Lãng phí nguồn lực đất đai
Nhiều năm nay, người dân ở phường Chánh Hiệp, quận 12 rất bức xúc trước tình trạng khu đất rộng 15.600 m2 mặt tiền đường Tô Ký bị bỏ hoang, gây ô nhiễm môi trường, làm mất mỹ quan đô thị. Khu đất này được UBND thành phố Hồ Chí Minh giao cho Tổng công ty Lương thực miền Nam quản lý, sử dụng từ năm 2013. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ sử dụng làm văn phòng một thời gian rồi bỏ không.
Cũng tại quận 12, các phường Hiệp Thành, Tân Thới Nhất còn sáu khu đất công sản do các tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng lãng phí. Ðó là: Khu đất rộng 25.491 m2 của Công ty cổ phần (CP) Hợp tác kinh tế và xuất, nhập khẩu Savimex; khu đất rộng 11.544,6 m2 của Công ty CP giày Thiên Lộc; khu đất rộng 13.007,8 m2 của Công ty CP Cơ khí cao-su; khu đất rộng 10.784,8 m2 của Trung tâm Sâm và Dược liệu TP Hồ Chí Minh; khu đất rộng 7.526 m2 của Trường trung cấp Phương Nam và khu đất rộng 18.409 m2 của Công ty Tân Châu.
Tại đường Trần Khắc Chân, huyện Hóc Môn, khu đất công sản diện tích 3.600 m2 cũng bị sử dụng sai mục đích. Theo tìm hiểu của chúng tôi, khu đất này được UBND thành phố giao cho Công ty CP Lương thực TP Hồ Chí Minh theo hợp đồng thuê đất năm 2014 để làm chi nhánh và kho thực phẩm. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý sử dụng, đơn vị thuê đất đã xây thêm tám ki-ốt, mỗi ki-ốt khoảng 30 m2; diện tích đất còn lại thì cho thuê làm kho và bãi đậu xe tải.
Ở quận Bình Tân trong hàng chục năm qua, nếu ai đi qua tuyến đường Kinh Dương Vương (phường An Lạc) đều có thể thấy nhiều khu đất công sản diện tích lớn bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích. Ðó là khu đất rộng 12 nghìn m2 tại số 538. Ðược biết, khu đất này trước đây giao cho Công ty Phân bón miền Nam quản lý, sử dụng. Năm 2011, UBND thành phố Hồ Chí Minh thu hồi, giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố quản lý. Thế nhưng sau 10 năm, khu đất vẫn là một bãi đất trống, hoang hóa, ngập nước. Cũng bị bỏ hoang là khu đất rộng gần 2.700 m2, tọa lạc số 574 đường Kinh Dương Vương, do Công ty CP Chế tạo máy SINCO (thuộc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn) quản lý; khu đất 9.000 m2 tại số 620 đường Kinh Dương Vương do Công ty CP Hóa - Dược phẩm Mekophar (thuộc Bộ Y tế) sử dụng từ năm 2004...
Ngoài bỏ hoang, sử dụng sai mục đích, có những khu đất công sản đã rơi vào tay tư nhân, gây thất thoát cho Nhà nước. Mới đây, Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ, xử lý sai phạm các tổ chức, cá nhân liên quan dẫn đến thất thoát 4.500 m2 đất công tại số 14 Phú Châu (TP Thủ Ðức) sau quá trình cổ phần hóa tại Công ty TNHH MTV Dệt may Gia Ðịnh diễn ra cuối năm 2015...
Khu đất số 574 đường Kinh Dương Vương, quận Bình Tân bỏ hoang nhiều năm nay.
Thu hồi để phục vụ lợi ích chung
Ông Võ Công Lực, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Hồ Chí Minh (gọi tắt là Trung tâm) cho biết, qua thống kê có 1.104 khu đất do 28 đơn vị (chủ yếu là các tổng công ty, công ty vốn nhà nước) quản lý. Trong số này, 188 khu đất sử dụng sai mục đích như hợp tác kinh doanh, cho thuê, bố trí nhà ở; 110 khu đất bỏ trống. Từ năm 2015 đến tháng 6-2020, Trung tâm đã thu hồi được 159 khu đất, đấu giá thành công tám khu đất, thu về cho ngân sách 1.743 tỷ đồng, số còn lại giao cho các đơn vị khác quản lý.
Ðối với 123 khu đất thuộc đối tượng xử lý sắp xếp theo Nghị định số 167/2017/NÐ-CP ngày 31-12-2017 của Chính phủ về sắp xếp, xử lý tài sản công, Trung tâm đã khai thác ngắn hạn 41 khu đất, thuê bảo vệ 39 khu đất, số còn lại tạm quản lý. Việc cho thuê ngắn hạn các khu nhà, đất này nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách, giảm chi phí thuê bảo vệ khoảng ba tỷ đồng/năm. Tổng nguồn thu từ cho thuê ngắn hạn đến nay ước khoảng 110 tỷ đồng nộp ngân sách.
Ðược biết, tại quận 12, 14 khu đất công sản được giao cho các doanh nghiệp, tổ chức quản lý, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí đã được UBND quận 12 kiến nghị UBND thành phố thu hồi, điều chỉnh mục đích sử dụng để xây dựng trường học, công trình phúc lợi công cộng khác vốn đang rất thiếu trên địa bàn. Các kiến nghị này về cơ bản đã được các sở, ngành đồng ý.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng chỉ ra bất cập trong quản lý đất công sản như: Khu đất cho thuê ngắn hạn thì người thuê không mặn mà, còn nếu thuê dài hạn thì không thể tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Ðó là chưa kể khu đất chưa được quản lý bài bản, không có kế hoạch cụ thể cho nên hơn 10 năm vẫn chưa tổ chức bán đấu giá. Do vậy, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Hồ Chí Minh phải xây dựng phương án xử lý cho từng nhóm khu đất và nhu cầu vốn để đấu giá. Ðối với những mặt bằng dễ thực hiện thì lên kế hoạch đấu giá trước, những mặt bằng khó đấu giá ngay thì cho thuê 5 - 10 năm kèm theo cam kết bàn giao mặt bằng khi tổ chức đấu giá.
Ðể khắc phục tình trạng lãng phí, thất thoát đất công sản, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn”. Theo đề án này, thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do một đồng chí lãnh đạo UBND thành phố làm trưởng đoàn để tổng rà soát việc sử dụng nhà, đất do Nhà nước quản lý theo định kỳ 5 năm trên phạm vi toàn thành phố. Từ kết quả kiểm tra, đoàn sẽ đề xuất giải pháp xử lý những trường hợp sử dụng trái pháp luật, không hợp lý, đưa phương án sắp xếp lại các khu đất, trình HÐND thành phố thông qua rồi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm căn cứ để giải quyết đối với đất công sản do các tổ chức của thành phố và Trung ương nắm giữ...
Theo Vũ Nguyên/ Báo Nhân Dân
Link nội dung: https://btoday.vn/lang-phi-trong-su-dung-dat-cong-san-a219.html