html